Tiết mục múa “Hạt thóc vàng” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương biểu diễn
Dân tộc nào cũng có nghệ thuật múa và mỗi dân tộc có những đặc thù riêng. Riêng ở nước ta, ngành múa đã gặt hái nhiều thành công nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng tôi đã trao đổi với NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam về một số vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm.
- PV: Bà là người suốt đời theo nghề múa, là người phụ nữ nổi tiếng, từng đi học và mang múa Ấn Độ về Việt Nam, làm Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Việt Nam, đại biểu Quốc hội 4 khóa liền, rồi Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa từ ngày thành lập đến nay. Theo bà, ngành múa liệu có phát triển trong tương lai?
NSND CHU THÚY QUỲNH: Chắc chắn sẽ phát triển hơn. Tôi khẳng định thế. Múa là một loại hình nghệ thuật ra đời từ chính nhu cầu của cuộc sống, từ khi con người còn ở thuở hoang sơ, vậy nên chỉ khi nào không còn sự tồn tại của con người thì mới không còn múa. Tất nhiên, múa cũng như nhiều nghệ thuật khác có lúc thăng, có lúc trầm.
Hoàn toàn đúng thế. Sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954), được sự quan tâm của nhà nước nghệ thuật múa phát triển rầm rộ lắm. Hệ thống các đoàn văn công từ trung ương đến địa phương (lúc ấy gọi các đơn vị nghệ thuật là đoàn văn công) hoạt động rất sôi nổi, mà múa là một loại hình nghệ thuật thu hút đông đảo sự yêu thích của quần chúng. Nhiều nghệ sĩ múa, cán bộ nghiên cứu về múa tỏa đi các nơi, đặc biệt là các dân tộc ít người, nghiên cứu và xây dựng những tác phẩm múa đậm chất truyền thống, dân gian, dân tộc. Năm 1958, lớp múa chính quy ra mắt. Năm 1959, thành lập Trường Múa Việt Nam, giảng dạy gồm 2 hệ thống: múa dân tộc và múa ballet quốc tế.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ múa nổi tiếng của Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên sang giúp đỡ Việt Nam xây dựng tác phẩm và đào tạo đội ngũ... Có thể nói từ năm 1960 múa Việt Nam đi vào chuyên nghiệp và được coi là một ngành nghệ thuật riêng. Hiện nay, ngoài 2 trường đào tạo múa ở Hà Nội và TPHCM, các trường nghệ thuật của ngành, của tỉnh đều có khoa múa.
- Để đào tạo được một nghệ sĩ múa đòi hỏi rất công phu, tốn kém... Thế nhưng hiện nay, nghề múa rất khó sống và ngành múa cũng rất vất vả…
Đúng vậy. Để chọn được một em đi học múa, ngoài các tiêu chuẩn rất khắt khe về hình thể (đối với em gái còn phải thêm vấn đề nhan sắc), việc đào tạo cũng công phu và tốn kém. Học hệ trung cấp mất 7 năm, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ học tiếp đại học thêm 4 năm nữa. Thế nhưng, khi ra trường các em rất khó xin được việc làm, vì các nhà hát và các đoàn đã khá đầy người rồi. Đã vậy, nếu được nhận vào làm việc thì mức lương như tất cả các nghề khác, tức là trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Các em có đạt những thành tích xuất sắc, thậm chí đặc biệt xuất sắc, làm vẻ vang cho quốc gia thì cũng chẳng có gì thay đổi.
Tôi nói ví dụ, em Cao Chí Thành hiện đang là diễn viên sôlit của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, thi ballet quốc tế tại Phần Lan đã đứng thứ tư trong 60 quốc gia tham dự; hay như các em Thùy Chi, Linh Nga, Trung Hiếu đã đứng đầu cuộc thi quốc gia của Trung Quốc và còn rất nhiều tài năng múa trẻ khác... nhưng chẳng có một chế độ đãi ngộ nào khác đối với các em. Tại sao ở lĩnh vực thể thao chẳng hạn, các em thành tích quốc tế thì được huân, huy chương, thưởng bằng hiện kim, hiện vật rất ưu ái, thế mà không riêng gì nghệ thuật múa, nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa hầu như không được đoái hoài. Để có được một tài năng nghệ thuật thật không dễ.
Ngành múa hiện nay, nếu nói buồn thì cũng thật buồn, còn nói tươi sáng chắc là ở thì tương lai. Chúng tôi, con người có, tài năng có, được học hành rất chu đáo, bài bản, nhưng rồi cứ bỏ nghề nửa chừng học hoặc ra nghề rồi bỏ. Tiếc lắm mà chẳng biết làm gì! Bởi lẽ họ không sống nổi bằng đồng lương. Không nói đâu xa, quốc gia láng giềng là Trung Quốc nếu một nghệ sĩ tài năng thực sự, họ có một khoản tiền thưởng xứng đáng và lương được nâng cao ngất ngưởng. Đây là vấn đề ai cũng nhận thấy và thật sự đáng lo.
Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, nhất là những ngành nghệ thuật vẫn còn những con người đáng quý trọng, yêu nghề một cách đắm đuối, si mê. Chính thế nên Hội Nghệ sĩ Múa chúng tôi vẫn không ngừng phát triển và qua những chặng đường trưởng thành đã có những gương mặt ưu tú của nghệ thuật múa Việt Nam.
Hiện hội có trên 20 NSND. Lớp đầu có thể kể: Thái Ly, Phùng Thị Nhạn, Đoàn Long, Trần Minh, Đặng Hùng, Ngọc Canh, Xuân Định; kế tiếp là Chu Thúy Quỳnh, Công Nhạc, Nguyễn Thị Điểu, Việt Cường, Kim Quy, Nguyễn Vũ Hoài, Ứng Duy Thịnh, Lê Khình, Đinh Xuân La... Lớp NSND trẻ hôm nay có Kiều Ngân, Lê Ngọc Cường, Anh Phương... Còn NSƯT thì rất đông đảo. Các biên đạo múa tài năng trẻ như Tuyết Minh, Ly Ly, Quỳnh Lan... đã tự bỏ tiền túi đi các vùng nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tác nên những tác phẩm múa xuất sắc.
- Theo bà, Nhà nước cần quan tâm như thế nào đối với ngành múa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng?
Tôi cũng đã phát biểu vấn đề này ở nhiều diễn đàn. Sự quan tâm thích đáng của Nhà nước đối với các ngành nghệ thuật là vô cùng quan trọng, là đòn bẩy giúp các ngành nghệ thuật thăng hoa. Một đất nước phát triển, tiên tiến và hiện đại thì văn hóa và nghệ thuật chính là tâm hồn, là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc ấy. Nó cũng là bản sắc riêng của dân tộc để chúng ta hòa nhập mà không hòa tan; mà còn có thể có những ảnh hưởng tới các dân tộc khác... Thế nên, một hoạch định lâu dài, một sự đầu tư xứng đáng và có hiệu quả từ hôm nay sẽ cho trái ngọt trong thời gian không xa.
Theo SGGP
Nhìn cuộc sống bằng con mắt trẻ thơ rất đỗi hồn nhiên, vui tươi và trong sáng, hai nhà thơ đã bước vào tuổi "lên lão"- một ở Thủ đô và một ở xứ hoa Ðà Lạt- đã "chắt lọc" nghiệp thơ ca, sáng tác nghệ thuật nhiều năm của mình, để ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cả nước hai tập thơ đặc sắc dành cho các em.
Mỗi khi hè đến, phụ huynh thường quan tâm tìm những sản phẩm văn hóa, những điểm vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích để con em được thư giãn sau chuỗi ngày miệt mài học tập. Vậy hè 2010, văn hóa phục vụ thiếu nhi có gì vui?
Hát then là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa các dân tộc nước ta. Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Bắc Cạn luôn trân trọng, gìn giữ và sử dụng hát then làm phong phú đời sống tinh thần.
Tài tử Leonardo DiCaprio vừa tham gia vào một chương trình của Quỹ Bảo vệ Đời sống Thiên nhiên Thế Giới (WWF) để thành lập một quỹ nhằm bảo vệ loài hổ mang tên “Save Tigers Now,” với khoản tiền dự tính lên đến 20 triệu USD.
Nhân dịp 1-6, hàng loạt bộ sưu tập thời trang dành cho thiếu nhi của Disney, Việt Thy Kids, Hikosen Cara, YF Kids, Sun &Moon, Kiko,... được giới thiệu tại Zen Plaza như một món quà ý nghĩa dành cho các bé
Chỉ còn 7 ngày nữa, Festival Huế 2010 sẽ chính thức diễn ra (từ ngày 5 đến 13-6-2010) với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, quy tụ đông đảo các nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia. Festival Huế 2010, sẽ là dịp để công chúng trong nước, cũng như du khách nước ngoài cùng thưởng thức những chương trình nghệ thuật, những hoạt động văn hóa đặc sắc nhất.