(HBĐT) - Văn hóa Hòa Bình (VHHB) là nền văn hóa thời đại đồ đá, được nhà khảo cổ học nữ người Pháp Madeleine Colani phát hiện và đặt tên từ những di tích hang động tìm thấy trong vùng núi đá vôi tỉnh Hòa Bình. Về phân bố, VHHB không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà phân bố rất rộng ở Đông Nam Á lục địa, kéo dài từ Nam Trung Quốc đến đảo Sumatra (Indonesia), Miến Điện và Philippines. Ở Việt Nam, VHHB phân bố phần lớn ở tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, chiếm trên 80% tổng số di tích của văn hóa này. Phần còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh: Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị…


Tu bổ, mô phỏng đời sống của người nguyên thủy tại hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn).

Đặc điểm phân bố của người nguyên thủy thuộc văn hóa Hòa Bình

Tại sao vùng núi đá vôi Hòa Bình, Thanh Hóa lại tập trung cao các di tích VHHB như vậy? Xuất phát từ cảnh quan địa lý, hai vùng đất này có địa lý ổn định và thống nhất, là khu đệm giữa 3 vùng địa lý, tự nhiên phía Bắc, phía Tây, phía Nam. Với tính chất là khu đệm nên điều kiện tự nhiên ở Hòa Bình, Thanh Hóa đa dạng và phức tạp, sinh vật nơi đây hết sức phong phú, hội tụ đủ các giống loài từ Bắc xuống hay từ Nam lên, nên rất phong phú về lương thực.

Đa số di tích VHHB ở Việt Nam nói chung, Hòa Bình nói riêng thuộc loại hình hang động và mái đá, phân bố thành từng nhóm hay cụm di chỉ, mỗi nhóm/cụm có từ 3 đến hàng chục địa điểm phân bố liền khoảnh, chiếm cứ một vùng thung lũng, quanh nơi ở có lối đi xuyên nhau và thường gần dòng suối. Trong mỗi cụm dân cư sẽ có một di chỉ lớn (có tầng văn hóa dày hơn, niên đại cổ hơn so với các di tích khác gần đó). Như vậy, di chỉ đó sẽ là địa điểm đầu tiên mà nhiều nghìn năm trước đã có các thế hệ người nguyên thủy các lớp đến ở, các di chỉ có niên đại muộn hơn là đến sau, hoặc được tách ra từ di chỉ lớn để tạo thành cụm. Điều này đã có một số nhà khoa học cho rằng phải chăng là một thứ "làng xã” cổ sơ của VHHB.

Trong những thung lũng có người nguyên thủy giai đoạn VHHB sinh sống thường có nhiều suối nhỏ đổ vào suối cái hoặc sông nhỏ. Sông suối thường uốn lượn trong lòng thung lũng, nước chảy xuyên thung giúp cho người nguyên thủy nguồn nước uống, nguồn thức ăn từ động vật thủy sinh và nguồn đá cuội để làm công cụ. Bãi bồi chân núi là rừng cây bụi, tranh, nứa… là nơi trú ngụ của các loài thú nhỏ, tầng trên cây cối um tùm, rậm rạp là nơi sinh sống của động vật lớn nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái phồn tạp có thể phục vụ cho việc săn bắt, hái lượm theo phổ rộng của người nguyên thủy VHHB.

Các hang động, mái đá thuộc VHHB đa số có độ cao trung bình 15 - 20 m so với mặt thung lũng chiếm đến 60%. Không gian cư trú của người Hòa Bình ở mỗi di tích có khác nhau. Có hang chỉ rộng 10 m2, có hang rộng tới hàng nghìn m2, những hang động, mái đá có diện tích từ 50 - 150 m2 chiếm đa số; các hang động, mái đá này luôn tiếp nhận được ánh sáng và nhiệt của mặt trời vào buổi sáng, có đến trên 90% hang động, mái đá tránh được gió lạnh thổi theo hướng Đông Bắc tới.

Vài nét phác thảo về cuộc sống của cư dân văn hóa Hòa Bình

Các nhà khảo cổ học thế giới và Việt Nam đã khảo sát, nghiên cứu hàng trăm địa điểm di tích VHHB tại tỉnh Hòa Bình và nhiều tỉnh khác trên cả nước. Từ các tư liệu để lại, chúng ta mường tượng một bức tranh về các cư dân VHHB cách chúng ta ngày nay từ 20.000 - 7.500 năm. Họ chọn các hang động/mái đá dưới chân dãy núi đá vôi, chọn những khu vực có nhiều hang tạo thành cụm để cùng nhau sinh sống. Nơi ở thường có hướng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, nếu cửa hang quay hướng Đông Bắc, Bắc thì thường trước cửa hang có các tảng đá lớn, cây lớn che chắn gió lùa. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đánh giá rất cao vị trí cư trú của cư dân VHHB, những nơi chiếm cư của người VHHB là nơi tiền đề nảy sinh nông nghiệp, cái nôi của cách mạng mới, là bàn đạp để tiến xuống đồng bằng xây dựng nền văn minh.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, chuyên gia nghiên cứu về VHHB cho rằng, mỗi di chỉ có khoảng 5 - 20 người sinh sống. Như vậy, một nhóm người ở một khu vực có thể lên đến vài chục hoặc hàng trăm người nguyên thủy.

Dựa vào tư liệu khảo cổ học, săn bắn, hái lượm là phương thức tìm kiếm thức ăn chủ đạo của các tập đoàn người VHHB. Hoạt động săn bắn, hái lượm chủ yếu diễn ra trong các thung lũng, những dấu tích săn bắn, hái lượm hiện còn lưu giữ trong tầng văn hóa các di chỉ. Thống kê từ các cuộc thám sát, khai quật cho thấy, cư dân thời này săn bắt, hái lượm rất nhiều loài động vật và quả. Động vật phổ biến là vượn, các loài khỉ, nhím, sóc, chuột, tê giác, các loài lợn, nai, hoẵng, hươu, cheo cheo, trâu rừng, bò rừng, dê núi, gấu, chó, chồn lửng, hổ, mèo…

Tại các di tích về VHHB đã được khai quật, trừ một số động vật nhỏ như nhím, dơi, các loài chuột... hiện chưa gặp di cốt đầy đủ của loài động vật lớn nào. Dấu hỏi khác được đặt ra, phải chăng người nguyên thủy giai đoạn VHHB đã ăn hết số thịt của động vật lớn từ ngoài hang động, ngay tại nơi hạ sát con mồi, hay họ đã biết phân phối sản phẩm do săn bắt đem lại bằng cách phân chia số thịt động vật lớn cho "hàng xóm” tụ cư ở các hang động/mái đá khác? Và người thợ săn chỉ đem về nơi cư trú của mình một phần nào đó cho các thân nhân của mình. Có thể có giả thiết khác, khi tiến hành săn một con thú lớn có sức phản kháng mạnh như tê giác, hổ, gấu, trâu, bò rừng… cần phải huy động nhiều người khỏe ở các hang khác nhau, khi đã săn được thì họ chia nhau và những người được chia đó đem phần của mình về cho người thân.

Một hoạt động không kém phần quan trọng cho sự tồn tại của cá nhân và cộng đồng là hoạt động hái lượm của cư dân VHHB, đối tượng hái lượm khá phong phú, bao gồm các loài động vật nhỏ, trứng các loài, nấm, hoa quả, rau củ, đặc biệt là động vật thân mềm. Trong các hang động VHHB thường thấy chất dầy vỏ các loài trai ốc các loại, ốc vặn dài, ốc núi, ốc núi miệng tròn, ốc núi miệng hẹp, ốc núi thân dài, các loại trai, bên cạnh đó còn gặp các loài khác như cua, xương cá, mai rùa, ba ba… Đó là tàn tích sau bữa ăn bỏ lại của người nguyên thủy ở giai đoạn này.

Một loại thức ăn nữa cho người nguyên thủy VHHB bên cạnh hoa quả tự nhiên, nhiều loài cây có bột như cây búng báng, củ mài, các loại củ khác, rau rất sẵn trong vùng núi nước ta, chắc chắn đây cũng là một nguồn lương thực thường xuyên thu hái về ăn hàng ngày.

Về công cụ lao động, người VHHB sử dụng gậy gộc là gỗ, tre trong tự nhiên, đá cuội làm công cụ chính trong săn bắt, hái lượm. Khi chọn lựa các địa điểm để sinh sống, ngoài việc có đủ các điều kiện tự nhiên như nơi ở, sông suối…, người VHHB đặc biệt chú ý đến nơi có nguồn nguyên liệu đá cuội, đá vôi để chế tác công cụ, dòng suối, khe núi, hay các hạch đá chính. Công cụ lao động VHHB phát triển qua các giai đoạn. Ở giai đoạn sớm mang tính tự nhiên, người nguyên thủy nhặt được viên đá cuội nào trong tự nhiên phù hợp với công năng sử dụng là họ cứ thế dùng; giai đoạn sau họ biết ghè, đập, cưa, chặt đá để tạo cạnh, lưỡi sắc hơn, năng suất lao động cao hơn; giai đoạn hậu kỳ công cụ đã biết sử dụng kỹ thuật mài, khoan, cưa, bổ đá... Về kỹ thuật mài, ban đầu là mài lưỡi đến mài toàn thân.

Người chế tác công cụ không chỉ là đàn ông, kết quả của khảo cổ học đã chứng minh người phụ nữ là lao động chính để chế tác các công cụ, đàn ông lo việc săn bắt nên ít có thời gian để làm việc này. Người phụ nữ ngoài việc săn bắt thú nhỏ, động vật thân mềm, rau, củ, quả, việc tuy đơn giản, nhẹ nhàng hơn nam giới nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao, ngoài ra họ còn phải lo sinh đẻ, nuôi con, giữ lửa, chế biến đồ ăn, chế tác công cụ, tích trữ lương thực… Vai trò của phụ nữ dần trở nên quan trọng, không thể thiếu được trong mỗi hang động của tập đoàn người nguyên thủy.

Còn rất nhiều lĩnh vực khác của VHHB cần phải được tiếp tục nghiên cứu như quan hệ gia đình, huyết thống, đời sống xã hội nguyên thủy, vai trò, các hình thức nông nghiệp sơ khai… Song, 90 năm nghiên cứu về VHHB đến nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời, để có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh về xã hội nguyên thủy giai đoạn VHHB.

Nghiên cứu VHHB không phải để nghiên cứu văn hóa cho tỉnh Hòa Bình mà nghiên cứu về một giai đoạn tiến hóa của loài người từ nguyên thủy hang động trở thành người hiện đại. Như vậy, tầm cỡ của VHHB là tầm cỡ nhân loại, tầm cỡ quốc tế. Hiểu đúng về VHHB chúng ta sẽ làm đúng và quan tâm đúng tầm, trước tiên hãy làm điều đó ở nơi 90 năm trước nhà khảo cổ học M.Colani ở tận trời Âu hoa lệ sang đây nghiên cứu và đặt tên cho nền văn hóa này.


Lê Quốc Khánh

(Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)


Các tin khác


Làng gốm Bát Tràng - điểm du lịch hút khách

(HBĐT) - 4 lần đến với làng gốm sứ Bát Tràng vào 4 mùa xuân, hạ, thu, đông đều để lại trong tôi những ấn tượng khác biệt. Bởi đến với làng gốm sứ Bát Tràng, du khách không chỉ thăm quan chợ gốm, trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân, mà còn có dịp khám phá nhiều công trình kiến trúc từ cổ đến kim độc đáo, hấp dẫn, được đầu tư, tôn tạo, phát triển thành những sản phẩm du lịch.

Giá trị ngôn ngữ văn học của mo Mường

(HBĐT) - Một trong những giá trị văn học to lớn của mo Mường là giá trị ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một trong những vấn đề cơ bản nhất của mo Mường. Giống như viên gạch là đơn vị cấu thành nên những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ, ngôn ngữ là chất liệu cấu thành nên những tác phẩm văn học nói chung, trong đó có mo Mường nói riêng.

Nơi ghi dấu chiến công anh hùng Cù Chính Lan

(HBĐT) - Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Song tên tuổi, những chiến công hiển hách của anh lại gắn liền với tỉnh miền núi Hòa Bình. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, anh Cù Chính Lan khi đó mới 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn, tình nguyện lên đường đánh giặc.

Trải nghiệm chợ đêm giao lưu văn hoá dân tộc Mông độc đáo

(HBĐT) - Nếu có dịp thăm quan, du lịch tại các điểm đến của huyện vùng cao Mai Châu, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm chợ đêm giao lưu văn hoá dân tộc Mông. Sản phẩm du lịch này vừa được đưa vào hoạt động, định kỳ họp từ 18 - 24h các tối thứ Bảy hằng tuần ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò.

Cuộc thi "Tiếng hát măng non" huyện Kim Bôi năm 2022

(HBĐT) - Hội đồng Đội huyện Kim vừa phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện tổ chức chung kết cuộc thi "Tiếng hát măng non” năm 2022 chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Kim Bôi lần thứ XXI và chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục