Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trò chuyện với người dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trò chuyện với người dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Nguyễn Xuân Phúc đã đến các tỉnh miền trung, trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng chống cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay tại các địa phương này.

 

Ngày 9-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến Quảng Trị kiểm tra công tác phòng chống bão số 14.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại địa bàn các xã xung yếu thuộc huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những cố gắng của chính quyền địa phương và người dân trong phòng chống bão số 14 như chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, neo đậu tàu thuyền và kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 14 là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay, hướng di chuyển phức tạp, khó lường, vì thế, tỉnh Quảng Trị cần triển khai công tác phòng chống với tinh thần cao để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân. Các hồ chứa tính toán kỹ phương án xả lũ, đảm bảo vừa an toàn cho hồ, đập, vừa hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, xã Triệu An, huyện Triệu Phong.

Trực tiếp đến các địa điểm sơ tán dân, Phó Thủ tướng đã động viên người dân yên tâm tạm trú tránh bão, lưu ý không được tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Các lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương có trách nhiệm bảo vệ nhà cửa và tài sản của nhân dân.

Kiểm tra công tác tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở các lực lượng phải hướng dẫn cho bà con ngư dân neo đậu tàu, thuyền đảm bảo chắc chắn, đúng cách, không để va đập, hư hỏng. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, trên các lồng bè, hồ nuôi tôm sát biển. Phó Thủ tướng mong muốn bà con cần phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua thiên tai, trước mắt là cơn bão số 14.

Người già và trẻ em vùng biển Quảng Trị được ưu tiên đưa đến nơi tránh bão an toàn trước tiên.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục di dời những hộ gia đình còn lại ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Sau khi bão tan chính quyền các địa phương cùng với người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, tập trung xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, giúp người dân ổn định cuộc sống…

* Tại Đà Nẵng, chiều tối 9-11, sau khi đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 14 tại Quảng Ngãi và Quảng Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các Bộ, ngành trung ương, các địa phương ven biển miền Trung về triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 14.

Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, hiện có 79 tàu đánh cá của ngư dân vào tránh trú tại quần đảo Trường Sa, trong đó có 64 tàu vào trú tránh tại đảo Song Tử Tây. Đến 16h, năm tàu cá cuối cùng của Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển đã thoát khỏi vùng nguy hiểm. Đà Nẵng còn một tàu chưa vào bờ nhưng ở cách xa cơn bão.

Thông báo, hướng dẫn tàu thuyền vào neu đậu tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tùng - Kỳ Nam.

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng đã di dời 46 nghìn hộ dân với 162 nghìn người ở vùng ven biển và huyện Hòa Vang đến nơi an toàn. Nhận định đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm, Đà Nẵng kiên quyết đưa những ngư dân trên tàu, trên các lồng bè vào bờ trước khi bão vào. Đà Nẵng cũng thành lập ba đội cứu hộ trên sông (Bộ đội Biên phòng phụ trách), đội cứu nạn (Bộ chỉ huy quân sự tp phụ trách) và đội cứu sập (Sở CS Phòng cháy chữa cháy phụ trách), sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Chủ tịch UBND các quận, huyện cũng trực tiếp chỉ đạo các tổ, đội cứu hộ, cứu nạn, cứu sập của địa phương mình để ứng cứu cho nhân dân khi bão đổ bộ, gây nguy hiểm tính mạng của nhân dân.

Trước diễn biến khó lường của cơn bão Haiyan, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cơ động đến các vị trí xung yếu, dễ bị chia cắt để sẵn sàng ứng cứu, lập ba Sở Chỉ huy tiền phương tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định, các lực lượng từ không quân, hải quân, bộ binh sẵn sàng giúp dân sơ tán dân khi các địa phương yêu cầu.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết: “Trong khi bão đổ bộ, chúng tôi sẽ tổ chức từng bộ chỉ huy, các xe thiết giáp, xe lội nước. Sở chỉ huy quân khu có xe cứu hộ, cứu nạn đa năng chỉ huy và các phương tiện, có quân y đi theo để giúp nhân dân trong bão khi cần thiết”.

Phó Thủ tướng đi kiểm tra tàu thuyền tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh; Thanh Tùng - Kỳ Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương trước 19h ngày 9-11, phải kiên quyết di dời hết dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Hướng dân neo buộc tàu thuyền đúng quy định và phải kiên quyết đưa ngư dân ra khỏi tàu, lên bờ an toàn trước khi bão đổ bộ. Tiếp tục chằng chống kho tàng, công sở, nhà dân... trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Các lực lượng vũ trang chủ động triển khai lực lượng, giúp địa phương làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn. Thông tin phải kịp thời, đúng hướng, không được chủ quan, lơ là. Sau bão là lũ, vì vậy phải có phương án xả lũ an toàn cho hồ đập, phối hợp tốt với địa phương để tránh thiệt hại tính mạng người dân. Quản lý chặt việc người dân đi lại ngay sau bão, lũ. Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nêu cao trách nhiệm.

Phó Thủ tướng yêu cầu, không để dân đói, ốm đau, dịch bệnh, màn trời chiếu đất. Bão số 14 còn diễn biến phức tạp, hoàn lưu lớn, đường đi khó lường, nên phải thường xuyên cập nhật và xử lý thông tin, bảo đảm điều hành thông suốt từ Trung ương đến tận xã phường, thôn…

* Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan tại tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng đã kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại khu vực sông Trường Giang thuộc xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên); kiểm tra việc phòng chống bão tại công trình Cầu Cửa Đại; đồng thời đến thăm, động viên kiểm tra nơi ăn chốn ở của gần 800 người dân ở vũng trũng thấp đến tránh bão lũ tại Trường THCS Nguyễn Du (TP Hội An) và đến thăm, nhắc nhở một số chủ khách sạn có lượng khách du đang lưu trú lớn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống bão tại công trình Cầu Cửa Đại.

Tại các nơi đến thăm, kiểm tra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo các địa phương và tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương di dời người dân ra khỏi nhà ở không an toàn và các khu vực có nguy cơ bị bão, lũ đe dọa; tiếp tục hướng dẫn đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên người dân sơ tán tại Hội An.

Đối với các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, các đơn vị quản lý cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của bão, lũ và điều tiết bớt nước vừa bảo đảm công trình vừa giữ an toàn cho vùng hạ du.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, còn 15 tàu xa bờ của huyện Núi Thành (với gần 600 lao động) đang hoạt động trên biển. Hiện Bộ đội Biên phòng đang giữ liên lạc và yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng tìm nơi trú ẩn, hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tàu thuyền đã vào khu neo đậu.

Các địa phương đang huy động lực lượng và phương tiện sơ tán hơn 45 nghìn hộ (với hơn 150 nghìn người dân) ra khỏi khu vực nguy cơ bão lũ đe dọa trước tối nay nhằm giảm thiệt hại do siêu bão gây ra.

Người dân chèn chống nhà ở.

Qua quan sát của chúng tôi, trong ngày hôm nay, người dân ở các địa phương trong tỉnh tập trung chèn chống nhà ở, một số nơi ở ven biển như: Núi Thành, Hội An, Thăng Bình…còn rủ nhau làm hầm để trú bão…

* Trước đó, sáng 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão Haiyan tại tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tình hình phòng, chống bão tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cảng Dung Quất và công tác sơ tán dân tại xã ven biển Bình Hải, huyện Bình Sơn.

Phó Thủ tướng đi thị sát tại KCN Dung Quất. Ảnh: Minh Trí.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về về tình hình chuẩn bị đối phó cơn bão số 14, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho biết: Tỉnh chỉ đạo dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết và thành lập nhiều đoàn công tác đặc biệt xuống địa phương kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ di dời dân đến nơi trú bão an toàn.

Hầu hết tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên các vùng biển đã vào nơi tránh trú an toàn, 27 tàu đang di chuyển vào bờ dự kiến cập cảng vào chiều nay. Đáng chú ý có 13 tàu cá đang di chuyển từ vùng biển Hoàng Sa tìm nơi tránh trú.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần chủ động triển khai các phương án đối phó với bão của chính quyền và các cấp các ngành tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành T.Ư phối hợp tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương liên lạc đưa 13 tàu cá hiện còn ở vùng biển Hoàng Sa tránh bão. Với số tàu thuyền đã vào bờ, cần phải có biện pháp tránh va đập và tuyệt đối không cho người ở trên tàu khi bão vào.

Phó Thủ tướng lưu ý cần ưu tiên hàng đầu bảo đảm an toàn tính mạng người dân, cần thiết phải cưỡng chế di dời dân ở vùng có nguy cơ, nhất là người dân vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn.

Phó Thủ tướng thăm hỏi bà con tránh bão ở Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Tùng - Kỳ Nam.

Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Quảng Ngãi huy động toàn bộ các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và vùng ven biển để tình nguyện tiếp nhận số dân sơ tán. Tỉnh chỉ đạo các lực lượng tham gia, phối hợp với hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ quân khu 5 để sơ tán dân trên địa bàn xong vào cuối chiều nay. Phó Thủ Tướng đồng ý với đề nghị của địa phương cho sử dụng hệ thống đường hầm quân sự ở huyện đảo Lý Sơn và vùng ven biển để sơ tán dân.

Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phải giữ an toàn tuyệt đối. Phó Thủ tướng chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Dung Quất được phép tháo dỡ một số thiết bị chưa thực sự cần thiết để bảo đảm an toàn tối đa.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 14, đến 17h ngày 9-11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã chủ động triển khai phương án sơ tán, di dời hơn gần 184 nghìn hộ, với hơn 684 nghìn người dân ở các vùng ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng thuộc 69 quận huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên di dời xong lúc 16h, các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng di dời xong trước 19h.

Tại Đà Nẵng, đến 17h, đã hoàn tất việc neo đậu an toàn cho hàng ngàn tàu, thuyền tại khu neo đậu tránh bão Thọ Quang, dọc bờ sông Hàn, sông Cu Đê. Đà Nẵng cũng quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ sáng ngày 9-11, công nhân làm việc tại các Khu công nghiệp nghỉ làm việc từ ngày 9-11, cấm họp chợ từ 14h. Tỉnh Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học từ chiều 9-11, học sinh tỉnh Quảng Nam nghỉ học từ 10-11.

 

 

                                                           Theo Báo ND

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Khách sạn Đà Giang có 45 phòng đủ tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu du khách.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XV, ngày 8/11, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Quang Minh, UVTT HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình phát triển KT - XH 9 tháng năm 2013; kết quả thực hiện Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 55 ngày 6/12/2012 của HĐND tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2012-2020; tình hình thực hiện thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư các dự án trên địa bàn huyện Đà Bắc. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các Sở: NN&PTNT, KH&ĐT, TN&MT, Công thương và Cục Thuế tỉnh.

Chuyển biến ở Đảng bộ xã Hưng Thi

(HBĐT) - Tính đến tháng 10, Đảng bộ xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có 204 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 14 chi bộ. Thực hiện sửa chữa khuyết điểm yếu kém theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đến nay, công tác xây dựng Đảng tại xã đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, cụ thể hơn cả là nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên được nâng lên; tinh thần đoàn kết trong Đảng được củng cố.

Trích ý kiến thảo luận tại hội trường của đại biểu QH Bạch Thị Hương Thuỷ

(HBĐT) - Sáng ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Trích ý kiến thảo luận vào Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh

(HBĐT) - Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ bản các ý kiến đều cho rằng, dự thảo trình kỳ họp lần thứ 6 đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Góp ý hoàn thiện Dự thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã phát biểu:

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị cho Ngày hội

(HBĐT) - Chiều 6/11, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức địa phương và lãnh đạo Sở VH, TT&DL đã đi kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị của một số bộ phận cho Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII - năm 2013.

Triển khai Nghị định số 92 của Chính phủ quy định các biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo

(HBĐT) - Sáng 6/11, UBND tỉnh tổ chức tập huấn Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND và các phòng, ban huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục