(HBĐT) - Phát triển rừng gỗ lớn (RGL) là xu thế tất yếu, là một trong những chủ trương quan trọng trong phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Trồng RGL là giải pháp hiệu quả để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả của rừng trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh việc phát triển RGL gặp rất nhiều khó khăn. Một số huyện diện tích RGL vẫn là con số 0, nhiều hộ dân tham gia mô hình trồng RGL song lại bỏ dở giữa chừng.




Cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp xã Đú Sáng (Kim Bôi) đảm bảo nguồn giống chất lượng phục vụ bà con trồng rừng gỗ lớn.

Lợi ích kép

Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh là 298.013 ha, chiếm 64,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích quy hoạch rừng sản xuất là 149.429 ha, chiếm 51,7% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho phần lớn cư dân nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng theo hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh rừng trồng, hướng tới chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ khai thác, tăng tỷ lệ diện tích rừng trồng gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Ngày 30/7/2020, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh quan tâm tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là phát triển thâm canh RGL, chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Qua đó, hiện tượng khai thác rừng non (gỗ nhỏ) giảm dần, công tác nâng cao giá trị sản phẩm của rừng được chủ rừng là hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng quan tâm thực hiện. Trồng rừng thâm canh kinh doanh gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến gỗ hướng đến xuất khẩu dần được quan tâm phát triển. Năm 2013, toàn tỉnh có 288 ha rừng kinh doanh gỗ lớn, năm 2021 nâng lên 4.611 ha rừng theo phương thức sản xuất, kinh doanh gỗ lớn, gồm: Trồng mới 3.742 ha, bình quân mỗi năm trồng mới được 406 ha, chuyển hóa 869 ha. 3 địa phương phát triển RGL tốt nhất tỉnh là Lạc Thủy, Yên Thủy và Lương Sơn.

  Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trồng rừng thâm canh gỗ lớn có nhiều ưu điểm như góp phần cải thiện năng suất rừng trồng (năm 2013, năng suất rừng trồng đạt 10 m3/ha/năm, đến năm 2019 tăng lên 15 - 17 m3/ha/năm, tăng 5 - 7 m3/ha/năm). Hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, ước tính sau chu kỳ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt 130 - 200 triệu đồng/ha, đỉnh điểm chu kỳ 15 năm có thể đạt 300 triệu đồng/ha. Lợi nhuận chủ rừng thu về cao gấp 3 - 5 lần rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ (trồng rừng gỗ nhỏ đạt bình quân 30 - 60 triệu đồng/ha đối với chu kỳ từ 5 - 7 năm).

 Không chỉ vậy, trồng RGL còn hạn chế việc doanh nghiệp thu mua ép giá, tạo vùng nguyên liệu tập trung, góp phần đảm bảo nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Người dân còn tận dụng tán rừng để phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó, trồng RGL còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch sinh thái.

  Anh Nguyễn Văn Hoạt, thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) chia sẻ: Vườn keo rộng 1,5 ha của gia đình tôi đã trồng được 8 năm, tuy nhiên tôi quyết tâm không bán "non” mà để đến 10 - 12 năm tôi mới bán. Trồng RGL không chỉ tiết kiệm kinh phí về giống mà năng suất, giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, kéo dài chu kỳ rừng sản xuất còn giúp gia đình tận dụng tán rừng để nuôi gà. Gà Lạc Thủy rất thích hợp nuôi dưới tán rừng, hạn chế được dịch bệnh và không ô nhiễm môi trường.

Vì sao người dân còn e ngại?

       Lợi ích từ việc trồng RGL đã được ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tính toán bằng những con số cụ thể. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng RGL tại tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới trồng được 43,4 ha RGL. Một số địa phương chưa phát triển được RGL là Đà Bắc, Cao Phong. Nhiều hộ dân sau một thời gian tham gia trồng RGL thì xin rút, không tiếp tục tham gia trồng, chuyển đổi RGL nữa. 

  Lý giải về nguyên nhân phát triển RGL còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Việc phát triển RGL chưa được người dân chú trọng bởi chu kỳ khai thác dài, rủi ro lớn do phụ thuộc vào thời tiết. Diện tích rừng trồng ở nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ khiến việc tiếp cận với các chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp khó khăn. Cùng với đó, đời sống của người dân làm lâm nghiệp của tỉnh còn khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng. Điều này khiến người dân chủ yếu trồng rừng gỗ nhỏ, thu hoạch nhanh để quay vòng vốn, có thu nhập trang trại cuộc sống hàng ngày, chứ chưa dám đầu tư trồng RGL.

   Anh Bùi Văn Din, xóm Chao, xã Phú Cường (Tân Lạc) cho biết: Trung bình 1 chu kỳ rừng từ 5 - 7 năm bà con thu được khoảng 70 - 80 triệu đồng. Nếu chờ tới 10 - 12 năm mới khai thác thì gia đình rất khó khăn để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học và xoay nguồn vốn để tái sản xuất. Bên cạnh đó, chu kỳ trồng và chăm sóc kéo dài khiến gia đình luôn lo lắng thiên tai gây thiệt hại dẫn tới "tay trắng”.

Hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững

 Với mục tiêu đến năm 2025, trung bình mỗi năm có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn; 6 nghìn ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; 30% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; năng suất rừng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (khoảng 25 triệu đồng/ha/năm); tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 16%; duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 51%...



Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thủy cùng bà con xã Hữu Lợi kiểm tra kích thước và hướng dẫn bà con chăm sóc rừng trồng.

  Theo đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để đạt được mục tiêu trên cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tiến hành xây dựng các dự án ưu tiên về quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ kinh phí để người dân có vốn phát triển sản xuất RGL. Cải thiện nguồn giống, vườn giống, ứng dụng cấy mô trong trồng RGL. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng giống chất lượng cao đưa vào trồng rừng, trồng thâm canh RGL. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người trồng rừng về: Thâm canh rừng chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang RGL, quản lý rừng bền vững, phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, khai thác môi trường rừng, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc có liên kết với người trồng rừng, HTX để phát triển bền vững vùng nguyên liệu.

Thu Thủy



Thay đổi tư duy làm lâm nghiệp của người dân

 Nguyễn Văn Thọ
 Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh)


 Những năm qua, nhận thức về vai trò của rừng trong nhân dân được nâng lên, định hướng phát triển và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp được các địa phương thực hiện. Song, đến thời điểm hiện tại, số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký tham gia thực hiện vẫn ở mức khiêm tốn, gây khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn của tỉnh đã đặt ra. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thay đổi tư duy sản xuất lâm nghiệp của chủ rừng. Tập quán canh tác của bà con trên địa bàn tỉnh đa phần còn lạc hậu, phương thức sản xuất chủ yếu là quảng canh, chưa chú trọng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, chất lượng rừng. Bà con thiếu sự liên kết để hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung. Do đó, bà con cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn, nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.


Cần hỗ trợ vốn để trồng rừng gỗ lớn

Bùi Văn Cừ
Trưởng xóm Rộc, xã Hữu Lợi (Yên Thủy)


Hiện tại, nhiều hộ dân có mong muốn chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, chi phí trồng rừng cao hơn chu kỳ gỗ nhỏ. Trong khi đời sống kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, chủ yếu phải đi vay để phát triển sản xuất lâm nghiệp; thời gian vay vốn từ các ngân hàng ngắn, người dân còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Do đó, cùng với việc hỗ trợ về nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, bà con nông dân mong muốn có thêm nhiều chính sách vay vốn ưu đãi, kéo dài thời gian cho vay theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn.


Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục