Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: THANH CHƯƠNG
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 4 đến ngày 7-5-2015, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ mười một để thảo luận, cho ý kiến về: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII; số lượng đại biểu và việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và một số vấn đề quan trọng khác. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
1- Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Bộ Chính trị về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII. Trên cơ sở đánh giá ưu điểm, hạn chế và kinh nghiệm của công tác nhân sự qua 6 kỳ Ðại hội đại biểu toàn quốc của Ðảng (từ Ðại hội VI đến Ðại hội XI), Trung ương khẳng định, việc lựa chọn để bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Ðảng tại Ðại hội XII của Ðảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ðể bảo đảm tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng nhấn mạnh 4 yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII là: (1) Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII phải thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, ý chí chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm minh, có tính đảng cao, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Ðảng, gắn bó mật thiết với nhân dân; có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. (2) Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng. (3) Bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục. (4) Việc giới thiệu nhân sự, nói chung, phải trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định; phát huy dân chủ, trách nhiệm trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới; chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, "chạy chọt", cục bộ, phe cánh...; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phá hoại, gây rối nội bộ ta.
Căn cứ tiêu chuẩn cán bộ quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", tại Hội nghị này Ban Chấp hành Trung ương Ðảng nhấn mạnh 3 nhóm tiêu chuẩn đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII: (1) Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Ðảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Ðảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả. (2) Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm, biết lắng nghe; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, không tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để mưu lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Ðảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá và sử dụng cán bộ. (3) Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Ðảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn, thể hiện là người sáng tạo, nhiệt huyết, năng lực, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công; có ý thức trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.
Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Ðảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Ðảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và phát triển. Tăng số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn chiến lược, lĩnh vực công tác quan trọng; chú ý tăng thêm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Ðại hội Ðảng.
Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tán thành Báo cáo của Bộ Chính trị về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả biểu quyết tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh để ban hành phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; chỉ đạo Tiểu ban Nhân sự và các cơ quan có liên quan chuẩn bị dự kiến nhân sự giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để trình Hội nghị Trung ương 12 thảo luận, cho ý kiến.
2- Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tán thành với Tờ trình của Bộ Chính trị về số lượng đại biểu và việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng.
Ban Chấp hành Trung ương Ðảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, kết quả biểu quyết tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, quyết định chính thức phân bổ số lượng đại biểu của các đảng bộ trực thuộc Trung ương dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng.
3- Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ðổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tán thành với Tờ trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, theo đó: "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Ðiều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân".
Ban Chấp hành Trung ương Ðảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Hội nghị và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, Ðảng đoàn Quốc hội hoàn chỉnh Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
4- Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12-2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ban Chấp hành Trung ương Ðảng yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Ðông - Nam Á. Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển; vấn đề sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi Dự án hoàn thành; hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu tư của Dự án; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vấn đề huy động các nguồn vốn đầu tư của xã hội, khả năng hoàn vốn; biện pháp khắc phục tình trạng lâu nay các dự án đầu tư thường vượt quá cao so với dự toán ban đầu... Nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng và giải trình rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan đến Dự án. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương Ðảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Hội nghị này để hoàn chỉnh Dự án và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
5- Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, tiến hành thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng.
Theo Báo ND
(HBĐT) - Ngày 6/5, tại xã Tân Minh (Đà Bắc) các ĐBQH khóa XIII tỉnh gồm các ông, bà: Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn; Bạch Thị Hương Thủy, Phó Trưởng phòng TC-CB (Viện KSND tỉnh) đã tiếp xúc cử tri các cơ quan, ban, ngành và các xã Cao Sơn, Tân Minh, Tân Pheo. Cùng dự buổi tiếp xúc có Thường trực HĐND tỉnh, UB MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, lãnh một số sở, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.
Ðiện Biên là tỉnh miền núi, vùng biên giới, địa hình phức tạp, nhiều dân tộc chung sống, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, đời sống đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng di cư vẫn xảy ra... Nhiều năm trước đây, mặc dù được cấp ủy các cấp quan tâm, song công tác phát triển đảng viên, xây dựng các tổ chức đảng còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, một số địa phương không kết nạp được đảng viên.
(HBĐT) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, KT-XH không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao.
(HBĐT) - Tính đến ngày 15/4, Đảng bộ huyện Kim Bôi có 61 chi, Đảng bộ trực thuộc. Trong đó có 33 Đảng bộ (28 xã, thị trấn, 5 Đảng bộ cơ quan, doanh nghiệp và LLVT), 28 chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc.
(HBĐT) - Ngày 6/5, tại xã Tân Thành (Lương Sơn) các ĐBQH khóa XIII tỉnh gồm các ông: Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn đã tiếp xúc cử tri các xã Tân Thành, Long Sơn, Hợp Châu. Tham dự buổi tiếp xúc có lãnh đạo UB MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và huyện Lương Sơn.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chứng kiến lễ ký
Sáng 5-5, tại Trụ sở Chính phủ, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Y-un Xang-chích chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chứng kiến lễ ký.