Tất cả đều biết đến sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản, từ một nền bóng đá kém phát triển thành siêu cường châu Á, thường xuyên nắm giữ tấm vé tới World Cup. Sự kiện đánh dấu bước chuyển mình là sự ra đời của giải chuyên nghiệp J League năm 1993, thay đổi toàn diện hệ thống bóng đá.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, giấc mơ hóa rồng của người Nhật đã đứng trước bờ vực sụp đổ khi cuộc khủng hoảng kinh tế ập đến năm 1997. Người hâm mộ vốn không yêu thích bóng đá lắm dễ dàng từ bỏ trong khi các doanh nghiệp lần lượt rút vốn, đẩy các đội bóng vào cảnh phá sản.
Đó là lúc những người đứng đầu bóng đá Nhật ngồi lại với nhau và đề ra kế hoạch với tầm nhìn 100 năm. Nó bao gồm việc phát triển bóng đá cơ sở, tăng cường sự gắn kết với cộng đồng và hình thành mối quan hệ đối tác, chứ không phụ thuộc, với các doanh nghiệp địa phương. Họ cũng xây dựng nền văn hóa bóng đá, biến những trận đấu thành một lễ hội thực sự.
Giờ thì bóng đá là một trong những môn thể thao hàng đầu ở xứ sở mặt trời mọc, bên cạnh bóng chày và sumo. Nó cũng tự đứng trên đôi chân của mình thay vì dựa dẫm vào nguồn lực từ bên ngoài. Và Nhật hiện sở hữu giải đấu chất lượng số một châu Á, các học viện tốt nhất cùng một đội tuyển đẳng cấp được tạo nên bởi dàn sao chơi bóng ở châu Âu.
Liệu Nhật Bản sẽ tiến bao xa? Rất khó nói trước, nhưng tham vọng của họ là không giới hạn.
Chúng ta vẫn thường nhắc đến câu chuyện tặng giày vào thập niên 1960, khi người Nhật trao cho các cầu thủ Việt Nam đôi giày nhỏ xíu màu xanh lá, tượng trưng cho nền bóng đá của họ lúc đó. Có hai điều đáng lưu ý ở đây. Một, sự khiêm tốn của Nhật Bản. Hai, vị thế nhỏ bé họ tự nhận là so với tham vọng lớn lao của họ, không phải so với chúng ta.
Thời điểm ấy, bất chấp sự phát triển manh mún, Nhật đã hai lần đi đến bán kết Asiad (1951, 1966), tới tứ kết Olympic 1964 trước khi giành Huy chương Đồng 1968. Trong lúc khái niệm World Cup rất xa lạ với đại đa số dân chúng, họ cũng có cơ hội đến với giải đấu lần đầu tiên vào năm 1954 nhưng bỏ lỡ sau hai trận thua Hàn Quốc.
"Ngày khác gặp lại, chúng tôi sẽ tặng đôi lớn hơn”, người Nhật nói. Sau một chặng đường dài, bây giờ Nhật Bản đang đi trên đôi giày khổng lồ. Đẳng cấp vượt trội là điều dễ nhận thấy trong trận đấu ở Mỹ Đình tối thứ Năm (11/11). Còn chúng ta mới bắt đầu bước vào con đường mà người Nhật từng đi.
Đó là một hành trình đầy gian nan và thất bại nhiều hơn chiến thắng. Nhật đã phải chờ 20 năm, ở lần thứ tư tham dự vòng loại World Cup mới có được trận thắng đầu tiên. Họ tiếp tục nỗ lực thêm 24 năm nữa, năm 1998, mới chính thức hiện diện ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh rồi trở thành khách quen của giải đấu.
Có những thời điểm Nhật tiến rất sát tới cánh cửa mơ ước (năm 1994), nhưng bàn thua ở những giây cuối cùng trong trận đấu với Iran khiến hàng triệu con tim ở "xứ sở mặt trời mọc” tan nát. Để tới được thành công, suốt một thời gian dài họ sống trong chu trình xây dựng, thất bại, làm lại và tiếp tục thất bại.
Nếu người Nhật tự hào với tinh thần Nhật Bản, Việt Nam cũng không thua kém với sự kiên cường, bất khuất và không bao giờ bỏ cuộc. Trận đấu với đội tuyển Nhật Bản hùng mạnh đã chứng minh điều đó. Bất chấp việc "đang đi đôi giày nhỏ hơn”, các "chiến binh sao vàng” vẫn chơi bằng thái độ không sợ hãi. Bởi họ dám ước mơ, nỗ lực để hiện thực hóa những tham vọng lớn lao.
Một ngày nào đó chúng ta sẽ thành công. Đó là chắc chắn. Nhưng để con đường ngắn lại, chỉ quyết tâm thôi chưa đủ. Người Nhật đã để lại bài học cho Việt Nam, rằng cần có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn, một mô hình vững chắc để hướng đến tương lai. Đồng thời, kiên trì theo đuổi mục tiêu và không nản lòng trước thất bại.