Bốc xếp gạo xuất khẩu ở Hậu Giang.

Bốc xếp gạo xuất khẩu ở Hậu Giang.

Hội nghị lúa gạo quốc tế (IRC) lần thứ ba do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức tại Hà Nội ngày 9-11-2010 đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc góp sức bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Với sản lượng lúa chiếm hơn 90% số sản lượng các cây lương thực có hạt, Việt Nam đang trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Năm nay cũng là năm thứ 21, nước ta thực hiện kim ngạch xuất khẩu gạo cao. Khả năng cả năm 2010, xuất khẩu đạt 6,5 triệu tấn, trong đó đến ngày 9-11-2010 đã giao cho bạn hàng nước ngoài 5,9 triệu tấn gạo, với giá trị kim ngạch 2,5 tỷ USD (giá FOB) tăng 9% về số lượng và 14% giá trị kim ngạch. Ðiều đáng mừng như các đồng chí Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền nam (Vinafood 2); Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng Giám đốc cho biết: Giá gạo xuất khẩu đang ngày càng tăng dần, bình quân đạt 424 USD/tấn, tăng 18,58 USD/tấn so cùng kỳ năm 2009.

Một năm nhiều thách thức

Có thể nói tác động khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua ảnh hưởng mạnh đến giá lúa gạo Việt Nam. Do khủng hoảng, các tập đoàn phân phối lương thực nước ngoài không mua dự trữ như các năm trước mà cần tới đâu mua tới đó, đồng thời liên tục ép giá doanh nghiệp kinh doanh lương thực trong nước. Trong khi đó vụ đông xuân 2009 - 2010 ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục trúng mùa, năng suất bình quân 6,2 - 6,3 tấn/ha, có nơi đạt 9-10 tấn/ha. Trúng mùa nhưng thời tiết không thuận lợi, mưa liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa và cũng thời gian ấy giá gạo thế giới liên tục giảm.

Nhằm bảo vệ lợi ích và ổn định đời sống nông dân, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) hội viên VFA mua vào đợt một, một triệu tấn gạo, rồi mua đợt hai thêm 500 nghìn tấn gạo tạm trữ chờ xuất khẩu. Tại các cuộc triển khai mua lúa gạo tạm trữ , chúng tôi thấy không khí đầy băn khoăn, lo lắng bởi trước khi mua tạm trữ, các DN còn lưu kho gần hai triệu tấn gạo kinh doanh. Nhiều DN sợ tồn kho kéo dài cùng lãi vay ngân hàng, cộng chi phí vận chuyển cao, giá bán ra thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, kinh doanh của DN. Trước tình thế ấy buộc VFA phân bổ chỉ tiêu mua đến tận DN, đồng thời thực hiện kiểm tra nguồn hàng cũng như số liệu mua vào ở từng đơn vị. Vậy mà chỉ hai tháng sau, cuối tháng 3 đầu tháng 4-2010, giá thế giới vọt tăng để tháng 6 và nửa đầu tháng 7 giá lại xuống. Ðến đầu tháng 8 giá lên cho đến nay, ổn định ở mức giá cao.

Giá gạo thế giới 'nóng, lạnh' bất thường kéo theo thị trường tiêu thụ cũng nhiều thay đổi khó lường. Sức mua một số thị trường truyền thống vốn chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay không cao bằng các năm trước. Mặt khác do giá gạo lên xuống không theo quy luật, lại tái diễn cảnh nhiều DN ký hợp đồng khống đến khi giá lên gom không đủ gạo buộc phải hủy hợp đồng. Hiện tượng khai trùng lắp về chân hàng, số lượng tồn kho, số lượng tạm trữ làm cho việc chỉ đạo mua bán cũng như phát giá cho các loại gạo bị lúng túng.

Ðiều thách thức với cả nông dân và DN còn ở khâu thu mua có quá nhiều tầng nấc trung gian. Tổn thất ở khâu chế biến, xay xát và sau thu hoạch vẫn ở mức quá cao, chiếm 5 đến 15% lượng gạo thành phẩm. Hiện tượng thiếu vốn vào mùa thu hoạch lúa, gạo kéo dài trong nhiều năm cùng với hệ thống kho dự trữ lương thực quá thiếu và yếu khiến cho nông dân và DN khó lòng điều tiết giá ngay cả khi giá lương thực thế giới lên cao. Việc gây dựng giống lúa đặc sản chưa được coi trọng đúng mức, có tới 20 loại gạo xuất khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng hạt gạo Việt Nam chưa cao...

Còn nhiều cơ hội

Theo VFA giá lúa gạo từ nay đến năm 2011 sẽ có lợi cho DN và nông dân do nhu cầu gạo của thế giới đang tăng. Ðịnh hướng kinh doanh xuất khẩu gạo là ưu tiên cho thị trường tập trung đồng thời coi trọng, mở rộng và thực hiện áp giá linh hoạt với thị trường thương mại, trong đó lấy giá thị trường tập trung làm chuẩn dẫn dắt giá thương mại theo sát giá quốc tế.

Với phương châm này mặc dù thị trường tập trung giảm song do điều hành kiên quyết, thống nhất của Tổ điều hành liên bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cùng VFA cố gắng chỉ đạo giá mua vào bán ra sát với giá thế giới nên mở thêm một số thị trường thương mại cũng như tập trung mới với sức mua lớn.

Năm 2010 còn là năm VFA đối diện với áp lực giá ở cả trong nước và ngoài nước, buộc các thành viên HÐQT, các DN hội viên và bản thân VFA phải liên tục cập nhật, bám sát diễn biến giá cả thị trường cũng như biến đổi thời tiết khí hậu trên thế giới. Theo dõi sát sao số liệu hàng hóa của từng DN thành viên để phối hợp thực hiện thống nhất giá bán cũng như phân bổ thị trường. Tổ điều hành liên bộ còn cho phép VFA điều hành giá linh hoạt căn cứ giá thế giới, trong nước và nhu cầu lương thực trên thế giới để ra giá phù hợp. Trên cơ sở ấy, VFA đã linh hoạt chỉ đạo giá mua vào với giá có lợi cho DN và nông dân, đáng chú ý là vào nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, VFA tăng giá mua vào mà bạn hàng vẫn chấp nhận. Thực hiện bán ra gạo 5% với giá 506 đến 510 USD/tấn gạo, cao hơn gạo Thái-lan từ 30 đến 35 USD/tấn VFA còn phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh có lượng lúa, gạo hàng hóa lớn bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu theo phương châm: Tích cực xuất khẩu với giá hợp lý nhằm tăng thu nhập của nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời giữ ổn định giá cả thị trường trong nước.

Mạnh dạn cho phép DN có đủ lượng gạo dự trữ, có thị trường tiêu thụ giá tốt được phép xuất khẩu, đồng thời VFA yêu cầu các hội viên tuân thủ nghiêm các quy định bán ra, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu cũng như khả năng liên kết trong giữ giá để cạnh tranh với DN nước ngoài.

Ngoài việc dự trữ ổn định cho an ninh lương thực trong nước, đến nay VFA đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cả năm 2010 là 6,5 triệu tấn gạo, đồng thời có kế hoạch dự trữ 1,5 triệu tấn gạo gối đầu cho xuất khẩu đầu năm 2011. Ước tính vụ lúa đông xuân 2010-2011 ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ được năng suất cao, nên khả năng xuất khẩu vẫn ở nhịp độ cao. Vì vậy các DN thực hiện đúng tiến độ xuất khẩu theo giá mà VFA quy định.

Cần rút kinh nghiệm

Mặc dù có thâm niên 21 năm kinh doanh ở thị trường lương thực thế giới, song đến nay VFA chủ yếu xuất khẩu ở thị trường tập trung, trong đó 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc chủ động tìm kiếm đầu ra mới hình thành vài năm gần đây cho nên việc nghiên cứu thị trường lúa gạo các nước, khu vực, thế giới được sâu rộng và chuyên nghiệp. Nhiều DN chưa chú ý phân tích và dự báo diễn biến giá cả thị trường lương thực thế giới cũng như kiểm tra chéo các thông tin 'ảo' của bạn hàng nước ngoài khiến cho DN lúng túng, đôi khi chưa tin vào cách điều hành của hiệp hội. Mối quan hệ giữa hiệp hội - doanh nghiệp với tùy viên thương mại các nước có tập đoàn tiêu thụ gạo còn rời rạc, chưa gắn kết. Trang thông tin trên mạng của VFA còn thiếu sinh động và chưa cập nhật kịp thời biến động của thị trường lương thực thế giới. Nên chăng Nhà nước sớm phân bổ chỉ tiêu vốn xây dựng kho dự trữ với lãi suất phù hợp. Khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân, nông dân xây kho trữ lương thực cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Việc này sẽ giúp Nhà nước nắm được nguồn cung gạo lớn, kịp thời điều tiết giữa lượng gạo xuất khẩu và tiêu thụ trong nước theo hướng có lợi nhất cho quốc gia cũng như bảo đảm mức giá thu mua cao đến tận tay nông dân. Nâng cao thu nhập trồng lúa của người nông dân gắn với phát triển nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Nhà nước, VFA, các DN hội viên cần xây dựng chiến lược khai thác thị trường trong nước hướng vào tầng lớp dân cư đô thị với thị hiếu gạo phẩm cấp tốt, giá cao. Trước mắt cần chủ động và nắm chắc diễn biến giá cả thị trường lương thực thế giới những tháng cuối năm 2010 và ba tháng đầu năm 2011 để tăng giá trị hạt gạo Việt Nam xuất khẩu hơn nữa.

                                                                             Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục