(HBĐT) - Được nhận cuốn sách "Nẻo cũ về nguồn”(Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà thơ Đinh Đăng Lượng (hội viên Hội nhà văn Việt Nam) cùng những lời đề tặng thân tình, mà thấy vui, cảm phục. Ở tầm tuổi này, mà thi nhân vẫn đi, vẫn miệt mài viết, trải lòng mình với cuộc đời, với nhân tình thế thái và cuộc sống sôi động hôm nay. Sức lao động sáng tạo nghệ thuật của ông thật bền bỉ: 10 tập sách văn, thơ; riêng về ký, tản văn, ghi chép thì đây là tập thứ 3, sau các cuốn: "Vùng đất phía đỉnh đầu”, "Theo cánh ong bay”… Trong đó, có nhiều cuốn đoạt các giải cao trong các cuộc thi của TW và tỉnh Hòa Bình…
Tập ký, tản văn "Nẻo cũ về nguồn" của nhà thơ Đinh Đăng Lượng.
Một nhà thơ thành danh với nhiều bài thơ, giải thưởng lớn sẽ có rất nhiều lợi thế khi "lấn sân” sang mảng viết ký, tản văn bởi sự lựa chọn câu từ, ý tứ. Nhất là các đoạn "trữ tình ngoại đề” sẽ là một lợi thế lớn để các bài viết tạo nên dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nhưng với nhà thơ Đinh Đăng Lượng vẫn chọn lối viết giản dị, chân chất vốn có với cách cảm, cách nghĩ của người con đất Mường trước các vấn đề của cuộc sống, thời cuộc mà không hề lên gân, gắng gượng trong giọng điệu. Hơn 100 trang viết với 16 bài ký, tản văn, tác giả dẫn dắt người đọc tới những miền ký ức, xen lẫn hiện tại của tác giả về các miền quê hương Hòa Bình và các vùng miền đất nước mà ông đã gặp gỡ, trải nghiệm trong hành trình đi, viết của mình. Bắt gặp ở trong các tác phẩm của ông miền quê xứ Nẫu (Phú Yên, Bình Định) trong "Về lại xứ Nẫu”, một Kinh Bắc, một lồng lộng thi nhân Hoàng Cầm trong ký ức của "Tản mạn bên bờ nam sông Đuống” với những kỷ niệm văn chương ở đất này; một chuyến "Ấn tượng Côn Đảo” vẫn là nỗi đau đáu về một hòn đảo từng là "địa ngục giữa trùng khơi” với những cảm nhận, gắn bó của người Hòa Bình và người Hòa Bình (cụ Tổng Kiêm - Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm-Đốc Bang năm 1909-1910)…Với nhiều chi tiết, tư liệu đắt giá… chứng tỏ người viết không chỉ đến nhìn, ngắm, đánh giá và cảm nhận mà còn dày công tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm. Vì thế, các tầng, nấc trong các bài viết luôn đầy đặn số liệu, những con người, các sự việc…Đọc các bài viết này, nhiều người lại muốn lên đường, để được khám phá, trải nghiệm.
Cảm hứng về đất và người Hòa Bình, cảm hứng về lịch sử phát triển của đất Mường Hòa Bình được thể hiện xuyên suốt qua các bài viết của ông. Phải thấm đẫm ký ức tuổi thơ, ký ức của chính mình với những buồn vui và gắn bó với mỗi thay đổi, sự thăng trầm của quê hương mới có thể có lối viết nhẹ nhàng, dung dị mà đầy cảm xúc trong "Đò ngang quê tôi”. Những tích xưa, chuyện cũ bên những chuyến đò ngang, qua thời gian vẫn sống đẹp, tươi nguyên trong ký ức mỗi người và quan trọng hơn là mối giao hòa của con người với thiên nhiên với dòng sông quê hương, là cái tình gắn bó con người và con người đôi bờ.
Trong mỗi bài viết, dù không bộc lộ thái quá cái tình của mình đối với mỗi vùng đất, con người, nhưng những gì mà tác giả đề cập, khơi gợi đều ẩn chứa góc nhìn tâm huyết, sự gửi gắm và kỳ vọng cao cả cho những điều tốt đẹp sắp đến. Cái nhìn, góc nhìn được soi rọi không chỉ bằng hiện tại, mà có cả sự chiêm nghiệm của quá khứ và kỳ vọng của tương lai như trong bài " Ngày xuân thành phố mới”, "Khát vọng phát triển”, "Tản mạn từ một chuyến đi”, "Ký ức vùng hồ sông Đà”… Chắc chắn nhiều bạn đọc thích thú đoạn tác giả kể lại chuyến đi lên vùng Hào Tráng (cũ) của huyện Đà Bắc vào năm 1962 (khi mới 15 tuổi) trong "Ký ức vùng hồ sông Đà”: "Đó là lần đầu tôi mục sở thị Thác Bờ. Là mùa khô nên không có tiếng thác réo, chỉ thấy nhấp nhô đá to, đá nhỏ đang trầm tư ngồi ngẫm ngợi”. Đi qua những câu chuyện bươn chải lên ngược sông Đà (gắn với công việc của kỹ sư nhà máy giấy Kỳ Sơn-cũ); gặp gỡ bao con người vùng đất ven bờ sông Đà nơi thượng nguồn… Câu chuyện của quá khứ, của công việc từng làm để rồi mở ra một không gian mới cho vùng lòng hồ: "Một vùng "biển hồ trên núi”sau nửa thế kỷ thưa vắng sẽ tấp nập tàu thuyền và con người trở lại đông đúc hơn trước để làm giàu trên vùng đất - nước hào phóng thơ mộng và rất nhiều trầm tích văn hóa của Tổ quốc”. Nếu không ngược dốc và đẫm mình trong sương sớm, được thấy ánh mắt, nụ cười người miền cao Ngổ Luông - Tân Lạc, khó có bài ký "Nẻo cũ về nguồn” chân thật và nghĩa tình như vậy…16 tác phẩm cũng là 16 ký ức đẹp về mỗi con người, vùng đất đã qua; có chuyện riêng - chuyện chung cùng bao gửi gắm của tác giả cho hành trình phát triển sắp tới của tỉnh nhà, của đất nước./.
Bùi Huy
(HBĐT) - Ngày 24/11, Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Binh tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết về Vườn quốc gia Cúc Phương nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (1962-2022).
(HBĐT) - Tại hội thảo khoa học 90 năm nền
"Văn hóa Hòa Bình”, Ban tổ chức đã nhận được trên 20 tham luận của các nhà
khoa học trong và ngoài nước, chính quyền địa phương có di tích nền Văn hóa Hòa
Bình bằng văn bản và trình bày tại hội thảo. Nội dung tập trung vào 3 chuyên đề:
Colani và lịch sử nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình”; những thành tựu mới
trong nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình” ở Việt Nam và trên thế giới; bảo tồn
và phát huy di sản "Văn hóa Hòa Bình”. Báo Hòa Bình trích đăng một số tham
luận trình bày tại hội thảo.
(HBĐT) - Trong giai đoạn 2016 - 2022, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thông tin cơ sở; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng nội dung thông tin cho hệ thống đài truyền thanh cấp xã, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
(HBĐT) - Chiều 22/11, UBND tỉnh tổ chức trọng thể Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước và trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, "Nghệ nhân ưu tú” của tỉnh. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; nguyên lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các nhà khoa học của T.Ư và của tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 22/11, Ban Tổ chức Hội thảo 90 năm thế giới công nhận nền "Văn hoá Hoà Bình” tổ chức tham quan một số di tích khảo cổ tiêu biểu về nền Văn hoá Hoà Bình ở huyện Lạc Sơn. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học, Hội khảo cổ học, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và UBND huyện Lạc Sơn.
(HBĐT)- Ngày 21/11, tại Bảo tàng tỉnh, Sở VH-TT&DL đã tổ chức khai trương trưng bày chuyên đề "Văn hoá Hoà Bình” trên đất Hoà Bình. Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện diễn ra trong chương trình Hội thảo 90 năm thế giới công nhận nền Văn hoá Hoà Bình. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các nhà khoa học của T.Ư và tỉnh.