Những bộ phim của các nhà sản xuất phim xã hội hoá ngày càng có nhiều cơ hội phát sóng trên các kênh đài trong cả nước, nhưng với họ đó chỉ mới là “cánh cửa hờ”. Hơn thế, dù chỉ mới bắt đầu nhen nhóm nhưng dòng phim xã hội hoá đã bộc lộ không ít điều đáng lo.
Cơ hội của những nhà sản xuất xã hội hoá
Cùng với chương trình “giờ vàng phim Việt” trên 2 kênh VTV1 và VTV3 của Đài Truyền hình VN, chưa bao giờ cơ hội dành cho dòng phim xã hội hoá rộng mở như bây giờ. Đấy là chưa nói chương trình phim Việt giờ vàng từ lâu đã được thực hiện trên HTV. “Cầu” lớn thì “cung” cũng phải tương ứng theo. Bên cạnh các nhà sản xuất phim truyền hình quen thuộc như Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), Hãng phim Truyền hình TP. HCM (TFS), Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện VN... để có phim trình chiếu, nhà đài đành phải trông chờ vào các nhà sản xuất xã hội hoá.
Thực tế, đã có những thời điểm phim của các nhà sản xuất xã hội hoá chiếm lĩnh “giờ vàng phim Việt” trên VTV. Đấy là lúc bộ phim Chàng trai đa cảm của Hãng phim Đông A lên sóng trên VTV1 thì cùng lúc đó, Cô gái xấu xí của Hãng phim BHD và Những người độc thân vui vẻ của Công ty Mesa và VFC cũng được trình chiếu trên sóng VTV3. Chưa bàn đến chuyện hay dở, sự ra đời của chương trình “giờ vàng phim Việt” trên VTV đã mở cánh cửa cho hàng loạt phim mang tính xã hội hoá lên sóng như Bỗng dưng muốn khóc, Có lẽ nào ta yêu nhau đều do BHD sản xuất, Lập trình trái tim – FPT Media... Mới đây nhất là Bí mật Eva của Công ty Thiên Ngân đang được trình chiếu trên VTV3.
Đích đến của việc xã hội hoá các chương trình truyền hình là ngày càng tạo nên nhiều chương trình hay. Vì thế, chỉ cần có phim hay, có thể bán được quảng cáo..., các nhà sản xuất xã hội hoá có thể đàng hoàng khoe đứa con tinh thần của mình trên truyền hình cho bàn dân thiên hạ bằng cách “đổi quảng cáo lấy phim”.
Còn đó những khoảng trống
Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện cả nước có trên 600 đơn vị đủ tư cách pháp nhân sản xuất phim và chương trình truyền hình. Thế nhưng, những chương trình “mở cửa” trình chiếu sản phẩm của các nhà sản xuất mang tính xã hội hoá lại không nhiều. Ngay cả chương trình “giờ vàng phim Việt”, nói là chủ trương đổi phim lấy quảng cáo rõ ràng như vậy nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng có thể chen phim vào được.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất muốn làm phim thì phải đầu tư sản xuất. Nhưng trong khi VTV vẫn chưa quy hoạch chỉ tiêu mỗi năm dành cho dòng phim xã hội hoá bao nhiêu giờ phát sóng, cụ thể những giờ phát sóng hay chương trình gì sẽ dành cho các sản phẩm này... thì các nhà sản xuất xã hội hoá cũng chỉ dám đầu tư mang tính cầm chừng. Vì thế, không ít nhà sản xuất phim vẫn cho rằng, cánh cửa dành cho dòng phim mang tính xã hội hoá đã mở nhưng đấy chỉ mới là “cánh cửa hờ”?!.
Sự xuất hiện của các bộ phim mang tính xã hội hoá một mặt đã đem đến nhiều sắc thái cho phim truyền hình Việt Nam, nhưng mặt khác, dòng phim này dù chỉ mới trình làng đã mang sự phiến diện đáng lo. Với các nhà sản xuất phim mang tính xã hội hoá, vấn đề thu hồi vốn luôn luôn được đặt ra. Vì thế, hầu hết phim họ làm ra đều xoay quanh dòng phim giải trí, nhẹ nhàng mà thiếu những bộ phim thực sự đi vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Hơn thế, để thu hút quảng cáo, để “câu khách”, những nhà sản xuất phim luôn mời những người đẹp, ca sĩ, người nổi tiếng tham gia đóng phim. Ít nhiều sự xuất hiện của những “diễn viên bất đắc dĩ” này cũng đem đến sự mới lạ cho người xem nhưng công bằng mà nói, nghề diễn đâu phải là lĩnh vực của họ. Vì thế, sự chăm chút cho vai diễn, việc rút kinh nghiệm trong diễn xuất và cả ý thức nghề nghiệp trong quá trình sản xuất phim... cũng không đem lại cho ngành sản xuất phim truyền hình Việt Nam thêm tính chuyên nghiệp. Nhìn xa hơn, sự ăn đong, đốt cháy giai đoạn trong khâu tuyển chọn diễn viên mà không quan tâm đến việc “ươm mầm” của những nhà sản xuất xã hội hoá sẽ khiến công nghệ sản xuất phim truyền hình VN đi vào ngõ cụt, thiếu đồng bộ và thiếu cân bằng trong khâu đào tạo và sản xuất.
Theo Báo SKĐS
Ngày 10/10/2010 - tâm điểm của đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình trong khoảng 100-120 phút.
Tối 7-6, tại bờ bắc sông Hương, trước đình Kim Long, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) diễn ra Lễ hội tái hiện nghệ thuật "Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn". Ðây là lễ hội lần đầu được tổ chức tại Festival Huế với quy mô lớn, độc đáo nhân kỷ niệm 375 năm chúa Nguyễn Phúc Lan xây dựng Kinh đô xứ Ðàng Trong (1635-2010).
Chương trình lặp đi lặp lại ý tưởng; lứa ca sĩ “vàng” tàn lụi trong khi lớp ca sĩ mới chưa đủ sức thay thế... khiến chương trình Thúy Nga Paris ngày càng nhàm chán
63 tuổi, một mình với một chiếc chaly nhỏ bé lỉnh kỉnh những "túi đồ nghề", họa sĩ Đặng Ái Việt (vợ của cố NSND Phạm Khắc) rong ruổi khắp Bắc, Trung, Nam chỉ để tìm, vẽ cho được chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngày 7-6, trong lúc thi công tuyến cáp quang thuộc dự án mở rộng đường Lê Trung Đình (thành phố Quảng Ngãi), các công nhân thuộc Chi nhánh Vietel Quảng Ngãi đã phát hiện 28 bình vôi cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau được chôn cùng một hố dài khoảng 2m, rộng 1m, sâu khoảng 70cm tại ngã tư Lê Trung Đình - Nguyễn Du, gần sát với cổng thành Quảng Ngãi xưa.
Đời võ là câu chuyện cảm động kể về lão võ sư Ngô Bông cả cuộc đời gắn liền với nghiệp võ. Ông không những truyền dạy những nét tinh hoa võ học mà còn để lại một hình ảnh đẹp trong lòng của nhiều võ sinh về nhân cách sống, tinh thần thượng võ.