Một nhóm du khách Nhật Bản chụm lại bàn tán trước gian hàng miễn thuế trong sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok

 
Tôi đi ngang qua, thấy họ cầm mấy hộp bánh giòn (senbei) của Nhật Bản, vẻ mặt rất ngạc nhiên trước sự xuất hiện của mặt hàng này tại Thái Lan. Vậy là sau Trung Quốc lại đến Thái Lan sản xuất món ăn nhanh và tiện lợi này của người Nhật vốn có tuổi đời rất lâu, từ năm 737.
 
Người Nhật có tập quán khi uống trà thường ăn kèm bánh senbei làm từ bột gạo tẻ hoặc nếp. Ngày nay, senbei gạo hoặc nếp là loại bánh thông dụng nhất ở Nhật Bản, vì vừa ngon vừa tiện lợi, không dính tay khi ăn.
 
Vào các siêu thị Nhật Bản, tại các quầy bánh, người ta sẽ thấy hàng trăm nhãn hiệu bánh giòn, mỗi loại có một hương vị độc đáo riêng của nhà chế biến. Như vậy, từ loại thực phẩm cơ bản là gạo tẻ hoặc nếp, người Nhật đã chế biến thành thức ăn tiện dụng rất phù hợp với thời đại công nghiệp hóa.
 
Ở Mỹ, gạo cũng được chế biến thành bánh tráng nướng sẵn ở dạng flake (miếng mỏng), trộn với sữa dùng cho bữa ăn sáng.
 
Nay Thái Lan đã sản xuất bánh gạo giòn, bánh được gói trong hộp giấy rất bắt mắt; còn tại thị trường Việt Nam, bánh gạo giòn nhập từ Trung Quốc được bày bán khắp nơi. Tại sao Việt Nam chưa làm bánh gạo hoặc nếp giòn ăn liền?
 
Chúng ta đã có bánh phồng tôm nhưng chưa tiện lợi vì phải chiên lên mới ăn được. Có lần, tôi mang mấy hộp bánh phồng tôm sang Thụy Điển tặng bạn bè. Khi ấy, tôi phải vào bếp “biểu diễn” cách chiên cho bánh phồng lên rồi mới mời mọi người thưởng thức. Lúc ăn, tôi hỏi “các bạn có thích món bánh phồng tôm của Việt Nam không?”, ai cũng trả lời “ngon lắm nhưng mất thời gian và phải biết cách chiên nữa, phức tạp quá!”. 
 


Bánh tráng của Việt Nam cũng vậy, phải nướng hoặc sơ chế rồi mới ăn được. Thỉnh thoảng, cũng có người nướng sẵn bánh tráng mang vào quán ăn rao bán nhưng cái nào cái nấy to đùng thì thật bất tiện.
 
Để trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam không làm bánh gạo hoặc nếp giòn ăn liền, tôi có dịp thăm xưởng chế biến bánh nếp giòn senbei danh tiếng của Công ty Sanko Seika (Nhật Bản). Nguyên liệu chính của bánh senbei là nước và nếp.
 
Nước được chọn rất kỹ, họ phải khoan giếng nhiều nơi để tìm đúng loại nước ngon rồi mới đặt nhà máy ở đó. Kế đến là nếp, phải là loại nếp thật dẻo mà lại ít tốn năng lượng để nấu (trị số năng lượng BTU MAX phải dưới 750).
 
Giàn máy nhồi bột nếp trông như những cánh tay khổng lồ tán nhuyễn từng lô bột vừa từ nồi nấu đổ ra. Lò nướng bánh giống như một đường hầm dài khoảng 20 m, nhận bột đã được tán nhuyễn và khuôn cắt thành từng miếng nhỏ, đưa theo băng chuyền đến cuối lò là đã phồng lên và khô lại. Tại đây, công nhân quét gia vị lên bề mặt bánh, rắc thêm mè (tùy theo công thức chế biến) rồi đợi bánh nguội và đóng gói.
 
Văn hóa ẩm thực Nhật Bản rất độc đáo, trong đó đặc biệt là các tập tục sử dụng những sản phẩm từ lúa gạo, đã làm gia tăng giá trị của nguyên liệu nông nghiệp cơ bản nhất của người Nhật.
 
Họ đã chế biến gạo, nếp thành hàng trăm món bánh tiện ích phục vụ người tiêu dùng, giúp nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn.
 
Trong khi đó, ở ta, ít có nhà chế biến làm được các sản phẩm như vậy từ gạo, nếp quê mình vốn rất dồi dào (mời tham khảo bài Một số sản phẩm từ lúa gạo Việt Nam đăng tại http://www.fao.org/inpho/content/documents/vlibrary/AE617e/index.htm) mà phần lớn là những món ăn không để lâu được, không thể ăn liền và khi ăn xong phải dọn dẹp, rửa tay.
 
Nói chung, các loại bánh của Việt Nam làm từ gạo hoặc nếp chưa phù hợp với người tiêu dùng có tác phong công nghiệp, do đó chưa xuất khẩu được như Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan.
 
Hạt gạo Việt Nam đã "xuất ngoại" hơn 20 năm qua, vậy mà đến bây giờ sản phẩm từ gạo của chúng ta xuất hiện rất ít tại các siêu thị trên thế giới. Bởi thế, chiếc bánh senbei của người Nhật ắt hẳn gợi cho chúng ta thật nhiều suy nghĩ, nhất là về “liên kết 4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà nông nghiệp) đã thực hiện lâu nay nhưng còn quá lỏng lẻo!
 
 
                                                                               Theo Báo NLĐ
 
 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục