Ngày 4-6, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 13. Các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Phần đông ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng cơ bản đồng tình với các quy định được ghi trong bản dự thảo liên quan tên nước; vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; chế độ chính trị; cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các quy định liên quan kinh tế, văn hóa, xã hội...

 Ðề cao quyền con người, quyền công dân

Thảo luận về các quy định liên quan quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến phát biểu đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Ðồng thời, dự thảo cũng bổ sung một số quyền mới. Một số đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể rõ ràng về các quyền của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngay trong Hiến pháp, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện; tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền; bảo đảm nguyên tắc quyền con người, quyền công dân được thực hiện trên thực tế.

Ðại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cho rằng, về cơ bản quyền con người là không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế phải chỉ rõ cơ sở để hạn chế và chỉ được hạn chế theo quy định của luật. Ðại biểu này đề nghị, nên quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Một số đại biểu đề nghị, cùng với quy định về quyền, dự thảo cần quy định cụ thể trách nhiệm của công dân đối với xã hội, với đất nước, gắn các quyền với các nghĩa vụ của công dân. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định công dân có quyền khiếu nại, tố cáo và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét giải quyết là cần thiết. Tuy nhiên, cần có cơ chế để kiểm soát công tác của các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Vì trên thực tế, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Theo đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) và một số đại biểu khác, cần quy định cụ thể nhằm bảo đảm các quy định trong thu hồi đất. Ðây cũng là một trong những điều nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số đại biểu đề nghị, bổ sung các quy định về bình đẳng về giới trên mọi lĩnh vực và Nhà nước có chính sách bảo đảm để phụ nữ có điều kiện tham gia tất cả các hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

 Xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh

Ðề cập các quy định liên quan chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, mô hình chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay đang đứng trước thực tế cần đổi mới để phù hợp tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước. Hiện nay, nhiều đề án liên quan đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương được triển khai nghiên cứu, thí điểm như Ðề án thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường, Ðề án về chính quyền đô thị. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tổng kết để đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của các mô hình thí điểm này. Ðại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị, cần khẩn trương tổng kết Ðề án thí điểm không tổ chức HÐND quận, huyện, phường tại một số địa phương để có phương án tối ưu trong việc đưa ra mô hình chính quyền địa phương. Nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo cần đưa ra mô hình chính quyền địa phương cụ thể, tránh việc quy định mang tính khái quát sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) và một số đại biểu khác, trong điều kiện hiện nay, nếu chưa đưa ra mô hình tối ưu, nên giữ nguyên các quy định về chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương chúng ta đã có nhiều mô hình để tham khảo, thực tế chúng ta cũng đã thí điểm một số mô hình như không tổ chức HÐND cấp quận, huyện, phường; mô hình chính quyền đô thị. Nhưng trên thực tế, các mô hình này chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Do vậy, cần tạo lập cơ chế hoạt động để chính quyền địa phương thật sự là chính quyền nhân dân, phục vụ nhân dân. Muốn như vậy, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh với mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân.

 Hoàn thiện cơ chế kinh tế - xã hội

Mô hình phát triển kinh tế quy định trong dự thảo được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Các đại biểu Bùi Ðức Thụ (Lai Châu); Thích Chơn Thiên (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nên quy định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Quy định như vậy nhằm khẳng định kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần và định hướng XHCN, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng, cần quy định để nền kinh tế phát triển bền vững, đây là mục tiêu quan trọng và xuyên suốt.

Ðề cập các quy định liên quan phát triển xã hội, nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường cơ chế chính sách bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế với các vấn đề xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội. Ðại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nêu, hiện nay nước ta có khoảng 8,6 triệu người cao tuổi và tình trạng già hóa dân số đang tăng nhanh. Do vậy, cần có chính sách trợ giúp các vấn đề an sinh xã hội đối với người cao tuổi nói riêng, người nghèo, gia đình chính sách nói chung. Cần có quy định người cao tuổi có quyền được bảo vệ, chăm sóc và chữa bệnh.

Ðề cập vai trò của tổ chức công đoàn quy định tại Ðiều 10, nhiều đại biểu cho rằng, tổ chức công đoàn là đại diện trực tiếp cho giai cấp công nhân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, bảo đảm các chính sách xã hội. Do vậy, việc thiết kế riêng một điều về vai trò của tổ chức công đoàn là cần thiết.

 Chế độ chính trị

Trong ngày làm việc, nhiều ý kiến tiếp tục đề cập các quy định tại Chương I - Chế độ chính trị, trong đó nhấn mạnh các quy định tại Ðiều 2: Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhiều ý kiến tiếp tục đề cập quy định tại Ðiều 4 bản dự thảo quy định về vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Ðảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của Ðảng trước nhân dân về những quyết định của mình.

Những quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ðiều 9) và về Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Ðiều 10) thu hút nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Phần lớn đại biểu bày tỏ sự tán thành quy định tại phương án 2 bản dự thảo. Theo đó, quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp...

Nhiều ý kiến cũng đề cập quy định về Hội đồng Hiến pháp tại Ðiều 120 dự thảo. Ða số ý kiến tán thành phương án 2 dự thảo quy định tổ chức Hội đồng Hiến pháp, nhưng bổ sung quyền hạn của hội đồng này để có hiệu lực trên thực tế. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tổ chức Hội đồng Hiến pháp, mà giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành.

Phát biểu ý kiến tổng kết hai ngày thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu QH. Ðồng thời, cảm ơn đồng bàotrong nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong suốt thời gian vừa qua.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu QH để tiếp tục hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi trình QH xem xét, thông qua.

 

                                                                   Theo Báo ND

 

Các tin khác

Các đồng chí lãnh đạo T.Ư Hội NCT, UBND tỉnh trao đổi với BTV Hội NCT tỉnh tại hội nghị tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội năm 2013. Ảnh: P.V
Không có hình ảnh
Hội viên NCT huyện Kim Bôi tổ chức hoạt động giao lưu VH-VN chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống NCT Việt Nam.
Nhà văn hoá tổ 3, phường Tân Thịnh được hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu hội họp của người dân.

Thống nhất nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XV

(HBĐT) - Ngày 3/6, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và thống nhất nội dung, thời gian, thành phần dự kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011–2016. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Đinh Duy Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND, MTTQ tỉnh.

Ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên diễn ra an toàn, nghiêm túc

(HBĐT) - Ngày 2/6, cùng với gần 1 triệu học sinh cả nước, 9.147 thí sinh tỉnh ta bước vào kỳ thi THPT năm 2013 với 2 môn: ngữ văn (150 phút) và hóa học (60 phút, thi bằng hình thức trắc nhiệm).

Lãnh đạo khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

(HBĐT) - Đảng bộ xã Kim Bình (Kim Bôi) hiện có 236 đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ. Trong những năm qua, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nghị quyết đã đề ra, nhiều năm liên tục đạt trong sạch - vững mạnh.

Lương Sơn tập trung nâng cao chất lượng đảng viên

(HBĐT) - Đảng bộ huyện Lương Sơn hiện có 4.630 đảng viên. Kết quả phân loại đảng viên năm 2012 cho thấy có 85% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ (trong đó có 13,3% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

Tình yêu bao la của Bác Hồ với thiếu nhi

(HBĐT) - Trong những tháng năm khi Bác là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác luôn dành cho thiếu nhi tình thương yêu đặc biệt vì theo Người đây là chủ tương lai của đất nước, là thế hệ tiếp tục sự nghiệp của dân tộc. Ngày 1/6/1950 lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước sang giai đoạn quyết liệt, giữa núi rừng Việt Bắc, ngày 1/6/1950, Bác đã viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng. Người viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng, đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cố gắng làm cho các cháu no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.

Người cao tuổi huyện Kỳ Sơn nêu gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước

(HBĐT) - Ông Nguyễn Đình Trọng, Phó Ban đại diện Hội NCT huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong những năm qua, NCT trong huyện phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu và gia đình chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nêu gương sáng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục