Trở về sau chuyến du đấu, huấn luyện viên trưởng Nguyễn Nam Hải đã
có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới về trải nghiệm khó quên và những
bài học kinh nghiệm từ sân chơi chuyên nghiệp này.
- Ông đánh giá thế nào về chuyến du đấu tại nhóm III Giải Bóng bàn vô địch đồng
đội thế giới vừa qua?
- Giải Bóng bàn vô địch đồng đội thế giới có 72 đội nam tham dự, được chia vào
3 nhóm (mỗi nhóm 24 đội). Các đội nhóm I tranh chức vô địch thế giới. Các đội
nhóm II tranh hạng từ 25 đến 48 thế giới, và các đội nhóm III tranh hạng từ 49
đến 72. Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore là đội duy nhất có mặt ở nhóm I, đội
tuyển Thái Lan thi đấu ở nhóm II, còn nhóm III có Việt Nam, Indonesia,
Malaysia.
Tay vợt
Nguyễn Anh Tú. Ảnh: Internet
|
Đội tuyển Việt Nam tham dự giải năm nay với 3 tay vợt là Nguyễn Anh Tú, Đinh
Quang Linh và Đoàn Bá Tuấn Anh. Sau khi bốc thăm, nhánh đấu của chúng ta có
không ít đội mạnh, nên mục tiêu đặt ra là phải cố gắng thi đấu tốt từng trận,
giúp các tay vợt trẻ càng được thi đấu nhiều ở đấu trường lớn càng tốt.
- Điều này rất đúng với tinh thần thi đấu của một giải đồng đội tầm cỡ…?
- Chính nhờ tinh thần đồng đội và sự phát huy vai trò của Đinh Quang Linh, đội
tuyển bóng bàn Việt Nam đã có được những ngày thi đấu tuyệt vời và giá trị. Điểm
lại hành trình tại giải sẽ thấy rõ sự tiến bộ của các em. Trận đầu chúng ta
thua Indonesia, một phần vì các em phải di chuyển từ Việt Nam sang Thụy Điển
khá xa, chưa kịp thích nghi với môi trường, sự thay đổi múi giờ, thời tiết… Nhưng
các trận sau, các tay vợt đã vượt qua sự căng thẳng, thi đấu với tinh thần thoải
mái, tự tin trước các đối thủ được đánh giá cao hơn, như Saudi Arabia (vòng 16
đội), Phần Lan (vòng 8 đội), Israel (vòng bán kết). Chúng ta chỉ dừng bước ở trận
chung kết do Lithuania có tay vợt với lối cắt bóng đánh thủ rất lạ, ít người sử
dụng hiện nay nên các vận động viên trẻ khó đối phó. Nhưng nhìn toàn cục, chúng
ta đã đạt được hai mục đích quan trọng. Một là được lên thi đấu nhóm II. Hai là
các tay vợt trẻ được thi đấu nhiều trận đỉnh cao giá trị.
- Nhìn lực lượng hiện tại, đâu là điều khiến ông hài lòng nhất?
- Đó chính là sự đoàn kết, tinh thần thẳng thắn trao đổi giữa các thành viên,
thẳng thắn nhận nhiệm vụ. Trước đây, huấn luyện viên thường phải tự quyết do không
hiểu rõ vận động viên muốn gì, có khát khao thi đấu hay không, hay để thầy "đặt
đâu đánh đấy”. Dám tự chọn cho bản thân mình, dám nhận trách nhiệm, cởi mở, rõ
ràng, và khi đã xác định thì sự phân chia trách nhiệm sẽ rất tốt.
- Liên tiếp lập kỳ tích với việc giành Huy chương vàng SEA Games năm 2017, nay
lại giành được vị trí 50 của thế giới, ông nghĩ gì về cơ hội của bóng bàn Việt
Nam ở Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) tới đây?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận cơ hội của chúng ta tại ASIAD là rất ít. Tuy thành
tích thời gian qua thực sự đáng khích lệ, nhưng chúng ta không thể chủ quan
đánh giá là hễ vô địch SEA Games, thắng Singapore là có thể đạt huy chương
ASIAD. Thực tế ngay cả đội nam của Singapore cũng chưa giành được huy chương
ASIAD. Châu Á hội tụ 90% các đội bóng bàn mạnh nhất thế giới, với những Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Triều Tiên, Ấn Độ,
Singapore... Nếu đặt chỉ tiêu không sát thực tế sẽ gây áp lực không đáng có lên
các vận động viên.
Tôi hy vọng, nếu tiếp tục đầu tư chuyên nghiệp, bóng bàn sẽ có những bước "vượt
ngưỡng” trong tương lai không xa. Ngay tại ASIAD 2018, nếu kết quả bốc thăm thuận
lợi, chúng ta vẫn có thể tạo được sự đột biến.
- Trân trọng cảm ơn ông!
TheoHanoimoi