Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người đã nhấn mạnh: "Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ". Hôm nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, ngành giao thông vận tải (GTVT) vẫn thể hiện vai trò của một ngành kinh tế quan trọng, luôn "mở đường" đi trước. Các tuyến đường, cây cầu, bến cảng... tiếp tục được xây dựng trên khắp mọi miền, dần tạo nên những "mạch máu" giao thông ngày càng hoàn chỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và giảm đói nghèo.

 
Phát huy truyền thống vẻ vang trong xây dựng đất nước


Trong những năm kháng chiến, ngành GTVT non trẻ đã xây dựng, bảo vệ nhiều cung đường, phục vụ kịp thời việc vận chuyển quân lương cho các chiến dịch; giữ cho giao thông liên lạc thông suốt. Ðường qua miền Tây Bắc cho xe, pháo tham gia chiến dịch Ðiện Biên, đường mòn Hồ Chí Minh vượt dãy Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh trên biển là những bản anh hùng ca bất hủ về chiến công của những cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, thanh niên xung phong ngành GTVT. Lịch sử đất nước sẽ ghi nhớ mãi những tấm gương hy sinh quên mình để giữ cho những tuyến đường ra tiền tuyến thông suốt. Hình ảnh 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại Ngã ba Ðồng Lộc và rất nhiều dân công hỏa tuyến, lái xe... đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ hôm nay. Họ là hiện thân của truyền thống "dũng cảm, thông minh, sáng tạo" của ngành GTVT trong những năm tháng chiến đấu hào hùng.


Sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, công cuộc xây dựng đất nước đã đặt ra cho ngành GTVT nhiệm vụ hết sức nặng nề. Toàn ngành đã khẩn trương khôi phục, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông. Chỉ sau 14 tháng thi công, một kỳ tích của ngành được lập nên là thông xe tuyến đường sắt Thống Nhất dài hơn 1.700 km. Năm 1985, cầu Thăng Long, công trình của tình hữu nghị Việt - Xô và cầu Chương Dương, công trình của ý chí tự lực, tự cường đã hoàn thành.


Ðất nước bước vào công cuộc đổi mới, ngành GTVT luôn thể hiện vai trò của một ngành kinh tế quan trọng, luôn đi trước "mở đường". Nhiều công trình giao thông quy mô lớn, tầm cỡ khu vực như hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Bãi Cháy, Thanh Trì, Pá Uôn, Mỹ Thuận, Hàm Luông, Cần Thơ; cảng nước sâu Cái Lân, nhà ga T2 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương... có sự góp sức, cống hiến to lớn của cán bộ, công nhân viên ngành GTVT. Các cây cầu, tuyến đường bộ, sân bay, bến cảng tiếp tục được cải tạo và xây mới trên khắp mọi miền Tổ quốc, tạo nên những "mạch máu" giao thông ngày càng hoàn chỉnh, vươn tới các vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và giảm đói nghèo. Những con đường thảm nhựa, bê-tông rộng rãi, hàng loạt cây cầu mới vượt sông đã giúp người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn trước rất nhiều. Trên quốc lộ 1, cầu Cần Thơ - cây cầu lớn cuối cùng trên tuyến - đã được đưa vào khai thác tháng 4-2010, đánh dấu việc chấm dứt sử dụng phà trên trục giao thông quan trọng nhất của đất nước từ Mục Nam Quan đến Cà Mau. Ðồng thời, đường Hồ Chí Minh, trục đường bộ xuyên Việt thứ hai của đất nước đã cơ bản hoàn thành giai đoạn một từ Thạch Quảng (Thanh Hóa) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) và đang triển khai giai đoạn hai, nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến đất Mũi vào năm 2013.


Không thể kể hết những đóng góp thầm lặng của đội ngũ người lao động ngành giao thông vận tải trước đây cũng như hiện nay. Chính vì vậy, khi nhìn lại chặng đường 65 năm qua, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành GTVT đều có quyền tự hào đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Trong mỗi bước tiến vững chãi của đất nước, đều có sự đóng góp của những con đường, cây cầu, sân bay, bến cảng; đều có sự góp công của bàn tay, khối óc những người lao động trong ngành.


Tạo bước đột phá 


Trong công cuộc CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra cho ngành GTVT những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Không chỉ tiến bước cùng đất nước, ngành GTVT cần phải "đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế" theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng GTVT trong thời gian tới. Chính điều đó đòi hỏi ngành tiếp tục phấn đấu với tinh thần "Dũng cảm, thông minh, sáng tạo" hơn nữa. Về tổng thể, định hướng phát triển ngành GTVT đến năm 2020 là hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải và hành lang vận tải chủ yếu; hệ thống GTVT cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý, kiềm chế và giảm sự gia tăng tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ðến năm 2030, sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới GTVT trong cả nước cũng như các hành lang giao thông đối ngoại. Ngành sẽ tiếp tục mở rộng và xây mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, các tuyến đường bộ đối ngoại. Ðồng thời, cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có, xây mới các tuyến đường sắt cao tốc; phát triển GTVT bánh sắt tại các đô thị, đường sắt nội - ngoại ô, làm nòng cốt trong vận tải hành khách công cộng. Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, bao gồm cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông đến cảng và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng; gắn kết với hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa, bảo đảm  tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, hiệu quả; hoàn thành nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cảng hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế; tập trung đầu tư các cảng hàng không quốc tế trong khu vực Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đầu tư các cảng hàng không quốc tế mới với quy mô và chất lượng phục vụ cạnh tranh quốc tế. Ðây thật sự là các thách thức không nhỏ đối với toàn ngành, trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần được cải thiện.


Trong 65 năm qua, Ðảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho ngành GTVT và cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành GTVT nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng (năm 1995); Huân chương Hồ Chí Minh (1990); Huân chương Ðộc lập...; Anh hùng Lao động.


Tự hào về truyền thống đoàn kết, cố gắng không mệt mỏi và thành tựu của thế hệ đi trước, bằng tinh thần "Dũng cảm, thông minh, sáng tạo", cán bộ, công nhân, viên chức lao động ngành GTVT quyết tâm phấn đấu vượt qua thách thức mới để đạt được những mục tiêu đề ra, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
 
 
                                                                                 Theo ND

Các tin khác


Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục