Tiếp theo số báo ra ngày 28-5, hướng dẫn học sinh làm bài đạt hiệu quả cao các môn văn, sử, địa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi tiếp tục giới thiệu lời khuyên của các giáo viên ở các môn tiếng Anh, toán, hóa học

 

Môn toán: Xem kỹ công thức lớp 10, 11

 
Đề thi môn toán chủ yếu tập trung trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, cái gốc của môn học là chương trình lớp 10 và 11, chương trình lớp 12 cung cấp cho các em phương pháp. Vì vậy, các em cần xem kỹ lại các công thức từ lớp 10, lớp 11, nếu quên sẽ khó giải được bài tập hiệu quả.
 
Ở phần hàm số, các em cần lưu ý các bước khảo sát một hàm số. Các em thường mất điểm ở phần này vì tính đạo hàm sai do nhầm dấu, dẫn đến sẽ sai toàn bộ kết quả.
 
Khi lập các bảng biến thiên, các em thường không xét các điểm vô cực. Riêng ý này, khi thi tốt nghiệp, các em sẽ mất 0,25 điểm.
 
Trong bài khảo sát, các em cần quan tâm đến bảng giá trị đặc biệt để nhận xét giá trị của đồ thị. Hầu như kỳ thi tốt nghiệp nào, câu này cũng được ra để các em “gỡ” điểm (khoảng 1-1,5 điểm), vì thế các em cần tính toán rất cẩn thận từng dấu chấm, dấu phẩy để ghi điểm.
 
Ở phần giải tích, các em cần nắm cách tính tích phân của hàm số và một phần của số phức. Đây là phần tự chọn trong đề thi cho cả chương trình cơ bản và nâng cao. Phần tích phân chủ yếu tính các nguyên hàm, vận dụng để tính tích phân xác định.

Thầy Ngô Văn Minh ôn tập môn toán cho học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

 
Trong đề thi tốt nghiệp, hai phần hàm số và hình học được coi là xương sống, nếu học tốt được hai phần này, các em đã làm được khoảng 7 điểm của đề thi chung.
 
Khoảng 30% câu hỏi còn lại, riêng cho phần đề của học sinh phân ban, các em cần nắm thêm một số kiến thức.
 
Cụ thể, các em cần nắm kỹ hơn các phần tích phân, cách giải các phương trình bậc nhất, bậc hai, viết phương trình đường thẳng trong mặt phẳng, giải các hệ phương trình đại số (phần này thường có trong đề thi tự chọn), các đường tròn. Phần này, thường chiếm khoảng 2 điểm.
 
Một điểm cuối cùng của chương trình phân ban cần lưu ý là giải các phương trình lượng giác. Thường các em hay quên công thức biến đổi dẫn đến sai sót.
 
Khi làm bài, thí sinh cần tính toán cẩn thận và nên tính tay. Nhiều học sinh đang quá phụ thuộc vào máy tính nên khi thi, các em quên dấu, nhầm dấu khi chuyển vế dẫn đến chia phân số nhầm và tính toán sai.
 
Các em cũng cần nắm kỹ các luật chia, luật nhân, luật đổi dấu và nhân hai vế, luật bình phương hai vế. Khi sai các luật này, các em thường bị trừ khoảng 0,25 điểm.
 
Nếu trước đây, người chấm thi thường cố gắng nhặt điểm cho các em khi làm bài, nhưng với cách chấm mới, sai ở đâu sẽ ngừng chấm ngay tại điểm đó, vì vậy các em cần tính toán kỹ kẻo không được chấm điểm toàn bộ.
 
Thầy Lê Đình Định (giảng viên Khoa Toán -Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội)
 
Môn tiếng Anh: Đọc lướt đề thi một lần 
 
Trong đề thi trắc nghiệm tiếng Anh, thông thường có khoảng 1/4 câu hỏi dành cho phần từ vựng, 1/4 số lượng câu dành cho phần ngữ pháp, số câu còn lại yêu cầu kết hợp cả hai thể loại.
 
Khi làm bài, trước hết, các thí sinh cần đọc lướt đề thi một lần. Thấy câu nào chắc chắn đúng, các em làm luôn (trừ phần đọc hiểu), sau đó quay lại những câu còn hơi nghi ngờ và phải có quyết định nhanh. Câu nào quá khó hoặc toàn từ mới, phức tạp, các em có thể bỏ qua.
 
Kinh nghiệm cho thấy các em không nên dành quá nhiều thời gian cho những câu khó và nên để dành cuối giờ quay lại làm tiếp. Khi ấy, nếu không có phương án đúng, các em đừng bỏ trống mà hãy chọn một câu tin tưởng nhất bởi biết đâu, trong số những câu chọn ngẫu nhiên đó sẽ có câu trả lời đúng.
 
Đề thi tiếng Anh thường kiểm tra đọc hiểu, điền từ, viết lại câu giống với nghĩa câu gốc. Ở phần này, có thể cho một nhóm từ để dựng câu đúng nhất, hay nhất. Hoặc, có thể đề đã dựng sẵn các câu, các câu này đều đúng nhưng có câu dài, câu ngắn, câu hay, câu dở. Trường hợp này, thí sinh cần tỉnh táo để chọn câu hay nhất (đúng nhưng ngắn gọn, súc tích).
 
Bài đọc hiểu thường có hai dạng, điền từ và đọc hiểu để trả lời câu hỏi. Kinh nghiệm mà nhiều thí sinh không thể ngờ khi làm bài thể loại này là “chiến thuật” đọc câu hỏi trước, sau đó mới đọc nội dung bài để phân loại và trả lời.
 
Ở dạng điền từ, các em đọc và chọn từ chắc chắn đúng để điền ngay. Sau đó, mới quay lại từ khó.
 
Còn dạng trả lời câu hỏi, các em nên đọc kỹ câu hỏi xem đề bài yêu cầu điều gì để trả lời sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Chẳng hạn đề bài ra: “Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1900”. Câu hỏi đặt ra: “Đến năm 1915, A bao nhiêu tuổi?”. Như vậy, các em không cần biết ông ấy sinh ra ở đâu, cha mẹ thế nào mà chỉ tập trung tính xem, từ năm 1900 đến 1915, A bao nhiêu tuổi. 
 
Thầy Phạm Quốc Thành (Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)
 
Môn hóa học: Định dạng nhanh câu hỏi
 
Trước ngày thi, các em nên hệ thống các kiểu thực nghiệm thường hay được khai thác (phân tích thực nghiệm; chúng thường được sử dụng như thế nào; thường được sử dụng trong những loại câu hỏi nào?...).
 
Đối với phần câu hỏi mang tính chất tái hiện kiến thức cần chú ý đến độ chính xác của nội dung được sử dụng.
 
Với những câu hỏi định lượng, các em cần chú ý một số thủ thuật hay được sử dụng như đại lượng trung bình, bảo toàn điện tích trong phản ứng ôxy hóa - khử hay trong dung dịch; tăng giảm khối lượng...
 
Khi làm bài thi trắc nghiệm hóa học, các em cần đọc kỹ câu hỏi và định dạng nhanh xem câu này thuộc loại nào? Cách xử lý thế nào? Nếu là câu bài tập thì có thuộc dạng quen thuộc không?
 
Bên cạnh đó, cần kết hợp cả đáp án vì nhiều trường hợp nhìn vào đáp án có thể định dạng nhanh kết quả mà mình cần tìm.
 
 
Theo NLD

Các tin khác

Không có hình ảnh
Vui hè tại Công viên Tao Đàn TPHCM.

Quà tặng bé yêu!

Nhân dịp 1-6, hàng loạt bộ sưu tập thời trang dành cho thiếu nhi của Disney, Việt Thy Kids, Hikosen Cara, YF Kids, Sun &Moon, Kiko,... được giới thiệu tại Zen Plaza như một món quà ý nghĩa dành cho các bé

Festival Huế 2010: Hứa hẹn hấp dẫn

Chỉ còn 7 ngày nữa, Festival Huế 2010 sẽ chính thức diễn ra (từ ngày 5 đến 13-6-2010) với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, quy tụ đông đảo các nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia. Festival Huế 2010, sẽ là dịp để công chúng trong nước, cũng như du khách nước ngoài cùng thưởng thức những chương trình nghệ thuật, những hoạt động văn hóa đặc sắc nhất.

Giới thiệu hành trình nghìn năm của gốm sứ Việt

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ngày 28/5 Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và các nhà sưu tập tư nhân tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngàn năm gốm Việt."

Cùng văn công thăm đảo Trường Sa

Không nhạc nền, không nhạc cụ thì… hát chay. Không đứng hát được thì ngồi hát. Nào chèo, nào quan họ, cải lương, nhạc trẻ, nhạc đỏ…Những giọng ca khỏe khoắn cứ vang vọng cả mặt biển mênh mang, át tất cả những tiếng sóng ì oạp quen thuộc hàng ngày.

Kỷ niệm 582 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang

Ngày hôm qua (tức rằm tháng 4 âm lịch), tại khu di tích Tượng đài Vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch Hà Nội tổ chức trang trọng Lễ hội kỷ niệm 582 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2010), với sự tham gia của hơn 1.500 người dân Thủ đô cùng nhiều du khách quốc tế.

Đà Bắc: Hội thảo khoa học “Bảo tồn, duy trì và phát triển tri thức bản địa dân tộc Tày”

(HBĐT) - Ngày 28/5, Trung tâm Học tập cộng đồng xã Trung Thành (huyện Đà Bắc) đã đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, duy trì và phát triển tri thức bản địa dân tộc Tày”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục