Li Na tự hào với chiếc cúp Roland Garros 2011.

Li Na tự hào với chiếc cúp Roland Garros 2011.

Khi La Na tung quả banh nỉ lên trời để giao bóng trước match-point trong trận chung kết đơn nữ Roland Garros, một tiếng la từ một khán giả trên khán đài sân Philippe Chatrier đã… xé toang sự im lặng đáng sợ. Bị xao lãng một cách bất ngờ, Li Na đã không thể giao bóng trong tình huống đó, cô để bóng rơi xuống đất. Thế là, có rất nhiều lời động viên bằng tiếng Trung Quốc vọng ra từ trên khán đài: “Jia you” (tạm dịch là: “Tiến lên!”). Những ngôn ngữ động viên trong quần vợt sau nhiều năm quay đi quẩn lại với những từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, giờ đây, đã có thêm những từ bằng tiếng… Trung Quốc!

  • Trận thắng thuyết phục của Li Na

Li Na đã trở thành tay vợt Trung Quốc đầu tiên (tính cả nam lẫn nữ) đăng quang một danh hiệu Grand Slam khi đánh bại nhà ĐKVĐ người Italia Francesca Schiavone một cách thuyết phục với điểm số 6/4, 7/6 (7-0).

Li Na đã đăng quang một cách xứng đáng, không phải chỉ vì cô đã đánh bại những tay vợt khét tiếng thuộc Top 10 thế giới như Petra Kvitova (CH Séc, hạng 9 WTA), Victoria Azarenka (Belarus, hạng 4 WTA), Maria Sharapova (Nga, hạng 7 WTA) trước khi đánh bại tay vợt hạng 5 WTA là Schiavone - nghĩa là Li Na đã tạo ra 4 trận thắng liên tiếp trước các tay vợt thuộc Top 10 - mà còn vì cô luôn chơi tấn công chủ động trong cả trận chung kết, liên tục đẩy Schiavone “già giơ” vào thế phòng ngự bị động, khiến cô gái người Italia chỉ kịp phản ứng vào cuối ván đấu thứ 2.

Tổng cộng, Li Na đã tạo ra được 31 cú đánh thắng điểm trực tiếp, trong khi Schiavone chỉ tạo ra được 12 cú, cô gái đến từ châu Á cũng đã giành được 9 điểm liên tục cuối cùng và kiểm soát cả trận đấu.

Li Na tự hào với chiếc cúp Roland Garros 2011.

Với chiến thắng oanh liệt này, Li Na sẽ leo lên vị trí thứ 4 trên bảng điểm xếp hạng (cô xếp hạng 6 WTA trước khi Roland Garros 2011 khởi tranh) khi WTA công bố kết quả cập nhật vào hôm nay.

Li Na - cô gái của… “những lần đầu tiên”: người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên lọt vào Top 10 thế giới, người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên lọt vào một trận chung kết Grand Slam và giờ đây, cô là người phụ nữ đầu tiên đến từ quốc gia có đến hơn 1 tỷ dân giành được một danh hiệu Grand Slam đình đám - Li Na cho biết với giọng điệu đầy tự hào: “Quần vợt Trung Quốc chúng tôi đang càng lúc càng to lớn hơn”.

Nhớ lại trận chung kết Australian Open 2011 thua Kim Clijsters, Li Na thú nhận: “Lúc đó tôi chẳng có chút kinh nghiệm gì. Lúc đó, khi bước vào trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, tôi đã rất lo sợ. Còn đối với trận chung kết lần thứ 2 này, tôi đã có những trải nghiệm cần thiết. Tôi biết mình cần phải làm gì và như thế nào. Và tôi cũng đã có tự tin hơn rất nhiều…”.

Nhiều người cho rằng lối chơi của Li Na - được xây dựng trên những cú thuận tay và trái tay tầm thấp - không hề thích hợp trên mặt sân đất nện, mà chỉ thích hợp khi được thi triển trên mặt sân cứng. Thực tế cũng đã nhiều lần chứng minh, Li Na không phải là tay vợt mạnh trên mặt sân này.

Ở Roland Garros hồi năm ngoái, cô gái đến từ châu Á này đã bị loại ngay ở vòng 3. Và cho đến khi giương cao chiếc cúp Suzanne Lenglen trên sân trung tâm Philippe Chattrier, Li Na chưa hề thắng một giải đấu nào trên mặt sân đất nện. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn đảo lộn ở Roland Garros 2011.

Li Na đã thắng hàng loạt trận đấu đầy thuyết phục, đánh cho Sharapova (ứng cử viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch đơn nữ) “lên bờ xuống ruộng” trước lúc liên tục kiểm soát trận đấu chung kết khi đối mặt với Schiavone, khắc chế lối đánh bóng xoáy của cô này, liên tục dẫn điểm cho đến tận rơ đấu thứ 8 của ván đấu thứ 2. Chính Schiavone thừa nhận Li Na đã di chuyển tốt hơn ở đây…

  • Cả Trung Quốc và toàn thể châu Á lên cơn sốt

Ở Trung Quốc, quần vợt là một môn thể thao rất phát triển. Nhưng xét cho cùng, nó vẫn phải nhường chỗ cho nhiều môn thể thao khác, như bóng đá (môn này quá phổ cập), bóng rổ (dưới cái bóng của siêu sao Yao Ming), điền kinh (dưới cái bóng của siêu sao Liu Xiang), bóng bàn (đương nhiên, vì bóng bàn Trung Quốc đang thống trị thế giới)… Tuy nhiên, chiến thắng của Li Na có thể sẽ tạo ra một bộ mặt khác và trước mắt, nó đang tạo ra một lễ hội thật sự ở đất nước Trung Quốc.

Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV liên tục phát dòng chữ: “Li Na, chúng tôi yêu bạn” trong suốt các chương trình khác nhau, còn phát thanh viên Tong Kexin thì thông báo: “Chiến công này để lại một ấn tượng rất sâu sắc trên toàn thế giới. Ở CLB quần vợt Green Bank (nằm phía Bắc của thành phố Bắc Kinh), nhiều CĐV đã tập trung ăn thịt nướng, uống bia và xem trận chung kết qua màn hình ti vi lớn. Tất cả đã hò hét, ca hát, vẫy cờ khi Li Na đăng quang.

Chính tờ nhật báo Nhân Dân của Trung Quốc cũng đã bỏ qua thói quen đăng tải những bài viết chính trị hay xã luận thường ngày, mà thay vào đó, tờ báo này đã phản ứng với tình hình rất nhanh nhạy khi đưa hình ảnh Li Na đang hôn chiếc cúp vô địch Roland Garros 2011 ra trang bìa cùng với dòng tít ấn tượng: “Li Na leo lên đỉnh cao của Grand Slam”.

Còn theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Olympic Trung Quốc và hàng loạt cơ quan thể thao khác đã thể hiện “sự chúc mừng một cách chân thành” khi gửi một lá thư chung đến Trung tâm quản lý thể thao trực thuộc Chính phủ Trung Quốc. Nội dung lá thư có đoạn viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến thắng này sẽ khuyến khích và truyền cảm hứng cho các VĐV Trung Quốc tham gia các môn thể thao khác, những người hiện đang trải qua vô vàn khó khăn, nhọc nhằn. Chiến thắng của Li Na sẽ khiến họ tăng cường sự tự tin và hướng đến việc tạo ra màn trình diễn xuất sắc nhất ở Thế vận hội mùa hè Luân Đôn 2012”.

Không chỉ ở Trung Quốc, hiệu ứng chiến thắng Grand Slam của Li Na đã lan ra toàn châu Á. Ở Đài Loan, nhật báo Thống Nhất đăng tải hình ảnh cô gái Trung Quốc nổi tiếng ra trang nhất với dòng chữ chạy trên đầu trang: “Ở giải đơn nữ French Open, Li Na đã đội lên đầu chiếc vương miện của Nữ hoàng”.

Trong khi đó, tờ China Times của Đài Loan cũng chạy dòng tít: “Người châu Á đầu tiên! Li Na đội vương miện Nữ hoàng ở French Open”.

Ở Nhật Bản, tờ Yomiuri cũng vinh danh Li Na bằng tấm hình cô tươi cười cầm chiếc cúp trên tay, trong khi tờ Asahi giật tít: “Chiếc cúp Grand Slam đầu tiên đến từ châu Á”. Ở Hồng Kông, người ta vẫn dành thời gian ăn mừng dù rằng trận đấu diễn ra trùng với ngày kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn.

Ở Singapore, tạp chí khổ nhỏ New Paper chạy dòng tít: “Cuối cùng, một nhà vô địch Grand Slam cũng đã đến từ châu Á”. Ở Việt Nam, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zing, chiến thắng của Li Na cũng đươc hoan nghênh nhiệt liệt. 

 

                                                                                         Theo SGGP

Các tin khác


Giành tối đa suất tham dự Olympic Paris 2024

Mục tiêu của Thể thao Việt Nam đặt ra là giành từ 12 - 15 suất chính thức Olympic Paris 2024.

Cơ hội để Jannik Sinner soán ngôi số một thế giới của Djokovic

Nếu giành vị trí á quân Roland Garros, Jannik Sinner sẽ vươn lên ngôi số một thế giới của ATP, kể cả khi Novak Djokovic bảo vệ thành công chức vô địch tại Pháp.

Trên 400 vận động viên tham gia giải bóng chuyền hơi công nhân viên chức lao động

Sáng 15/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức giải bóng chuyền hơi công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Olympic Paris 2024 Các vận động viên tăng tốc luyện tập

Thể thao Việt Nam hiện nay có 10 vận động viên (VĐV) giành suất tham dự Olympic Paris 2024 là: Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing). Các VĐV đang dồn sức tập luyện với quyết tâm cao để hy vọng có thành tích cao, song hy vọng có huy chương là không dễ dàng.

Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam giành suất dự giải châu Á

Ngày 14/5, theo thông tin từ Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 16 tay vợt của Đội tuyển Bóng bàn trẻ Việt Nam đang tranh tài tại Giải Vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Malaysia. Với thành tích xuất sắc tại Giải, các tay vợt bóng bàn trẻ Việt Nam đã giành quyền tham dự Giải Vô địch trẻ châu Á 2024.

Lịch thi đấu chính thức Euro 2024

UEFA Euro 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15/6 đến 15/7 tại Đức mùa hè này. Chủ nhà Đức, đương kim vô địch Italy cùng với Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Bỉ là những ứng cử viên vô địch hàng đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục