(HBĐT) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (GNBV), thời gian qua, TP Hòa Bình đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo.



Nhờ hỗ trợ từ dự án nuôi ong lấy mật giúp gia đình anh Nguyễn Văn Di, xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) từng bước thoát nghèo. 

Được triển khai từ năm 2019, mô hình nuôi bò tại xã Độc Lập thuộc dự án Chương trình MTQG GNBV đã đạt được những thành tựu nhất định. Đàn bò phát triển tốt, có hiệu quả tích cực cho các hộ chăn nuôi. Từ mô hình nuôi bò đã có 2 hộ thoát nghèo, 7 hộ nghèo lên cận nghèo, góp phần vào kết quả chung công tác giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi ong ở xã Mông Hóa cũng là một trong những mô hình hiệu quả giúp cải thiện sinh kế, đời sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương. Hiện, trong 45 hộ nuôi ong đã có 12 hộ thoát nghèo. Kết quả này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay còn 28 hộ, chỉ chiếm 1,52%.

Anh Nguyễn Văn Di, xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ dự án nuôi ong. Anh Di là người khuyết tật, gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Bây giờ, niềm vui mừng, phấn khởi hiện rõ trong nụ cười của anh. Anh Di chia sẻ: "Nhờ dự án nuôi ong lấy mật được chính quyền địa phương hỗ trợ mà gia đình tôi từ hộ nghèo đã vươn lên hộ cận nghèo, có thêm nguồn thu nhập để cải thiện và trang trải cuộc sống, mua sắm được các vật dụng có giá trị. Tôi cảm thấy tự tin vào bản thân hơn, không còn thấy mình khiếm khuyết, thiệt thòi nữa”.

Cùng với hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, từ đầu năm đến nay, công tác cấp thẻ BHYT được ngành chức năng của thành phố phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo đầy đủ, chính xác cho đối tượng được thụ hưởng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số thẻ BHYT đã cấp là 2.213 thẻ, đạt 100%. Bên cạnh đó, toàn thành phố có 446 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện quý I, quý II với tổng số tiền trên 130 tỷ đồng. Có 423 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ miễn, giảm học phí. Cùng với đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Tính đến hết tháng 6, có hơn 400 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn với dư nợ hơn 15 tỷ đồng; hơn 300 hộ cận nghèo được vay vốn với dư nợ gần 12 tỷ đồng; hơn 200 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với dư nợ 8 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố còn nhận được sự tham gia đóng góp từ nguồn lực xã hội, thông qua hoạt động tích cực của Ủy ban MTTQ, thành viên MTTQ và Hội Chữ thập đỏ thành phố. Ủy ban MTTQ các cấp thành phố đã kêu gọi đóng góp quỹ "Vì người nghèo”, tiến hành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 14 hộ nghèo với tổng số tiền 350 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Mừng, tổ 8, phường Kỳ Sơn là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ kinh phí hỗ trợ của quỹ "Vì người nghèo”, căn nhà của bà Mừng đã được sửa chữa lại khang trang, chắc chắn. Bà Mừng chia sẻ: "Căn nhà của tôi qua những trận mưa bị dột nhiều chỗ. Đợt vừa rồi mưa bão lớn tốc hẳn mái nhà. Thật vui mừng khi tôi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ sửa sang lại căn nhà khang trang, chắc chắn hơn”.

Đồng chí Trần Thị Bích Huyền, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Hòa Bình cho biết: Công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo được sự ủng hộ của Nhân dân trên địa bàn và tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài thành phố giúp đỡ. Nhờ đó, đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 445 hộ (chiếm 1,27%), hộ cận nghèo còn 461 hộ (chiếm 1,32%). Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn đã góp phần vào kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn.


 Mai Anh (TTV)

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục