(HBĐT) - Trong những ngày đầu tháng 5, thị trường hàng hóa, dịch vụ của tỉnh có biến động tăng giá nhẹ đối với một số mặt hàng. Theo kết quả khảo sát, nắm bắt tình hình của cơ quan chức năng, thực tế trên do tác động đợt tăng giá điện, giá xăng dầu. Trong đó, giá điện tăng bình quân 8,36% kể từ ngày 20/3, giá xăng trải qua 3 lần tăng giá mạnh, 1 lần giảm giá nhẹ.


Từ tháng 5, nhiều điểm chuyên rửa xe trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã tăng giá dịch vụ.

Anh Tô Văn Cương đang làm chủ tại 1 điểm rửa xe ô tô dịch vụ "ăn khách" tạiTP Hòa Bình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Cương cho biết: Đã rất cố gắng không để tăng giá dịch vụ rửa xe kể cả vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng gần đây giá điện tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Bất đắc dĩ, kể từ trung tuần tháng 5, anh phải tăng giá từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/xe tùy loại. Theo đó, chi phí của khách trước đây là 30.000 đồng nay tăng lên 35.000 đồng/xe loại 4 chỗ; từ 50.000 đồng tăng lên 60.000 đồng/xe loại 5 - 7 chỗ... Để khách thấu hiểu lý do vì sao điểm rửa xe của mình phải tăng giá, anh Cương giải thích cụ thể với khách hàng và thông báo tăng giá bắt đầu kể từ lần rửa xe sau.

Hiện tại, các hãng xe buýt, xe khách trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực không tăng giá vé/hành khách. Tuy nhiên, nhiều hộ vận tải tư nhân đã tăng giá vé và cầu cước hàng hóa với lý do giá xăng dầu tăng. Chị Nguyễn Thị Huệ ở phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cho biết: Vào các dịp cuối tuần, mình hay về Hà Nội vì tính chất công việc. Để di chuyển thuận lợi, đưa đón nhanh chóng, an toàn, mình thường thuê loại hình xe ghép cũng đang rất thịnh hành hiện nay. Trước đây, mình vẫn đi với giá 100.000 đồng cho cả đi và về nhưng gần đây, chủ xe tăng giá lên 120.000 đồng. Với tình hình tăng giá xăng dầu, mình hoàn toàn thông cảm và coi đây là sự chia sẻ khó khăn với những người làm nghề dịch vụ.

Một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân cũng đã tăng nhẹ do tác động của đợt điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu, chủ yếu từ ảnh hưởng mang hiệu ứng dây chuyền của việc tăng chi phí ở khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản. Đơn cử nhóm bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát tăng ở mức 2% - 5%, thực phẩm đông lạnh tăng 2%... Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Hòa Bình, so với trước đợt giá điện, xăng dầu tăng giá, gạo được cung ứng phổ biến ở mức 14.000 đồng - 20.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg tùy loại; gà ta 90.000 đồng - 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; rau xanh tăng 2.000 đồng/kg tùy loại, riêng cà chua tăng 5.000 đồng/kg; hoa quả tươi tùy loại tăng dao động từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg do 2 nguyên nhân chủ yếu là chi phí vận chuyển tăng và một số sản phẩm khan hàng hơn ở cuối vụ thu hoạch như dưa hấu, dưa bở...

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 ước tăng 0,25% so với tháng 4 thể hiện những tác động của việc tăng giá điện, giá xăng dầu. Bên cạnh một số nhóm hàng vẫn giữ giá ổn định thì các nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đang theo chiều hướng tăng giá. Cụ thể, tăng giá ở các nhóm giao thông - vận tải; nhà ở - điện nước - chất đốt; lương thực; thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ khác. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, các hàng hóa trên thị trường có diễn biến tăng nhẹ, tập trung ở các nhóm hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của đợt tăng giá điện, xăng dầu. Tuy nhiên, tình hình giá cả thị trường được kiểm soát, không xảy ra "bão giá" hay biến động lớn gây thị trường bất ổn. Trong lúc này, giải pháp mà người tiêu dùng nên lựa chọn thực hiện nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá đối với đời sống sinh hoạt là có phương án chi tiêu hợp lý, nhất là sử dụng điện, xăng tiết kiệm, cân đối trong tiêu dùng hàng hóa để giảm lãng phí...

Bùi Minh

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục