Vận động viên Trần Thị Thúy Vân thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, năm 2022.
Thời gian qua, những cái tên: Đinh Văn Linh, Bùi Văn Nhất, Bùi Văn Hiếu... không còn xa lạ với người hâm mộ khi gặt hái được nhiều tấm huy chương quý giá cho thể thao tỉnh nhà. Với những tài năng thể thao đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp hoặc có đóng góp tích cực cho thể thao địa phương, mặc dù còn khó khăn, song tỉnh đã có chính sách đãi ngộ phù hợp để động viên, khuyến khích họ nỗ lực tập luyện, thi đấu hết mình, cống hiến tài năng, tạo bứt phá trong phát triển TTTTC. Tuy nhiên, đối với những tài năng thể thao đã hết thời hạn đào tạo mà không giành được thành tích nổi bật, sau khi thanh lý hợp đồng đào tạo, huấn luyện, hướng đi nào phù hợp để họ phát triển vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Đồng chí Nguyễn Nghĩa Hưng, Phó Hiệu trưởng trường Năng khiếu, huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết, trong quá trình huấn luyện, đào tạo, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi để các em được tập huấn, thi đấu nâng cao trình độ, thành tích cá nhân, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đãi ngộ, đảm bảo về đời sống, sinh hoạt, cơ sở vật chất, học văn hóa, chế độ nghỉ ngơi… để các VĐV, học sinh các lớp năng khiếu thể thao yên tâm học tập, tập luyện, cống hết hết mình.
Đinh Thị Như Quỳnh sinh năm 1992, quê ở Tân Lạc thuộc đoàn thể thao tỉnh Bình Dương, hiện là nữ tay đua xe đạp địa hình có phong độ, thành tích thi đấu số một Việt Nam. Qua trao đổi với đồng chí Phó Hiệu trưởng trường Năng khiếu, huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, được biết, khoảng năm 2006, khi Hòa Bình và Hà Nội thực hiện liên kết trong công tác tuyển sinh, huấn luyện, đào tạo phát triển bộ môn xe đạp, Đinh Thị Như Quỳnh là lứa VĐV đầu tiên được tuyển chọn. Trải qua quá trình huấn luyện, đào tạo, Như Quỳnh thi đấu cho đơn vị Hà Nội và chưa từng khoác áo thi đấu của đội xe đạp Hòa Bình. Trong chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vừa qua, cùng với Đinh Thị Như Quỳnh còn có hai cái tên là Bùi Thị Huê, Bùi Thị Quỳnh (đều thuộc đơn vị Bình Dương) cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ, đạt thành tích đáng khích lệ. Thế nhưng ít ai biết rằng đây là 2 tài năng thể thao trưởng thành từ ngôi trường Năng khiếu, huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. Thời điểm năm 2018, cùng với các cua rơ trẻ như: Bùi Văn Nhất, Bùi Văn Hiếu, Đinh Thế Hùng, Đinh Tuấn Đạt, Quách Thị Phương Thanh… thì Bùi Thị Huê cũng được kỳ vọng sẽ mang vinh quang về cho thể thao tỉnh nhà, đồng thời là lứa VĐV tiềm năng kế cận của tỉnh. Sau đó, với thành tích thi đấu chưa khả quan, khi đã hoàn thành chương trình học THPT, Bùi Thị Quỳnh là một trong những VĐV phải thanh lý hợp đồng. Riêng Bùi Thị Huê vẫn khoác áo đội tuyển và thi đấu cho đoàn thể thao Hòa Bình khoảng hơn 1 năm trước khi thanh lý hợp đồng. Cả hai VĐV này đều đã tìm được bến đỗ mới. Với sự đầu tư, định hướng đúng đắn, hiệu quả, phù hợp, Bùi Thị Quỳnh và Bùi Thị Huê đang phát huy tài năng, giữ vững phong độ và thành tích thi đấu.
Hai tay đua nữ khác cũng để lại không ít tiếc nuối cho người hâm mộ thể thao tỉnh nhà là Quách Thị Phương Thanh và Trần Thị Thúy Vân. Đây là hai VĐV từng tranh tài ở các đấu trường thể thao lớn và đem về nhiều tấm huy chương quý giá cho đoàn thể thao Hòa Bình. Thế nhưng gần đây nhất, tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vừa qua, trong cuộc đọ sức giữa các VĐV xuất sắc nhất đến từ các tỉnh, thành, ngành trên cả nước, Quách Thị Phương Thanh và Trần Thị Thúy Vân đã thi đấu không tốt, không giành được huy chương. Hiện nay, hai cua rơ trẻ đều đã thanh lý hợp đồng và không còn khoác áo thi đấu của đội xe đạp địa hình Hòa Bình. Mới đây, tại Giải Xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ XIII, năm 2023 - Cúp Biwase, Quách Thị Phương Thanh là cái tên quen thuộc góp mặt trong danh sách thi đấu của đội hình tuyển gạch - phân bón con voi Bình Dương, cùng với người đồng hương Hòa Bình là Bùi Thị Huê.
Bên cạnh đó cũng có không ít VĐV, học sinh năng khiếu thể thao loay hoay tìm hướng đi mới cho tương lai. Khi gắn bó với thể thao chuyên nghiệp, với đặc thù phải thường xuyên tập luyện, thi đấu, thời gian không ổn định, bởi vậy đã ảnh hưởng đến việc học văn hóa của VĐV. Trên thực tế có nhiều trường hợp sau khi hết thời hạn đào tạo, các VĐV, tài năng thể thao trở về địa phương lựa chọn làm những công việc không liên quan đến chuyên môn về thể thao mà họ từng được huấn luyện.
Linh Nhật