Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, chiến sý Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam để kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ngày 28/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đến thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát; gặp gỡ với 30 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Thay mặt cán bộ chiến sỹ, Thượng tá Nguyễn Hải Lưu, Đồn trưởng đồn biên phòng Tà Vát báo cáo với Chủ tịch nước tình hình hoạt động của đơn vị.
Những năm qua, đồn biên phòng Tà Vát đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phối hợp với chính quyền xã Lộc Thịnh giữ vững an ninh trật tự vùng biên, vận động tuyên truyền quần chúng nhân dân chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiệp định về quy chế biên giới.
Đồn Biên phòng Tà Vát phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Thịnh xây dựng thành công mô hình Câu lạc bộ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Đơn vị tích cực giúp đỡ bà con trong công tác khám chữa bệnh, kỹ thuật canh tác..., góp phần xóa đói giảm nghèo; củng cố và xây dựng địa bàn trở thành điểm sáng về văn hóa và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.
Nói chuyện thân mật với cán bộ chiến sỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Tà Vát trong việc giữ vững an ninh trật tự vùng biên; giúp đỡ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng lưu ý, chiến sỹ đồn biên phòng Tà Vát nói riêng và lực lượng biên phòng nói chung cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, gắn kết mật thiết với người dân; xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh qua đó xây dựng tuyến biên giới Lộc Ninh là tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.
Gặp gỡ với đại diện 30 doanh nghiệp, Chủ tịch nước đã lắng nghe lãnh đạo các công ty báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo, trong chín tháng qua, khoảng 300/1000 doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động có lãi. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở địa phương hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn, sản phẩm đơn điệu. Lợi nhuận làm ra chưa tập trung đầu tư mở rộng sản xuất dẫn đến thiếu vốn.
Đại diện các doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Bé, Phú Riềng, Hiệp Phát, Hà Mỵ, Mỹ Lệ… cho rằng, năm 2012 giá nông sản giảm sâu khoảng 30% so với năm trước, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, các doanh nghiệp hiện khó tiếp cận các khoản vay mới. Chi phí xăng dầu điện nước thời gian qua liên tục tăng đã khiến giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp bị đẩy lên cao. Các doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tỉnh phát triển hai loại cây chủ lực cao su và điều, trong đó chú trọng các giải pháp bình ổn giá, hỗ trợ trồng và chăm sóc.
Hiện địa phương chưa có nguồn quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Do vậy, Chính phủ cần tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí để lập quỹ. Các ngân hàng thương mại cần đơn giản các điều kiện để doanh nghiệp nông sản được tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất phù hợp.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng Bình Phước là địa phương có lợi thế về đất đai, khí hậu để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Chủ tịch nước hoan nghênh những sáng kiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp, đã góp phần cải tạo đồng đất, đưa những vùng quê giàu truyền thống cách mạng trở nên khá giả.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ có những quyết sách điều chỉnh kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã làm việc với các cơ quan tư pháp tỉnh Bình Phước về thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Qua 6 năm triển khai, công tác cải cách tư pháp đã được cấp ủy, chính quyền và các ngành tư pháp đặc biệt quan tâm. Chất lượng của công tác cải cách tư pháp được chú trọng, nâng cao trách nhiệm.
Đặc biệt tổ chức bộ máy tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã chuyển biến theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, không để xảy ra các vụ án oan sai góp phần tích cực vào công tác phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ vững an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chủ tịch nước ghi nhận những chuyển biến trong công tác cải cách tư pháp của tỉnh và khen ngợi những cố gắng của các cán bộ cơ quan tư pháp tỉnh Bình Phước về việc hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn. Bình Phước là một trong số ít tỉnh đã giảm được số vụ án, tội phạm.
Trước tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, Chủ tịch nước đề nghị, bên cạnh sự đầu tư của Trung ương, chính quyền địa phương cần có biện pháp hỗ trợ để đầu tư xây dựng trụ sở; tăng cường đào tạo, đào tạo lại; kịp thời kiến nghị bổ sung đội ngũ cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sau khi đi thực tế, Chủ tịch nước Trương Tấn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Trong 10 tháng qua, Bình Phước vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng hai con số. Giá trị công nghiệp ước 10 tháng đạt 14.827 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thí điểm đạt hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Phước giữ được mức tăng trưởng khá, đạt hơn 13%, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn. Để có được những kết quả đó, có vai trò lớn của sản xuất nông nghiệp, lao động của bà con nông dân, cùng các doanh nghiệp tham gia chế biến nông sản.
Chủ tịch nước lưu ý, trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp tỉnh, cần tập trung vào một số cây trồng trọng điểm, đang cho giá trị cao. Chủ tịch nước cho rằng, nếu chính quyền địa phương giúp nâng gấp đôi giá trị thu hoạch trên một diện tích canh tác, thì thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên nhiều mặt.
Qua xem xét diện mạo tổng thể về kinh tế của tỉnh, Chủ tịch cho rằng, số doanh nghiệp chịu lỗ hiện nay là rất đáng chú tâm theo dõi. Nếu các cấp ngành hỗ trợ để cho một doanh nghiệp trong năm nay vượt qua ngưỡng khó khăn thì sẽ góp thêm một doanh nghiệp đầy đủ sức mạnh cho cộng đồng trong năm mới. Chủ tịch nước lưu ý, năm 2013 là thời điểm bản lề cho kế hoạch 5 năm này, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược 10 năm theo mục tiêu hoạch định của Đảng, Nhà nước. Đảng bộ, chính quyền người dân Bình Phước cần đồng lòng, chung sức, phát huy truyền thống để cùng cả nước về đích đạt vượt các chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra.
Đối với những băn khoăn của doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch cho rằng, gây dựng quỹ bình ổn, thực hiện mua tạm trữ cho giúp nông dân lúc khó khăn là việc cần tính đến.
Chủ tịch nước đề nghị Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo nhanh bền vững đối với các huyện nghèo, các xã thôn bản đặc biệt khó khăn, tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện đầy đủ chính sách với người có công, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác bảo đảm an ninh quốc phòng; đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị./.
(HBĐT) - Chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Cơ bản các ý kiến phát biểu đều nhất trí với các báo cáo đã trình trước Quốc hội. Phát biểu tại tổ, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đưa ra một số ý kiến, đó là:
(HBĐT) - Ngày 25 và 26/10, Công đoàn ngành GD&ĐT tỉnh đã tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Tới dự có lãnh đạo Công đoàn GD&ĐT Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD&ĐT cùng gần 125 đại biểu đại diện cho 21.267 đoàn viên công đoàn trong toàn ngành.
(HBĐT) - Ngày 26/10, trường CĐ Nghề Hòa Bình đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập (2002 – 2012), đón nhận Huận chương Lao động hạng ba và khai giảng năm học mới 2012 – 2013. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo tổng cục dạy nghề - Bộ LĐ – TBXH, Chủ tịch hiệp hội dạy nghề Việt Nam, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, một số trường CĐ, ĐH trong và ngoài tỉnh đã đến dự, chia vui với nhà trường.
(HBĐT) - Sáng 26/10, đoàn công tác Ban VHXH-DT (HĐND tỉnh) do đồng chí Hoàng Thanh Mịch, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác QLNN về dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh tại Ban Dân tộc tỉnh. Tham gia đoàn có các thành viên Ban VHXH-DT và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
HBĐT) - Ngày 26/10, tại xã Địch Giáo, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Tân Lạc mở phiên giao dịch việc làm lưu động lần II, năm 2012.
(HBĐT) - Nối tiếp thành tích sau 4 năm thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hơn 1 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị huyện Lương Sơn đã coi trọng triển khai, thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện NQ Đại hội XI của Đảng, nhất là NQ T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.