Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Viêng Chăn, tháng 6/2011 (Ảnh: TTXVN)
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn và Phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến ngày 10/8/2011.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 và diễn ra ngay sau chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2011). Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa qua hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.
Là hai nước láng giềng gần gũi, Việt Nam và Lào vốn có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Mỗi quan hệ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, cùng hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản từng khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ của mỗi nước, trước đây cũng như ngày nay, nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa. Hai bên đều nhận thức sâu sắc rằng, quan hệ Việt Nam - Lào đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội IX Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách đặc biệt coi trọng và không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Mới đây, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào, phát biểu trước Quốc hội và nhân dân Lào anh em, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: " Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nguyện cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào làm hết sức mình để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào".
Những năm qua, quan hệ Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước. Quan hệ chính trị, an ninh – quốc phòng ngày càng gắn bó, tin cậy, thể hiện qua việc hai bên đã tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Thủ tướng Lào Thoong–xỉng Thăm–ma–vông đã thăm chính thức Việt Nam; nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị của hai Đảng, hai nước đã có các chuyến thăm lẫn nhau; tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thông tin, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công cuộc đổi mới và xây dựng Đảng; hoàn thành và công bố các sản phẩm của Công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên và mở rộng với nhiều hình thức được thực hiện từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Hiện có 4.709 cán bộ, học sinh Lào đang học tại Việt Nam và 420 cán bộ, lưu học sinh Việt Nam đang học tại Đại học Quốc gia Lào. Hai bên đã ký Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2011 – 2010.
Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả hợp tác được nâng lên. Về đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì ở một trong ba vị trí dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Lào. Tính đến nay, đã có 258 dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào với số vốn hơn 3,3 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 490 triệu USD, hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu 2 tỉ USD vào năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 300 triệu USD. Tại kỳ họp lần thứ 33 Ủy ban liên Chính phủ, hai bên đã ký thỏa thuận về Chiến lược hợp tác giai đoạn 2011 – 2020; Hiệp định hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2011 – 2015; Hiệp định hợp tác Việt Nam – Lào năm 2011.
Về đối ngoại, hai bên tích cực trao đổi thông tin và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, hoạt động tại các tổ chức và các diễn đàn đa phương: ASEAN, ASEM +3, AIPA, ACMECS, Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết; phối hợp triển khai kế hoạch tổng thể về Tam giác phát triển, hợp tác trong khuôn khổ ACMEC, hợp tác thực hiện dự án hành lang Đông – Tây, hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng...
Hợp tác giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới ngày càng có hiệu quả và thiết thực. Hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tăng cường hợp tác về giáo dục đào tạo, hợp tác kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng; giúp nhau xóa đói giảm nghèo; phối hợp giữ gìn an ninh trật tự biên giới.
Diễn ra ngay sau khi hai nước vừa tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng: tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội khóa mới, kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của bộ máy Nhà nước; cả hai nước tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn là minh chứng sống động của tình cảm và ý chí quyết tâm tiếp tục vun đắp, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, đưa quan hệ hợp tác hai nước không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./
Theo TTXVN
Chiều 5.8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 4-5/8, Hội PN huyện Tân Lạc tổ chức Đại lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là đơn vị được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo đại hội điểm để rút kinh nghiệm tổ chức đại hội các huyện, thành phố trong thời gian tới.
(HBĐT) - Ngày 4/8, đoàn công tác Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ủy viên UB Quốc gia về thanh niên Việt Nam làm trưởng đoàn kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
(HBĐT) - Trong những ngày cả nước đang hướng tới các hoạt động sẻ chia cùng các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), chúng tôi có dịp đến thăm những nạn nhân mang trong mình di chứng chất độc da cam ở TP Hòa Bình. Vượt lên nỗi đau của “vết thương chiến tranh”, những người CCB đã tiếp tục khẳng định được phẩm chất của người lính trong thời bình là vươn lên làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều người có cùng hoàn cảnh.
(HBĐT) - Năm 2006, Huyện ủy Tân Lạc đã ra Nghị quyết số 04/NQ-HU về phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, phấn đấu đến năm 2010, đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 40% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn huyện, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 8-10%, đối với đàn trâu, đàn bò từ 14-16%.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 4 – 5/8, tại thành phố Hòa Bình, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công thương tỉnh đã phối hợp tổ chức hội nghị công tác khuyến công 28 tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ VI. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại diện các Cục, Vụ, Viện và cơ quan của Bộ Công Thương; phía tỉnh ta có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.