Năm nay, Đảng bộ xã Yên Thượng (Cao Phong) đã vận động nhân dân chuyển đổi 10 ha đất lúa 1 vụ không ăn chắc sang trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Người dân thu hoạch mía niên vụ 2014.
(HBĐT) - Thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới gần 80%. Yên Thượng hiện vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Cao Phong. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế được Đảng bộ xã Yên Thượng xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năng suất nhiều loại cây trồng trên địa bàn xã đạt thấp do sâu bệnh, dịch hại. Ngành dịch vụ, du lịch chưa khai thác được tiềm năng của địa phương. CN -TTCN phát triển chậm là những thực tế đáng lo ngại đối với nền kinh tế của xã thời gian qua. Từng bước tháo gỡ tồn tại, năm nay, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm của năm, đặc biệt là phát triển kinh tế. Căn cứ vào chỉ tiêu, nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện.
Đối với từng lĩnh vực, Đảng ủy xã đã có sự lãnh đạo, định hướng cụ thể. Như đối với lĩnh vực trồng trọt, mục tiêu đặt ra phải là tăng năng suất cây trồng, chuyển đổi những diện tích lúa 1 vụ không ăn chắc sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Hiện nay, tổng diện tích cây lương thực, cây màu, cây công nghiệp hàng năm của toàn xã 330 ha. Trong đó, Đảng ủy xã đã chủ trương lãnh đạo nhân dân ổn định diện tích cấy lúa, giảm diện tích sắn, tăng diện tích các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: mía, lạc, khoai... Lưu ý bà con áp dụng KH -KT vào sản xuất, sử dụng phổ biến các loại giống mới cho năng suất cao. Đặc biệt, với chủ trương đưa cây mía xuống ruộng 1 vụ, Đảng ủy xã đã lãnh đạo, vận động nhân dân chuyển đổi được 10 ha lúa từ 1 vụ không ăn chắc sang trồng mía, cải tạo vườn tạp trồng mới 3, 5 ha cam xen khoai sọ.
Với phương châm gắn chăn nuôi với trồng trọt, tận dụng thức ăn cho gia súc, phân bón cho cây trồng, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ xóm vận động nhân dân không thả rông gia súc lên rừng như trước đây mà chăn thả tập trung. Anh Bùi Đức Chung (xóm Bãi Thoáng) cho biết: Trước đây, gia đình tôi thả rông 2 con trâu trong rừng, thỉnh thoảng mới lên kiểm tra nhưng nay được chính quyền vận động nên tôi đã làm chuồng, chăn thả gần nhà. Làm như vậy tận dụng được ngọn mía, lá mía, thu được phân cho trồng trọt mà cũng thuận lợi hơn cho tiêm phòng dịch bệnh. Do đó, hiện nay gần 1.400 con trâu, bò của toàn xã đã được chăn thả tập trung, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80%, không để xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng.
Một trong những thế mạnh lớn để phát triển về du lịch của Yên Thượng đó chính là khu di tích lịch sử chùa Khánh tại xóm Khánh. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở về trước, mỗi năm, chùa Khánh chỉ đón khoảng hơn 2.000 lượt khách thập phương đến thăm quan với số tiền công đức khoảng 40 triệu đồng. Từ thực tế đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo cán bộ văn hóa phối hợp với Ban Quản lý di tích, các hội, đoàn thể xóm Khánh dọn dẹp, trùng tu, tăng cường tuyên truyền, quảng bá và tổ chức quản lý tốt các hoạt động diễn ra tại khu di tích. Nhờ vậy năm nay, khu di tích đã đón gần 6.000 lượt khách đến thăm quan với số tiền công đức trên 90 triệu đồng (gấp đôi so với những năm trước đây).
Một lĩnh vực kinh tế khác cũng đang được Đảng ủy xã Yên Thượng tăng cường lãnh đạo đó là phát triển TTCN, dịch vụ. Hiện nay, Yên Thượng không có nghề phụ, người dân không có việc làm lúc nông nhàn. Do đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ xóm vận động nhân dân tích cực vừa học, vừa làm những ngành nghề phụ như: mộc, xây dựng... trước tiên là phục vụ tại chỗ, sau có thể đi làm thêm lúc nông nhàn.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Yên Thượng hy vọng năm nay tăng trưởng kinh tế của xã sẽ đạt 11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 9, 5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần một cách bền vững.
Dương Liễu
(HBĐT) - Xã Đoàn Kết (Đà Bắc) có gần 700 hộ, trên 3.000 nhân khẩu. Kinh tế của xã chủ yếu trông vào 74,2 ha lúa, 335 ha ngô, 370 ha sắn, 20 ha dong riềng và khoai sọ, còn lại là một số ít diện tích trồng rau, đậu các loại và 1,7 ha cây ăn quả. Lĩnh vực chăn nuôi được xác định là thế mạnh, nhưng mấy năm nay, tổng đàn trâu, bò lại giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 1.000 con, đàn lợn trên 1.700 con và gần 1,5 vạn con gia cầm. TTCN, dịch vụ hầu như chưa phát triển. Với cách sản xuất nông nghiệp thuần tuý, nhỏ lẻ, manh mún như vậy nên đời sống nhân dân chuyển biến chậm. Hiện nay, qua rà soát sơ bộ của xã, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 50%. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới đạt trên 8 triệu đồng, thấp hơn gần một nửa so với bình quân chung của huyện.
(HBĐT) - Ngày 26/11, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) đã tổ chức hội nghị thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XV. Đồng chí Hoàng Quang Minh, UV Thường trực HĐND tỉnh dự hội nghị.
(HBĐT) - Ngày 25/11, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng (XDĐ) năm 2014. Tham gia lớp bồi dưỡng có 120 học viên là trưởng, phó ban, cán bộ, công chức làm nghiệp vụ công tác tổ chức XDĐ ở các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; trưởng, phó phòng Tổ chức – Hành chính các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; cán bộ chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
(HBĐT) - Sáng 26/11, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh nghe báo cáo kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2015; báo cáo tình hình xây dựng kế hoạch KT-XH và đầu tư công trung hạn 2016-2020. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng.
Ngày 25-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị cần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính trong sử dụng ngân sách nhà nước, đề xuất ban hành Luật Ngân sách thường niên...
(HBĐT) - Ngày 25/11, Ban Văn hoá - Xã hội và Dân tộc (HĐND tỉnh) đã tổ chức hội nghị thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XV. Tới dự có đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.