Ngày 1-2-2013, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký, ban hành Quy định số 163-QÐ/TW, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Quy định nêu rõ:

 

Chương I

 Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

 Ðiều 1. Chức năng

 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

 Ðiều 2. Nhiệm vụ

 1- Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

 2- Thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hằng năm và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

 3- Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

 4- Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.

 5- Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

 6- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp.

 7- Chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

 8- Chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ðảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; việc xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

 9- Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

 Ðiều 3. Quyền hạn của Ban Chỉ đạo

 1- Yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; việc xử lý một số vụ, việc tham nhũng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 2- Yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; chỉ đạo việc phúc tra khi cần thiết.

 3- Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ, việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

 4- Kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác, sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy theo phân cấp quản lý khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng.

 5- Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy các cấp xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật về chính quyền đối với cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

 6- Ðược sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng khi cần thiết.

 Ðiều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Ban Chỉ đạo

 1- Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo và Trưởng ban về những nhiệm vụ được phân công.

 2- Chủ động đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và Trưởng ban về các chủ trương, giải pháp, biện pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nhất là những chủ trương, giải pháp gắn với lĩnh vực, địa bàn được phân công trực tiếp phụ trách, quản lý.

 3- Chịu trách nhiệm cùng với tập thể cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng và tập thể lãnh đạo nơi công tác lãnh đạo thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

 4- Các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng bộ máy của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công.

 Ðiều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng ban

 1- Lãnh đạo, điều hành hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban Chỉ đạo.

 2- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác về phòng, chống tham nhũng; quyết định kế hoạch, chương trình công tác và các vấn đề khác thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban.

 3- Chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

 4- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo, trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.

 Ðiều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó trưởng ban thường trực

 1- Giúp Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động, phân công công việc cho các thành viên; chỉ đạo, phối hợp, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo theo ủy nhiệm của Trưởng ban.

 2- Giúp Trưởng ban chuẩn bị nội dung, chương trình và triệu tập các cuộc họp định kỳ, đột xuất; xử lý công việc thường xuyên; chủ trì một số cuộc họp và ký một số văn bản theo phân công của Trưởng ban.

 3- Giữ mối liên hệ thường xuyên với Trưởng ban; định kỳ hoặc đột xuất trực tiếp báo cáo với Trưởng ban về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

 4- Giúp Trưởng ban trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của Cơ quan Thường trực. Quyết định các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thường trực.

 Ðiều 7. Trách nhiệm và quyền hạn của các phó trưởng ban

 1- Giúp Trưởng ban điều phối hoạt động của các thành viên theo phân công của Trưởng ban.

 2- Thay mặt Trưởng ban thực hiện một số công việc, chủ trì một số cuộc họp của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng ban phân công.

 Ðiều 8. Thường trực Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo

 1- Thường trực Ban Chỉ đạo gồm: Trưởng ban và các phó trưởng ban; làm việc theo Quy chế của Ban Chỉ đạo.

 2- Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.

 Chương II

 Nguyên tắc, chế độ làm việc và quan hệ công tác

 Ðiều 9. Nguyên tắc làm việc

 1- Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

 2- Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.

 3- Tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.

 Ðiều 10. Chế độ làm việc

 1- Ban Chỉ đạo làm việc theo chương trình làm việc hằng năm, có điều chỉnh khi cần thiết. Ban Chỉ đạo họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp bất thường khi cần.

 2- Kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo được thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để thực hiện.

 3- Ðịnh kỳ 6 tháng một lần hoặc bất thường khi cần, Ban Chỉ đạo tổ chức giao ban công tác phòng, chống tham nhũng với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

 4- Ðịnh kỳ 3 tháng một lần, các thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo bằng văn bản với Ban Chỉ đạo và Trưởng ban về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.

 Ðiều 11. Quan hệ công tác

 1- Ban Chỉ đạo giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.

 2- Chỉ đạo Ðảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc đề xuất, tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng định kỳ, đột xuất tại các kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

 3- Chỉ đạo Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát các cơ quan, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.

 4- Chủ trì điều hòa phối hợp các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong việc tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho định hướng xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng nhạy cảm, phức tạp hoặc liên quan đến cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

 5- Chỉ đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có liên quan đến tham nhũng.

 6- Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo trực tiếp làm việc với các cấp ủy, cơ quan, tổ chức đảng có liên quan.

 7- Trao đổi thông tin cần thiết với các cơ quan, tổ chức; mời đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương tham dự các hội nghị có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

 Ðiều 12. Chế độ báo cáo

 1- Ðịnh kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có yêu cầu, Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với Bộ Chính trị và đề xuất về định hướng công tác trong thời gian tiếp theo.

 2- Ðịnh kỳ 3 tháng một lần, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Ðảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo bằng văn bản về việc tổ chức thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo và các nội dung có liên quan.

 3- Ðịnh kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

 Ðiều 13. Con dấu, tài khoản và kinh phí hoạt động

 1- Ban Chỉ đạo có con dấu để phục vụ công tác.

 2- Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu và tài khoản của Ban Nội chính Trung ương.

 3- Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do Văn phòng Trung ương Ðảng bảo đảm và cấp qua Ban Nội chính Trung ương.

 Chương III

 Ðiều khoản thi hành

 Ðiều 14. Quy chế làm việc

 Căn cứ Quy định này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

 Ðiều 15. Hiệu lực thi hành

 Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu cần điều chỉnh, bổ sung, Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị quyết định.

 

                                                                            Theo BaonhanDan

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
CCB Phạm Công Định chăm sóc vườn cam của gia đình.
Đồng chí Đoàn Văn Thu- Bí thư Đảng uỷ khối trao bằng khen cho các cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Thành phố Hòa Bình củng cố hệ thống chính trị ở xã, phường

(HBĐT) - Thực hiện NQT.Ư 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn” nhằm phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, TP.Hòa Bình đã quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo của các TCCS Đảng thông qua việc xây dựng đội ngũ đảng viên, sắp xếp, củng cố, kiện toàn, hoàn thiện các mô hình tổ chức đảng, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ.

Đa dạng các hình thức giáo dục ĐV - TN

(HBĐT) - Chị Triệu Thị Thu Hà, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Điểm nổi bật trong năm 2012 là sự xác định đúng đắn vị trí của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và chỉ đạo có kết quả việc tổ chức cho ĐVTN học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, các nghị quyết của Đảng, học tập 6 bài học lý luận chính trị, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội Đoàn các cấp, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

Thành phố Hoà Bình và huyện Tân Lạc: Phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2013

(HBĐT) - Ngày 4/2, UBND thành phố Hoà Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2012; phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2013.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng có mạnh mới lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước thành công

(HBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2013) và đón năm mới Quý Tỵ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân với mong muốn gửi tới toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm mới nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch-vững mạnh, xứng đáng là niềm tin, niềm tự hào của cả dân tộc. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng

(HBĐT) - Đảng ủy Khối các cơ quan (ĐUKCCQ) tỉnh hiện có 63 chi, Đảng bộ trực thuộc với trên 3.200 đảng viên. Những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, ĐUK, các cấp ủy trực thuộc đã có nhiều chủ trương, biện pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, thông qua đó đã góp phần phòng, chống, ngăn chặn suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của Đảng

(HBĐT) - Đồng chí Hoàng Văn Minh, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát cấp uỷ Đảng, UBKT các cấp huyện đã thể chế hoá nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng, của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát phù hợp với từng khu vực, địa bàn, từng loại hình tổ chức Đảng, để việc triển khai nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng, của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đến cơ sở đảm bảo tính hiệu quả, gần gũi, dễ tiếp thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục