Nông dân xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) thu hoạch vụ cà phê đầu tiên.

Nông dân xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) thu hoạch vụ cà phê đầu tiên.

(HBĐT) - Năm 2010, vùng cà phê nguyên liệu ở Ngọc Lâu, Ngọc Sơn đã đơm hoa, kết trái vụ đầu tiên. Vậy là giống cà phê catimo F7 của công ty cổ phần Cà phê Thái Hòa - Hòa Bình đã thực sự đứng vững trên các xã vùng cao của huyện Lạc Sơn. Kết quả đó là phần thưởng không gì sánh được động viên, bù đắp cho những tháng ngày miệt mài, trăn trở của những kỹ sư, công nhân Công ty cổ phần Cà phê Thái Hòa - Hòa Bình, là tiền đề mở ra hướng đi mới cho phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất bao đời nay vốn gắn bó với cây sắn, cây ngô, cây dong riềng cùng tập quán sản xuất quảng canh, manh mún, thụ động.

 

Việc phát triển vùng cà phê nguyên liệu tại 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn được Công ty CP Cà phê Thái Hòa - Hòa Bình chính thức triển khai từ tháng 6/2007. Đến cuối năm 2009 đã trồng được 120 ha gồm 60 ha cà phê doanh nghiệp và 60 ha cà phê do các hộ dân trồng được do doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật. Vùng cà phê nguyên liệu, phương thức sản xuất mới đã thu hút và tạo việc làm theo mùa vụ cho trên 400 lao động với mức thu nhập từ 1,2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Niên vụ 2010, Công ty CP Cà phê Thái Hòa - Hòa Bình triển khai xuống giống trên 100 ha trên đất do các hộ dân 2 xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu góp theo hình thức cổ phần hóa. 

 

Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi gặp gỡ, tiếp xúc với bà con nông  dân 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, được nghe họ bàn thảo, trao đổi, tính toán để tham gia góp đất trồng cà phê theo phương thức cổ phần hóa. Chị Bùi Thị Hửng ở xóm C, xã Ngọc Lâu phấn khởi cho biết: Những năm trước đây, thu nhập của người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi với các cây trồng chính là ngô, sắn. Sản phẩm làm ra theo kiểu tự sản, tự tiêu. Việc mở vùng cà phê nguyên liệu, nhất là triển khai phát triển cà phê doanh nghiệp cổ phần là cách làm rất mới, ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng được tập huấn, trao đổi, tham quan, tìm hiểu, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi, hiệu quả nên nhiều hộ gia đình  trên địa bàn tích cực ủng hộ và tham gia.

 

Thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại các xã vùng cao huyện Lạc Sơn với kế hoạch đầu tư 850 ha cà phê doanh nghiệp và 1000 ha cà phê nhân dân trong giai đoạn 2007-2010, Công ty  CP Cà phê Thái Hòa - Hòa Bình hướng tới mục đích xây dựng vùng cà phê Lạc Sơn - Hòa Bình để đưa ra thị trường trong nước và thế giới một sản phẩm sạch được theo dõi chặt chẽ từ các khâu trồng, chế biến, xuất khẩu có thương hiệu riêng, giá cả cao hơn các vùng khác. Đó là cà phê hữu cơ, được phòng trừ sâu bệnh bằng thảo dược. Bên cạnh đó, trên vườn cây không chỉ trồng cà phê mà còn thực hiện đa dạng mô hình, dưới tán cà phê còn nuôi lợn địa phương, gà đồi, ong mật... để tăng giá trị thu nhập.

 

Đặc biệt, trong quá trình triển khai đầu tư, Công ty hết sức chú trọng tới phát triển cà phê doanh nghiệp cổ phần với hình thức Công ty bỏ kinh phí đầu tư về vốn, phân bón, cây giống, chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Người dân góp đất được coi là một thành viên của Công ty, hưởng các chế độ, hưởng cổ tức, sở hữu cổ phiếu. Hiện, nhân dân trong vùng đã ký hợp đồng góp vốn bằng 300 ha đất để tham gia phát triển cà phê doanh nghiệp cổ phần.

 

Cùng với tập trung phát triển vùng cà phê, hiện, Công ty đang đề nghị UBND tỉnh cho phép mở rộng dự án để đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cà phê công suất 4.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến phân vi sinh công suất 7.000 tấn/năm cùng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tổng hợp gồm các hạng mục: khu hướng nghiệp lao động, khu nghỉ dưỡng và thể thao, khu lòng hồ, khu sinh thái với  vốn đăng ký 425 tỷ đồng.

 

Ông Bùi Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu đánh giá: Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở hai xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn đã có bước khởi sắc. Tiềm năng về đất đai, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng nguồn nhân lực được tận dụng và phát huy, tạo chuyển biến tích cực về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Đó là điều kiện để người dân phát triển kinh tế, XĐ-GN, vươn lên làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương.

 

 

 

 

                                                                                 Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục