(HBĐT) -Những ngày này, về xã Sơn Thủy (Kim Bôi) vui như có hội. Không vui sao được khi năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt triền miên, nhiều nơi cây nhãn hầu như mất mùa thì vùng nhãn Sơn Thủy vẫn sai trĩu cành, ngọt lịm. Vào vụ thu hoạch, xóm làng hối hả người xe đến thu mua. Các nhà vườn phấn khởi vì nhãn được mùa, được giá.


Gia đình anh Bùi Văn Dũng, xóm Khoang, xã Sơn Thủy đầu tư trồng nhãn sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bà Bùi Thị Chiến ở xóm Khoang vừa xuất 2 tấn nhãn cho các tư thương ngoài tỉnh chia sẻ: Nhãn năm nay được giá. Đầu vụ, gia đình bán 35.000 đồng/kg, bây giờ cũng phải 27 - 28.000 đồng. Nhà tôi trồng khoảng 2 ha giống nhãn Hương Chi. Gia đình luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh, kích thích ra hoa, đậu quả, nên cây nào cũng sai trĩu trịt. Vụ này, dự kiến thu hoạch 35 tấn quả, doanh thu khoảng 800 - 900 triệu đồng. Nhãn Sơn Thủy vỏ mỏng, cùi dày, không bị ướt, ngọt đậm, vị thơm nên được người tiêu dùng ưu chuộng. Cứ vào vụ là tư thương từ Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng tấp nập đến thu mua. Hơn 20 năm trồng nhãn, nhưng không bao giờ chúng tôi lo khó tiêu thụ.

Cũng như gia đình bà Chiến, nhiều hộ dân xã Sơn Thủy đang hồ hởi vào vụ thu hoạch nhãn. Người dân chủ yếu trồng giống nhãn Hương Chi, nhãn Miền thích nghi với điều kiện nên đem lại giá trị kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Đồng chí Bạch Công Lương, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Sơn Thủy là xã thuần nông. Từ quy mô nhỏ hẹp, đến nay, toàn xã đã có 140 ha nhãn và gần 200 ha cây ăn quả các loại. Theo đánh giá, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với trồng nhãn nên bà con đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi thấp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là trồng nhãn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, 34 ha nhãn của 41 hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, cây trồng này ngày càng có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhằm mở rộng vùng sản xuất tập trung, hàng năm, xã có kế hoạch trồng mới từ 3-5 ha và đang triển khai chương trình trồng nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ được thương hiệu trên thị trường và đảm bảo phát triển bền vững. Sau khi chương trình trồng nhãn VietGAP hoàn thành, xã sẽ triển khai tiếp chương trình đăng ký mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc nhằm giữ uy tín lâu dài, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Từ hiệu quả kinh tế được khẳng định, đến nay, Sơn Thủy có khoảng 80% số hộ chuyển đổi từ diện tích canh tác có giá trị kinh tế thấp để đầu từ trồng nhãn, trong đó có những hộ trồng từ 1- 2 ha, tập trung nhiều nhất tại các xóm Khoang, Lốc.

Không ngừng nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm là mục tiêu mà gia đình anh Bùi Văn Dũng, cán bộ khuyến nông của xã đang hướng tới. Anh Dũng cho biết: Gia đình có 2.000 m2 trồng nhãn. Diện tích này trước đây chủ yếu trồng mía tím, thu nhập năm được, năm mất. Năm nay, vườn nhãn cho sản lượng khoảng 7 - 8 tấn, tăng hơn 3 tấn so với năm ngoái. Qua nhiều năm cho thấy, cây nhãn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng màu, tuy nhiên lại đòi hỏi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và khâu chăm sóc để đảm bảo quả to, đều, mẫu mã đẹp, ngọt sắc. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, gia đình đã đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, thực hiện chặt chẽ việc ghi sổ nhật ký đầy đủ, ngày nào bón phân, phun thuốc, lượng thuốc, thời gian cách ly trước khi cung cấp ra thị trường... Chúng tôi đang hướng tới sản phẩm có mã QR, mã vạch để khi người tiêu dùng check in bằng điện thoại thì biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Việc làm này nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khó tính và mong thời gian tới phẩm sản nhãn Sơn Thủy có thể xuất khẩu để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung và chuyển đổi sang trồng nhãn nói riêng đã và đang góp phần giải "bài toán” giảm nghèo ở Sơn Thủy. Từ trồng nhãn mà đến nay, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, có của ăn, của để và nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Cũng từ hiệu quả của trồng nhãn đã góp phần tích cực để năm 2019 Sơn Thủy phấn đấu đạt tiêu chí thu nhập và về đích xây dựng nông thôn mới.


 Bình Giang

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục