(HBĐT) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về, tại các xóm làng, thôn bản đều rộn ràng không khí vui tươi, sôi nổi, hào hứng từ những màn tranh tài các trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đánh đu... Sân chơi này như một liều thuốc bổ cho tinh thần, tràn đầy sức sống cho 1 năm mới dồi dào sức khỏe, mưa thuận, gió hòa và thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân.



Phụ nữ xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) tham gia trò chơi đánh mảng.

Nếu như ném còn là ông tơ, bà nguyệt se duyên cho nam thanh nữ tú. Đẩy gậy là môn thể thao dân tộc thể hiện bản lĩnh của người đàn ông. Kéo co đề cao sức mạnh của sự đoàn kết. Thì trò đánh mảng chính là sợi dây yêu thương gắn kết phụ nữ dân tộc Mường xích lại gần nhau hơn. Trò đánh mảng được tổ chức ở những khoảng sân rộng, bằng phẳng. Đồng mảng là hạt của cây mảng - loại cây sống trên núi cao, hạt có vỏ cứng, màu đen hoặc nâu. Cách chơi ở mỗi vùng đều có một chút khác biệt. Xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) gồm có 9 bước trong 1 hiệp đánh: ném mảng, lăn mảng, bắn đất, trật chân đá, đi đơng, đá chân, đi pỏ, giảng bàn, trật chân kè, đi cặp; còn ở xóm Cả, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) có 7 bước gồm: bắn đất, lăn chân, sang xếu, bước bàn, chò què, nhảy rột và đóng. Người chơi xác định đồng đội của mình bằng cách chèm đồng mảng và sau đó thỏa thuận đội đi trước. Đây là trò chơi đòi hỏi kinh nghiệm, sự nhanh nhẹn và khéo léo của những người phụ nữ. Ví dụ như xác định chính xác vị trí của bia để bắn đồng mảng đổ bia và bay ra ngoài, khéo léo giữ đồng mảng trên mu bàn chân sao cho không bị rơi trong lúc nhảy lò cò và đá chân ra trước, sau...

Đồng chí Bùi Văn Dụng, cán bộ văn hóa xã Lạc Sỹ cho biết: "Trước đây, đánh mảng là trò chơi dành cho phụ nữ, nhưng hiện nay, một số ít đàn ông cũng tham gia chơi. Những dịp lễ, Tết, UBND xã đều tổ chức các giải thể thao, trong đó có đánh mảng. Trong năm có Hội thi đánh mảng chiềng chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 do Hội LHPN phối hợp với Ban Văn hóa xã tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân”.

Ném pao cũng được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết hoặc lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại hai xã Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu). Những quả pao rực rỡ sắc màu tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, là cầu nối gửi gắm tình cảm, gắn kết trai tài, gái sắc đồng bào dân tộc Mông. Quả pao còn là đồ vật để các cô gái đang độ tuổi xuân thì thể hiện tài năng khéo léo, mắt thẩm mỹ và sự chăm chỉ bằng việc tỉ mỉ trang trí quả pao.

Cách chơi ném pao có một chút giống trò ném còn của người dân tộc Mường. Hai đội nam và nữ sẽ đứng đối diện, cách nhau khoảng chừng 4 - 7m. Thành viên của đội này tung pao sang cho đội kia bắt sao cho thật chuẩn xác và khéo léo để pao không bị rơi xuống đất. Hai đội giao ước với nhau bằng số lần ném và bắt trúng quả pao, đội thua sẽ phải thực hiện một điều gì đó do đội thắng quy định. Nếu chàng trai ấn tượng và có cảm tình với cô gái thì sẽ giữ lại quả pao, lấy đó làm cớ tìm gặp, bày tỏ tình cảm. Và ngược lại, họ sẽ nhường quả pao cho người khác bắt hoặc để rơi xuống đất.

Đi cà kheo là trò chơi phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo, giỏi giữ thăng bằng trên không, linh hoạt và mỗi bước đi phải phối hợp nhịp nhàng giữa chân và tay. Để chơi được trò này cần phải có thời gian luyện tập nhất định phụ thuộc vào sự khéo léo của mỗi người. Cà kheo có cấu tạo khá đơn giản, được làm từ những đoạn tre già nhỏ và thẳng; chỗ đặt chân được cố định bằng 2 khấc tre tạo thành bàn đạp cho người đứng lên. Độ cao của bàn đạp tùy vào khả năng của mỗi người. Đua cà kheo có thể thi đấu theo từng cặp hoặc chia thành các đội. Để bắt đầu cuộc đua, người chơi sẽ xếp thành hàng ngang trước vạch xuất phát. Khi có tiếng còi hoặc hiệu lệnh, tất cả đứng trên cà kheo và cùng xuất phát, ai nấy đều cố gắng chạy thật nhanh về đích, người nào ngã thì bị thua.

Đồng chí Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Đà Bắc) cho biết: "Là một xã có 80% dân số là dân tộc Tày. Những năm gần đây, những trò chơi dân gian, trong đó có đi cà kheo ít được tổ chức. Hiện nay, mỗi dịp Tết đến, nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu giao lưu, thi đấu những trò chơi như đá bóng, bóng chuyền, cầu lông... Những cuộc đua cà kheo được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán đầy hào hứng giờ chỉ còn lại trong tiềm thức của thế hệ người trung và cao tuổi”.

Tham gia những trò chơi dân gian truyền thống không chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí mà còn là sân chơi rèn luyện thể lực, trí tuệ. Hơn hết là góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.


Linh Nhật


Các tin khác


Giành tối đa suất tham dự Olympic Paris 2024

Mục tiêu của Thể thao Việt Nam đặt ra là giành từ 12 - 15 suất chính thức Olympic Paris 2024.

Cơ hội để Jannik Sinner soán ngôi số một thế giới của Djokovic

Nếu giành vị trí á quân Roland Garros, Jannik Sinner sẽ vươn lên ngôi số một thế giới của ATP, kể cả khi Novak Djokovic bảo vệ thành công chức vô địch tại Pháp.

Trên 400 vận động viên tham gia giải bóng chuyền hơi công nhân viên chức lao động

Sáng 15/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức giải bóng chuyền hơi công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Olympic Paris 2024 Các vận động viên tăng tốc luyện tập

Thể thao Việt Nam hiện nay có 10 vận động viên (VĐV) giành suất tham dự Olympic Paris 2024 là: Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing). Các VĐV đang dồn sức tập luyện với quyết tâm cao để hy vọng có thành tích cao, song hy vọng có huy chương là không dễ dàng.

Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam giành suất dự giải châu Á

Ngày 14/5, theo thông tin từ Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 16 tay vợt của Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam đang tranh tài tại Giải Vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Malaysia. Với thành tích xuất sắc tại Giải, các tay vợt bóng bàn trẻ Việt Nam đã giành quyền tham dự Giải Vô địch trẻ châu Á 2024.

Lịch thi đấu chính thức Euro 2024

UEFA Euro 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15/6 đến 15/7 tại Đức mùa hè này. Chủ nhà Đức, đương kim vô địch Italy cùng với Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Bỉ là những ứng cử viên vô địch hàng đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục