Nông dân xã Tây Phong đầu tư trồng cây có múi mang lại thu nhập cao.

Nông dân xã Tây Phong đầu tư trồng cây có múi mang lại thu nhập cao.

(HBĐT) - Cao Phong, huyện trẻ nhất của tỉnh thành lập cách đây 14 năm sau khi được tách từ huyện Kỳ Sơn. Quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, huyện đã chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ.

 

Khác với chuyến đi cách chừng dăm năm đến với các xã vùng cao Yên Thượng, Yên Lập, để leo ngược lên đây là hành trình vô cùng gian nan bởi cả tuyến đường quanh co, xói lở, đá, sỏi gồ ghề, nhiều đoạn hiểm trở, chênh vênh. Ngày nắng đã vậy, vào những ngày mưa càng vất vả hơn bởi những đoạn lầy thụt, trượt trơn. Trở lại lần này, cảm nhận của chúng tôi về cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi hẳn, nhọc nhằn giờ đã qua, ngày mới tươi đẹp đã đến với dẻo đất vùng cao này. Đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thượng chia sẻ: Sau bao năm vất vả, đường giao thông ở các xã dọc tuyến vùng cao đã được đầu tư, mở rộng, êm thuận, không còn cách trở trong việc đi lại của nhân dân và phát triển KT -XH vùng khó khăn.

 

Cũng trong ít năm trở lại đây, hạ tầng giao thông ở không riêng các xã có điều kiện thuận lợi như Tân Phong, Dũng Phong, Tây Phong mà nhiều xã đặc biệt khó khăn như Xuân Phong, Yên Thượng đã được đầu tư, nâng cấp nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ. Ngoài giao thông, các công trình thủy lợi mương, bai phục vụ sản xuất, công trình điện, nước đáp ứng nhu cầu đời sống cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà trạm, trang thiết bị y tế... tạo đòn bẩy “kéo theo” những khởi sắc về KT -VH-XH. Tính riêng năm 2014, huyện đã hoàn thành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 10 công trình giao thông và xây dựng đường giao thông nội đồng tại các xã được 3, 6 km. Giai đoạn 2011 - 2014, từ nguồn vốn chính sách dân tộc đã có khoảng 40 công trình hạ tầng vùng dân tộc được thực hiện, chủ yếu là giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, đường điện 0,4KV.

 

Đồng chí Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Bước phát triển của huyện Cao Phong sẽ không có gì đáng nói nếu không có những bứt phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huyện trước đây được biết đến là vùng mía tím hàng hóa, nay lại có tiếng hơn với sự hình thành vùng chuyên canh cây có múi giá trị kinh tế cao. Diện tích cam của huyện hiện có trên 1.200 ha trong tổng diện tích 1.380 ha cây ăn quả. Toàn huyện có khoảng 600 ha cam, quýt trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng cả vụ đạt 17.000 tấn, giá trị thu nhập 600 triệu đồng /ha, lãi ròng chiếm 2/3. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế của cây mía tím tiếp tục được khẳng định với diện tích hơn 2.600 ha, bình quân thu nhập 160 - 180 triệu đồng /ha, lãi ròng 50%. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng cam được đẩy mạnh. Nếu trước đây, cây mía phát triển chủ yếu ở các xã vùng thấp thì nay, nhiều gia đình đã mạnh dạn đưa cây mía tím lên đồi, thực sự trở thành cây làm giàu đối với các xóm, bản vùng khó như ở xóm Ong - xã Nam Phong, bản người Dao Tiến Lâm 1, Tiến Lâm 2 - xã Bắc Phong. Tương tự với diện tích cây có múi đã mở rộng nhanh chóng, ngoài thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong còn lan rộng ở địa bàn các xã Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong. Hàng trăm ha đang trong thời kỳ kiến thiết hứa hẹn mang lại thành quả tốt đẹp ở giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, cam Cao Phong đã được bảo hộ về nhãn hiệu, cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh. Bước đầu hình thành nền nông nghiệp kỹ thuật cao đã giúp Cao Phong có đà phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn. Với vùng cây hàng hóa cam, mía phát triển đa dạng, nhân dân các dân tộc đã có cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc hơn với bình quân thu nhập 24, 5 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,82%.

 

Đi cùng những bước tiến vững chắc trong sản xuất nông nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế của huyện duy trì ở mức trên 12%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện, văn hóa, xã hội phát triển. Toàn huyện có 20 trường học đạt chuẩn quốc gia, 4/13 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 5 bác sỹ /vạn dân. Cao Phong đã và đang phát huy tiềm năng vốn có để trở thành huyện mạnh trong công cuộc đổi mới hôm nay.

 

                                                                                    

 

                                                                              Bùi Minh

 

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục