(HBĐT) - Mâm cỗ lá - ẩm thực đặc sắc nhất mang hương vị núi rừng Hòa Bình được xem là nét văn hóa ẩm thực sơ khai của người Mường được lưu giữ đến nay.
Đặc sắc mâm cỗ lá
Để có mâm cỗ lá ngon trước tiên phải từ nguyên liệu. Nguyên liệu mâm cỗ phổ biến nhất là lợn bản địa, còn được gọi là lợn lửng, trọng lượng tầm 15 - 30 kg. Loại lợn này thường được nuôi thả trên rừng hoặc nuôi bán thả rông, quanh năm ăn lá rau, ngô, sắn nên thịt săn chắc, ít mỡ, vị thơm ngọt tự nhiên. Lá dùng để xếp cỗ là lá chuối rừng đã hơ qua lửa cho dẻo và có mùi thơm ngai ngái đặc trưng, biểu tượng cho sự gắn bó của cư dân với núi rừng.
Du khách về dự Tuần lễ văn hóa du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 thưởng thức đặc sản rượu cần làm từ men lá
Mâm cỗ lá hiện nay không đơn điệu chỉ có món luộc mà sinh động, cầu kỳ, bày trí bắt mắt hơn, bổ sung thêm món nướng, chả lá bưởi và các món ăn phụ trợ như bát canh loóng. Món xôi trắng dẻo thơm được gói vuông vức trong tàu lá chuối, biểu trưng cho tinh hoa của đất và rừng. Cùng với đó là muối hạt dổi. Hạt dổi nướng trên than hồng giã nát, trộn với muối rang trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cỗ Mường, làm hương vị mâm cỗ thêm đậm đà.
Ông Bùi Văn Khẩn ở bản Mường Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Với mâm cỗ lá ngày Tết, các gia đình cúng dâng trời đất, tổ tiên cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, no đủ. Mâm cỗ lá mang nét tinh tế, giá trị văn hóa tiểu biểu thể hiện tính cộng đồng, nề nếp gia đình, đồng thời chứa đựng cả ân tình của người Mường Hòa Bình trong tương quan với đất trời, rừng núi.
Nức tiếng đặc sản rượu cần
Truyền thuyết kể rằng, rượu cần của người Mường ra đời từ bàn tay khéo léo, trí tuệ và sự đức hạnh của người con gái Mường. Uống rượu cần người Mường là uống sữa mẹ thiên nhiên và uống cái tình người nồng ấm.
Theo chia sẻ của bà Bùi Thị Cùi, nghệ nhân nổi tiếng với nghề nấu rượu cần đặc sản Mường Vang (Lạc Sơn) thì bí quyết để có vò rượu cần ngon nằm ở men rượu. Men rượu cũng giống như linh hồn của vò rượu, bà thường dùng men lá được chế biến từ lá cây trên rừng. Có nó, người Mường làm ra được thứ rượu ngọt ngào, có lợi cho sức khỏe và có giá trị tinh thần, văn hóa cộng đồng sâu sắc. Quy trình làm rượu khá công phu, gạo nếp được ngâm qua một đêm để mềm, trấu rửa sạch, phơi khô, sau đó trộn đều gạo, trấu cho vào đồ, đồ chín cho ra để nguội và trộn men vào, tiếp tục ủ một đêm để men rượu ngấm hết vào cơm, trấu.
Yếu tố quyết định rượu ngon tiếp theo thuộc về người làm ra nó. Cũng theo nghệ nhân Bùi Thị Cùi, người trộn men phải làm cho thật đều, ngấm vào từng hạt cơm, hạt trấu, có thế rượu mới dùng được lâu. Mặt khác, nhiệt độ phải vừa đủ ấm để đảm bảo lên men được, nếu không toàn bộ các công đoạn trước coi như bỏ đi hết, cố làm tiếp thì rượu cũng chua, nhạt, không dùng được. Khi rượu lên men thành công cho vào vò ủ rượu chờ đến lúc uống được. Vò ủ phải được đậy kín để tránh không khí làm hỏng rượu. Vào mùa nóng khoảng 20 ngày là chất rượu đã ngọt, còn mùa lạnh nên để qua 1 tháng mới dùng.
Rượu cần ngày nay được được sử dụng rộng rãi trong các sinh hoạt cộng đồng, mừng nhà mới, đám cưới, tiếp khách hay các lễ nghi tín ngưỡng. Đặc biệt trở thành món quà mang lại cảm giác đầm ấm, vui vẻ cho mọi cuộc vui. Rượu cần đã trở thành thương hiệu xuất xứ Hòa Bình, xuất hiện một số cơ sở, làng nghề sản xuất rượu cần phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách hàng khắp vùng miền trong cả nước.
Bên cạnh mâm cỗ lá, vò rượu cần là những ẩm thực đặc sắc nhất xứ Mường, những món ẩm thực mang hương vị núi rừng, dân dã khác của người Mường Hòa Bình cũng được thực khách khen ngợi, như món rau đồ với nguyên liệu rau đủ đủ, cải mèo, lá lốt, cải đồng hay món măng chua nấu thịt gà, thịt trâu lá lồm... Về xứ Mường Hòa Bình, thưởng thức mâm cỗ Mường, vui say trong men rượu cần vào những dịp lễ, Tết mới cảm nhận hết ý nghĩa, hương vị ẩm thực độc đáo trong cuộc sống người Mường.
Bùi Minh
(HBĐT) - Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TD ĐKXDĐSVH) đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên không khí thi đua sôi nổi ở khắp các địa phương.
Những nghệ sĩ lớn đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, từng đi qua những chặng đường gian khó nhất của đất nước - họ càng thấm thía hơn ý nghĩa của hạnh phúc ngày hôm nay. Và dù ở bất cứ lĩnh vực nào, họ vẫn không ngừng lao động, cống hiến với một tâm thế, con người phải luôn vận động và chuyển mình. Nhân dịp đầu Xuân mới, chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, họ đã có chút trải lòng hồi tưởng cùng chúng tôi…
Tối 2-2, chương trình nghệ thuật "Mùa xuân dâng Đảng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đêm 31-1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đề nghị tạm dừng tất cả các lễ hội chưa khai mạc.
(HBĐT) - Trong 3 ngày (từ 30/1-1/2, tức 6-8 tháng Giêng âm lịch), huyện Tân Lạc đã tổ chức lễ hội Khai hạ Mường Bi 2020. Dự lễ hội vào sáng 1/2 tại sân vận động xã Phong Phú, huyện Tân Lạc có đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, diện cấp ủy, chính quyền một số huyện, thành phố trong tỉnh và một số huyện của các tỉnh bạn như Bá Thước- Thanh Hóa; huyện Mường Ảng, Điện Biên tỉnh Điện Biên; huyện Sơn Động, Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang; huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ; huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định… và đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.