Giá phân bón, thép trong nước liên tục tăng và cao hơn thế giới mặc dù Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bình ổn giá

Phân bón, thép  đang vào thời vụ. Bên cạnh hệ thống phân phối quá nhiều tầng nấc, chi phí sản xuất, lưu thông... bất hợp lý, giới kinh doanh cũng đang tạo khan hiếm giả trên thị trường để đẩy giá lên cao.

 
Hỗ trợ nhiều, giá vẫn tăng
 
Từ cuối năm 2010, giá phân bón đã tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg, tùy loại. Hiện đang vào mùa vụ hè thu, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá phân bón trong nước tiếp tục tăng. Tại các tỉnh ĐBSCL, phân urê lên đến 9.800 đồng/kg (tăng 1.300 đồng/kg), DAP 15.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), kali 12.200 đồng/kg (tăng 2.200 đồng/kg), NPK có giá bán 11.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg)…
Phân bón nhập khẩu về cảng Sài Gòn. Ảnh: Hồng Thúy
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Nhà nước đã hỗ trợ bình ổn giá phân bón như áp dụng thuế suất nhập khẩu 0%, ưu đãi giá đầu vào một số loại phân bón sản xuất trong nước... nhưng trên thực tế, việc quản lý, điều hành giá, triển khai các biện pháp bình ổn còn bất cập; hệ thống điều hòa cung cầu còn yếu, không thống nhất, thông tin kém; chưa chú trọng đến dự trữ trong khâu lưu thông với số lượng cần thiết nên khi nhu cầu tăng cao đã gây biến động, đẩy giá tăng ngay.
 
Ngoài ra, mạng lưới cung ứng phân bón đến tay nông dân còn chồng chéo, vòng vèo cộng với tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền nhưng chưa được đánh giá, kiểm soát; tình trạng đầu cơ găm hàng, hạch toán chi phí sản xuất và lưu thông chưa hợp lý... cũng góp phần đẩy giá phân bón tăng. 
 
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng giá phân bón tăng là do lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Dự kiến nhu cầu phân bón trong năm 2011 là 8,5 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được 5,9 triệu tấn. Phân kali, SA phải nhập khẩu 100% (1,3 triệu tấn), urê phải nhập khẩu đến 50% (990.000 tấn), DAP nhập khẩu khoảng 40% (260.000 tấn). Cũng theo ông An, giá phân bón bất ổn còn do tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ, chưa chủ động về nguồn cung.
 
Chênh lệch quá cao so với giá thế giới
 
Thị trường thép ở châu Âu, Bắc Mỹ khá trầm lắng nên giá đang có xu hướng giảm. Giá thép vằn tại khu vực Bắc Mỹ chỉ còn 680 - 700 USD/tấn (tương đương 14 triệu đồng/tấn), giảm 50 USD so với tháng trước. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá thép tiếp tục giảm thêm 30 USD/tấn so với tháng trước. Khu vực châu Á cũng giao dịch rất chậm, có thời điểm giá phôi thép chỉ còn 640 USD/tấn.
 
Tại thị trường trong nước, giá bán tại các nhà máy thép hiện khoảng 18 triệu đồng/tấn (đã tính thuế), cao hơn giá thép thế giới khoảng 4 triệu đồng/tấn và cao hơn giá thép tại một số nước trong khu vực, đã tạo điều kiện cho thép ngoại tràn về khá nhiều. Bằng chứng là thị phần thép cuộn trong nước thường chiếm khoảng 30%, nay giảm còn 14% (loại thép này hàng nhập khẩu rẻ hơn hàng trong nước khoảng 400.000 đồng/tấn).
 
Theo lãnh đạo của một nhà máy thép lớn tại TPHCM, giá thép trong nước cao hơn giá thế giới là do chi phí sản xuất, chi phí dịch vụ quá cao. Chi phí vận chuyển, bốc xếp trong nước cao gấp 2, 3 lần so với các khu vực khác; chi phí khấu hao của các nhà máy thép trong nước hiện còn khá cao, trong khi các nhà máy thép ở các nước đã khấu hao xong. Giá phôi khoảng 660 USD/tấn, thuế nhập khẩu 45 USD/tấn, chi phí vận chuyển 10 USD/tấn, chi phí sản xuất 80 USD/tấn, chi phí tài chính 40 USD/tấn… đẩy giá thành sản xuất một tấn thép lên khoảng 826 USD/tấn, tương đương 16,4 triệu đồng/tấn.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép xây dựng đang giảm mạnh, lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 vừa qua giảm còn 327.000 tấn/tháng (trong khi mức tiêu thụ trong tháng 2 lên đến 475.000 tấn/tháng). Dự kiến trong tháng 4 chỉ tiêu thụ khoảng 300.000 tấn. Dù vậy, một số nhà máy thép trong nước không có chủ trương giảm giá mà còn có ý định tăng giá để đánh vào tâm lý khách hàng và bù đắp một phần vào chi phí tài chính, vốn vay ngân hàng. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết sắp tới, giá điện tăng do thực hiện theo giá thị trường, giá thép chắc chắn tăng theo.
 
 
                                                                              Theo Báo NLĐ
 
 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục