Nông dân tỉnh ta từng bước đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân tỉnh ta từng bước đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

(HBĐT) - Nắng như rót mật xuống cánh đồng khiến màu vàng của bông lúa càng thêm óng ả. Gió đuổi nhau trên những nương ngô làm thành biển sóng ngút ngàn xanh. Cảnh sắc thiên nhiên tươi sáng giống như một phông nền hoàn hảo tôn bật lên sức sống căng tràn trong những con đường bê tông uốn lượn, những mái nhà xây thấp thoáng dưới chân đồi và nhịp sống của người dân là điểm nhấn nổi bật nhất làm nên một bức tranh quê trọn vẹn. Càng ngắm, càng say và càng không thể phủ nhận được rằng diện mạo nông nghiệp - nông thôn của tỉnh ta đang bừng lên sức sống mới.

 

Ngắm nhìn cánh đồng lúa vàng ruộm đang bắt đầu chắc hạt, anh Bùi Văn Tháp, trưởng xóm Mớ Đồi (Hạ Bì, Kim Bôi) sung sướng nghĩ đến vụ mùa bội thu đã gần chắc trong tầm tay. Tham gia khảo nghiệm thành công giống lúa lai thương phẩm C.ưu đa hệ số 1, gia đình anh và nhiều hộ dân trong xóm đang vui mừng ước tính năng suất vụ này sẽ đạt gần 80 tạ/ha, cao hơn hẳn năng suất các giống lúa đã từng sử dụng trước đó. Anh Tháp vui vẻ nói: “Đây là thành quả xứng đáng cho nông dân chúng tôi khi mạnh dạn sử dụng giống mới và áp dụng KHKT vào sản xuất”.

Ở phạm vi toàn tỉnh, sự xuất hiện thuyết phục của các giống cây trồng, vật nuôi mới được đánh giá là dấu ấn nổi bật trong sự phát triển toàn diện của ngành nông nghiệp nói chung. Nói như ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT: Diện mạo nông nghiệp - nông thôn đã bừng sắc từ những dấu ấn đặc biệt như thế. ông Tứ khẳng định: “Chúng ta đang sở hữu một nền kinh tế nông nghiệp đang nỗ lực chuyển mình. Với những dấu ấn quan trọng, chúng ta đang tích trữ năng lượng để sẵn sàng thực hiện những bước nhảy dài về lượng và chất”.

 

Trong 5 năm 2006 - 2010, những thành quả toàn diện mà ngành NN&PTNT đạt được đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của KT-XH tỉnh nhà. Vượt qua thách thức bằng sức mạnh nội lực, ngành đã duy trì được mức tăng trưởng bình quân đạt 4,75%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm tỉnh đề ra cho ngành là 4,2%/năm. Trong đó, tăng trưởng bình quân của ngành trồng trọt đạt 4,6%/năm; ngành chăn nuôi đạt 4 - 7,4%/năm; ngành thuỷ sản đạt 9,5%/năm; ngành lâm nghiệp đạt 2 - 7%/năm... Trong cơ cấu kinh tế, mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 44,1% (năm 2006) xuống khoảng 35% (năm 2010) nhưng đây là sự chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển tích cực của nền kinh tế. Song song với những bước đi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sự phát triển toàn diện và bền vững giúp kinh tế nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế vốn có của mình.

 

Ghi nhận những khởi sắc đáng mừng trong diện mạo nông nghiệp - nông thôn tỉnh nhà, ông Bùi Ngọc Đảm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Những cố gắng không mệt mỏi của nhà nông cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã được đền đáp xứng đáng. Có những lúc, sức tàn phá của thiên tai, dịch bệnh tưởng như đã có thể dồn người nông dân đến bước đường cùng. Nhưng sự hỗ trợ, định hướng kịp thời của ngành chức năng và chính quyền các cấp đã tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân, giúp họ chủ động đứng lên, gồng mình vượt qua mất mát để tiếp tục hướng tới những giá trị mà họ mong muốn đạt được trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

 

Đối với nhiều hộ nông dân trong tỉnh, mỗi vụ sản xuất luôn ẩn chứa nhiều biến động và rủi ro. Chính vì vậy, có thể ví sự vào cuộc kịp thời của ngành chức năng và sự hỗ trợ thoả đáng của chính quyền các cấp giống như những chiếc phao cứu sinh cấp thiết và hữu hiệu, giúp họ vượt qua cơn nguy khốn và sau đó tự bơi vào bờ.

 

Được biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và hướng tới đối tượng là nông dân: Chương trình trợ giá, trợ cước, chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, Chương trình 135, dự án giảm nghèo, dự án ĐC-ĐC hỗ trợ khai hoang phục hoá, dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn... Về cơ bản, các chính sách này tiếp cận và tiếp thêm sức mạnh cho nông dân theo hai chiều: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Thực tế đã kiểm chứng rằng, hai cách tiếp cận này đã giúp nông dân chủ động và vững vàng hơn trong các hoạch định kinh tế, từ đó tạo được những dấu ấn làm bừng lên sức sống mới trong diện mạo nông nghiệp - nông thôn tỉnh nhà.

Chính sức sống mạnh mẽ đó đã kết thành niềm tin để nông nghiệp - nông thôn Hoà Bình sẵn sàng chào đón năm Tân Mão 2011.

 

               

                                                                                        Thu Trang

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục