Vận động viên điền kinh Quách Thị Lan (bên trái). Theo tham vấn chuyên môn, vận động viên Nguyễn Thị Huyền cần được
nghỉ ngơi, không tập luyện thi đấu do đang chuẩn bị làm mẹ, mặc dù trước đó,
chị đã có tên trong danh sách tập trung đội điền kinh quốc gia. Vắng Nguyễn
Thị Huyền, đội tuyển điền kinh Việt Nam chịu tác động đáng kể và có thể suy
giảm thành tích chuyên môn ở nội dung chạy 400 m và 400 m rào nữ, trong khi
thời gian từ nay đến Ðại hội thể thao châu Á - ASIAD 2018 không còn nhiều.
Nguyễn Thị Huyền là niềm hy vọng đoạt Huy chương vàng cá nhân ở đại hội, bởi
năm 2017 chị từng vô địch nội dung 400 m rào nữ ở Giải điền kinh vô địch châu
Á. Ðội tuyển điền kinh Việt Nam, cụ thể là ở nội dung tiếp sức 4x400 m nữ
cũng đang có các gương mặt nữ xuất sắc như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh,
Hoàng Thị Ngọc, nhưng sự thiếu vắng "ngôi sao" Nguyễn Thị Huyền sẽ
mang lại nhiều khó khăn trong cuộc đua tranh khốc liệt ở nội dung này. Tìm kiếm
một vận động viên có được tố chất và kinh nghiệm thi đấu như Nguyễn Thị Huyền
để "trám" vào đội hình đua tiếp sức quả là không dễ. Hiện tại, để
thay thế Nguyễn Thị Huyền, lãnh đạo đội tuyển điền kinh đang tập trung rèn
luyện tối đa cho chân chạy Quách Thị Lan, hy vọng còn lại của tổ chạy Cũng từ trường hợp của Nguyễn Thị Huyền, có thể thấy vấn đề đặt
ra ngay bây giờ là công tác tìm kiếm, tuyển chọn các gương mặt vận động viên
trẻ để nối tiếp các thế hệ đàn chị, nếu chúng ta không muốn thành tích điền
kinh nữ Việt Nam đứt đoạn. Do yếu tố đặc thù, cho nên thời gian đào tạo một vận
động viên điền kinh là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ, thậm chí là mất nhiều
năm. Khi bước vào thi đấu và đạt tới đỉnh cao như Nguyễn Thị Huyền, đồng thời
duy trì được phong độ và thành tích cao ở các đấu trường, đòi hỏi không chỉ sự
quyết tâm, niềm say mê mà còn cả sự chịu đựng hy sinh, nhất là với các vận động
viên nữ. Rất khó để đặt ra với họ sự lựa chọn sự nghiệp mà quên đi trách nhiệm
với gia đình. Chính vì vậy, khi một vận động viên nghỉ thi đấu, sẽ không chỉ
mất thời gian để đào tạo lại mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều tới thành tích.
Theo các chuyên gia, đã có không ít vận động viên sau giai đoạn sinh nở và có
con, rất khó lấy lại được phong độ như trước khi họ quay trở lại thi đấu. Tất
nhiên, điều này còn phụ thuộc cả vào quyết tâm ở từng người.
Điền kinh Việt Nam đã gây được tiếng vang với các thành tích nổi
trội trong khu vực và trong năm 2017, vượt qua Thái-lan để trở thành thế lực
hàng đầu của Ðông - Nam Á. Tuy nhiên, để điền kinh nước ta tiếp tục phát triển
một cách bền vững, duy trì được thành tích đỉnh cao, đã và đang rất cần sự
vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận động viên yên tâm thi đấu, cống hiến.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phương thức xã hội hóa, phát huy các nguồn lực,
chung tay góp sức vào đào tạo, mang lại sự ổn định cuộc sống của các vận động
viên, hiện tại cũng như trong tương lai lâu dài.
|
TheoNhandan