Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Kỳ Sơn tận tình hướng dẫn tổ chức, cá nhân đến giao dịch. ảnh: p.v
(HBĐT) - Ngày 4/9/2015, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2014. Tỉnh ta xếp thứ 36/60 tỉnh, thành phố. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ xung quanh kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2014 và những giải pháp cải thiện chỉ số CCHC trong thời gian tới.
PV: Xin đồng chí cho biết vai trò của chỉ số CCHC (PAR INDEX) trong thực hiện chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020?
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng: Ngày 3/12/2012, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1294/QĐ-BNV về phê duyệt Đề án xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.ư (gọi tắt là chỉ số CCHC, tiếng Anh là PAR INDEX). Theo đó, ở cấp Trung ương có 19 bộ, cơ quan ngang bộ; ở cấp địa phương 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.ư là đối tượng xác định chỉ số CCHC. Chỉ số CCHC cấp bộ gồm 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần được thực hiện theo các phương pháp: tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh theo thang điểm đã quy định; Bộ Nội vụ thẩm định điểm của các bộ, tỉnh tự đánh giá, của Hội đồng thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Xác định chỉ số CCHC thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đổi mới công tác quản lý theo dõi, đánh giá để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2011- 2020. Chỉ số CCHC là công cụ quản lý mới có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.ư. Sau 3 năm (từ 2012- 2014) công bố chỉ số CCHC, bước đầu đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, chỉ đạo điều hành về CCHC của các bộ, ngành và địa phương. Trong những năm vừa qua, chỉ số CCHC đã phát huy được vai trò quan trọng, đem lại những tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai CCHC tại các bộ, ngành, địa phương. Chỉ số CCHC thực sự là một công cụ hữu ích trong quản lý Chương trình tổng thể CCHC, giúp đánh giá một cách chính xác, khách quan công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện CCHC cũng như phản ánh những kết quả đạt được trong CCHC hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
PV: Thưa đồng chí, trong đánh giá chỉ số CCHC năm 2014, Hòa Bình là 1/6 tỉnh có số điểm tăng cao nhất trong 3 năm qua. Xin đồng chí cho biết rõ hơn kết quả này?
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng: Như chúng ta đã biết, năm 2014 là năm thứ 3 Bộ Nội vụ triển khai xác định và công bố chỉ số CCHC đối với 19 bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ, PAR INDEX năm 2012 tỉnh ta đứng thứ 56/63; năm 2013 đứng thứ 30/63, tăng 26 bậc so với 2012; năm 2014 đứng thứ 36/63, giảm 6 bậc so với 2013. Tuy nhiên, điểm số về chỉ số CCHC năm 2014 của tỉnh lại tăng 2,83 điểm so với năm 2013, 13,43 điểm so với năm 2012, là một trong 6 tỉnh có điểm số tăng cao nhất trong 3 năm qua và đứng thứ 2 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, có một số lĩnh vực đứng ở tốp đầu là: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả này thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực, tiêu chí trong chỉ số CCHC các năm của tỉnh vẫn còn đứng ở tốp cuối hoặc đạt được ở mức thấp như: Chỉ số về đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ còn thấp; chỉ số về hiệu quả ứng dụng công nghệ tin học trong hoạt động của các cơ quan nhà nước của tỉnh chưa cao; tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa của tỉnh còn thấp; đặc biệt là chỉ số về hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông còn rất thấp, số cơ quan, đơn vị của tỉnh có mô hình một cửa hiện đại còn quá ít (2 đơn vị).
Trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh CCHC và cải thiện chỉ số CCHC, khó khăn nhất là: người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác CCHC. Nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào T.ư, không đủ để đầu tư cho các nhiệm vụ CCHC.
PV: Xin đồng chí cho biết những giải pháp trọng tâm trong việc duy trì và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh ta trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng: Để khắc phục những yếu kém, đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh CCHC, nâng cao chỉ số CCHC trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm đến một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp, ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về CCHC; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh giao.
Thứ hai, UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số CCHC, Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã. Theo đó, tỉnh ta cần duy trì và thực hiện tốt việc đánh giá, xếp hạng về CCHC và mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Thứ ba, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, chỉ số CCHC 2014 của tỉnh ta có 3 lĩnh vực còn yếu như đã nêu trên. Như vậy, nhiệm vụ cần quan tâm nhất trong thời gian tới là phải khắc phục cho được những yếu kém đó thì mới có thể duy trì và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, để CCHC thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Hương Lan (thực hiện)
(HBĐT) - Sáng 1/10, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã tìm hiểu tình hình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng đường Hoà Lạc - Hoà Bình và cải tạo, nâng cấp QL 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 1/10, tại Công an tỉnh đã diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ Công an tỉnh. Đến dự có các đồng chí: Thượng tướng Bùi Quang Bền, UVT.Ư Đảng, Thứ Trưởng Bộ Công an; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Theo số liệu của Bưu điện tỉnh, trong quý III, tổng sản lượng phát hành các loại báo, tạp chí trong toàn tỉnh đạt 1.340.079 tờ, cuốn, tăng 6,4% so với quý II. Sản lượng phát hành Báo Nhân Dân đạt 203.019 tờ, tăng 4,8% so với quý II; sản lượng phát hành Báo Hòa Bình 384.679 tờ, tăng 2%; sản lượng phát hành các Tạp chí Xây dựng Đảng, Cộng sản 13.679 tờ, giảm 10%.
(HBĐT) - Chiều 30/9, Sở TN&MT tổ chức lễ gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Quản lý đất đai Việt Nam (3/10/1945 – 3/10/2015). Tới dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diên lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Tham dự còn có các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành qua các thời kỳ.
(HBĐT) - Ngày 30/9, thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND lần thứ 6, với chủ đề "Những vấn đề cần quan tâm khi triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện”. Các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Tứ, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Quang Minh, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy;đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 30/9, tại Bộ CHQS tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Đề án “Tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2012 - 2015” và nhiệm vụ huấn luyện 5 năm (2011 - 2015). Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.