(HBĐT) - Nông sản khó tiêu thụ, giá bán giảm sâu. Không chỉ vậy, vài tháng trở lại đây, các mặt hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) đồng loạt tăng giá như: Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... Vì thế, nông dân trăn trở có nên tiếp tục đầu tư cho sản xuất nữa hay không?


Giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên nông dân chỉ mua với số lượng ít. Ảnh chụp tại cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Trung Kiên, xã Độc Lập (TP Hòa Bình).

Theo chia sẻ của các đại lý kinh doanh VTNN, từ đầu tháng 3/2021, giá bán các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng và tăng kỷ lục vào tháng 6. Hiện, giá phân NPK Lâm Thao dao động từ 500 - 520.000 đồng/tạ, đạm Phú Mỹ khoảng 1,1 triệu đồng/tạ (tăng khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái); giá các loại thuốc BVTV tăng 1 - 2 giá. Giá bán cám lợn khoảng 320.000 đồng/bao trọng lượng 25 kg; cám gà 300.000 đồng/bao 25 kg (trung bình mỗi bao cám lợn, cám gà có trọng lượng 25 kg, tăng khoảng 60.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm ngoái)...

Giá bán VTNN tăng cao, nông dân chịu ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt là người sản xuất có quy mô vừa và nhỏ. Theo tính toán, đối với ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 50%, nuôi lợn thức ăn chiếm từ 30 - 40% chi phí sản xuất. Trong ngành trồng trọt, giá phân bón chiếm chiếm khoảng từ 10 - 12% chi phí sản xuất, thuốc BVTV chiếm khoảng 1 - 5% tùy tình hình dịch bệnh gây hại.

Bà Bùi Thị Mức, xóm Đồng Nhất, xã Dũng Phong (Cao Phong) lo lắng: Gia đình tôi có 3.000 m2 trồng mía tím và mía trắng. Năm nay, mía trắng rớt giá, gia đình phải chịu lỗ vốn. Thời điểm hiện tại, 2.000 m2 mía tím đang bước vào thời kỳ la chân, vun gốc nên phải thường xuyên sử dụng thuốc BVTV và phân bón. Tuy nhiên, hiện giá bán các loại VTNN tăng quá cao so với các vụ trước khiến tôi không biết có nên tiếp tục đầu tư phân bón, thuốc BVTV để chăm sóc mía hay không. Nếu tiếp tục đầu tư đến lúc thu hoạch không bán được hoặc giá thấp thì gia đình tôi trắng tay.

Cũng như bà Bùi Thị Mức, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh trăn trở, đắn đo có nên tiếp tục bỏ vốn mua phân bón, thuốc BVTV đầu tư vào sản xuất. Từ đầu năm đến nay, nông dân tại xã Xuân Thủy (Kim Bôi) chỉ bón phân cầm chừng cho nhãn. Ông Bùi Văn Miển, chủ cửa hàng VTNN Minh Miển - một trong những người có thâm niên trồng nhãn tại xóm Khoang, xã Xuân Thủy cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá bán các loại phân bón đồng loạt tăng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm sóc nhãn. Bà con sợ dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến nhãn khó bán, giá giảm giống các nông sản như bí xanh, rau xanh nên không dám đầu tư nhiều cho khâu chăm sóc. Đa số bón phân cầm chừng, không đầu tư chăm sóc như các năm trước. Bà con có tâm lý bán nhãn loại 3 cũng được, vì nhãn loại 1 với nhãn loại 3 chỉ chênh nhau khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Thời điểm hiện tại đang là cao điểm để nông dân trong tỉnh tập trung sản xuất vụ mùa, hè thu nên nhu cầu sử dụng các loại phân bón rất cao. Mặt khác, mùa mưa bắt đầu khiến nhiều loại nấm bùng phát trên các loại cây trồng; dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp càng khiến người nông dân thêm lo lắng.

Giá VTNN tăng không chỉ đẩy nông dân vào thế khó, mà ngay cả các đại lý phân phối cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Trung Kiên, chủ cửa hàng kinh doanh VTNN Trung Kiên, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) cho biết: Từ đầu tháng 3, các mặt hàng VTNN đều tăng giá, trong khi nông sản khó tiêu thụ nên sức mua phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi chậm hơn năm ngoái rất nhiều. Thời điểm này đang là cao điểm để bán hàng, nhưng trong tháng 6, giá phân bón cao đỉnh điểm nên cửa hàng chỉ bán được khoảng 10 tấn NPK Lâm Thao và khoảng 5 tạ đạm. Một số mặt hàng như thuốc BVTV giá nhập tăng nhưng cửa hàng vẫn chưa dám tăng giá. Đồng thời còn phải bán "chịu” trong nhiều tháng cho nông dân nên gặp khó về nguồn vốn để nhập hàng. Trong khi đó, các công ty phân phối yêu cầu phải nhập hàng với số lượng lớn, ít nhất phải từ 5 tấn trở lên.

Theo một số đại lý kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân dẫn tới giá các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi tăng cao là do nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dịch Covid-19 khiến ngành vận tải gặp khó khăn, giá xăng dầu tăng. Khan hiếm nguồn cung khiến giá nhiều nguyên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên. Tuy nhiên, dù giá tăng cao nhưng trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng khan hàng, nguồn cung đối với mặt hàng VTNN vẫn dồi dào.

Để vượt qua cơn "bão giá” các loại phân bón, thuốc BVTV, đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV khuyến cáo: Nông dân cần căn cứ tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ. Nông dân cần tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như: Lá cây, rơm rạ, rác thải hữu cơ… để ủ phân hữu cơ, tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng VTNN; xử lý nghiêm tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao của các đại lý.


Thu Thủy


Các tin khác


Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục