Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc SEA Games 30.
Theo thông tin từTổng cục Thể dục thể thao, nhằm hoàn thiện các công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam vào năm 2021, ngày 24/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đã có buổi làm việc với các bộ môn của Vụ Thể thao thành tích cao 1 và Vụ Thể thao thành tích cao 2.
Buổi làm việc đã tập trung vào rà soát các nội dung thi đấu của từng môn dự kiến nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games 31. Đại diện 37 môn thể thao được lựa chọn thi đấu ở kỳ Đại hội lần này báo cáo cụ thể về từng nội dung cũng như thế mạnh của từng môn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn nêu rõ ở kỳ SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam sẽ đưa toàn bộ hệ thống môn Olympic vào thi đấu. Ngoài ra, Việt Nam có thể thêm một số môn thể thao truyền thống, thế mạnh vào thi đấu, nhưng con số này là rất ít.
Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn yêu cầu các bộ môn đăng ký và xây dựng các nội dung thi đấu phải nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic, từ đó xây dựng các kế hoạch định hướng, lựa chọn, đào tạo vận động viên cho phù hợp.
Đây sẽ là một kỳ SEA Games đặc biệt, rất khác so với các kỳ Đại hội trước đó và Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong đi đầu trong việc tổ chức SEA Games với số lượng môn thể thao Olympic lớn nhất từ trước đến nay.
Mục đích mà nước chủ nhà SEA Games 31 muốn hướng tới chính là nội dung thi đấu phải bảo đảm hài hòa giữa các đoàn tham dự nhằm tạo sân chơi công bằng, sòng phẳng và để lại hình ảnh đẹp về công tác tổ chức của Việt Nam, đặc biệt tránh hoàn toàn việc lựa chọn các nội dung thế mạnh của nước chủ nhà vào thi đấu để lấy huy chương và loại bỏ những nội dung thế mạnh của các nước. Tất cả sẽ cạnh tranh bình đẳng ở những nội dung nằm trong hệ thống Olympic của từng môn được Ban tổ chức đưa vào.
Theo Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, Quyết định số 1616/QĐ-TTg cũng đã định hướng rõ số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic, ASIAN Games chiếm khoảng 2/3 tổng số môn ởSEA Games 31; các quốc gia trong khu vực có thể đề xuất thêm một số môn khác theo thông lệ... Đây là định hướng đúng đắn, đánh giá xu hướng phát triển của thể thao khu vực cũng như nền tảng của thể thao Việt Nam.
Trên nền định hướng chung này, hiện các nhà chuyên môn của các bộ môn đã xây dựng bản dự thảo cụ thể về nội dung thi đấu cũng như khả năng cạnh tranh huy chương của các vận động viên Việt Nam.
Tiêu chí chung ở nhóm môn Olympic, ASIAN Games phải là những môn cơ bản và những môn đang phát triển rộng rãi ở Đông Nam Á. Những môn truyền thống của thể thao Việt Nam như đá cầu, vovinam cũng được tổ chức, nhằm gìn giữ giá trị của những môn này, đồng thời quảng bá ra toàn khu vực.
Bên cạnh đó, là một số môn truyền thống trong khu vực đang thu hút nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng phát triển, liên tục xuất hiện trong chương trình thi đấu ASIAN Games cũng sẽ được tổ chức.
Theo chia sẻ của ông Trần Đức Phấn, SEA Games 31 sẽ tập trung vào các môn trong chương trình thi đấu củaOlympic, ASIAN Games, trong đó các nội dung của môn bơi, điền kinh, rowing… sẽ được tổ chức đầy đủ.
Cùng với đó, lực lượng vận động viên trẻ, tuyển quốc gia của Việt Nam đang có sự tiến bộ, phát triển rất tốt về chuyên môn và có nhiều cơ hội tranh chấp huy chương vàng.
Chính vì thế, kỳ SEA Games 31 lần này, thể thao Việt Nam tương đối tự tin với các môn thể thao Olympic và đây cũng đi đúng định hướng phát triển củathể thao Việt Nam trong những năm tới.
Để đảm bảo đúng lộ trình và kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 31, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn yêu cầu các bộ môn dựa trên các bản dự thảo dự kiến về nội dung thi đấu ở từng môn cần sớm rà soát chặt chẽ lại lần cuối, tập trung bám sát vào các chủ trương của Ban chỉ đạo và Ban tổ chức yêu cầu, để đưa ra kế hoạch tổ chức phù hợp, từ đó sớm đệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình thi đấu của SEA Games 31.