Cảnh trong vở "Mảnh gương nhân sự" của Nhà hát chèo Việt Nam đoạt HC Bạc Hội diễn Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2009.
Trước thềm Hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) tổ chức vào đầu tháng 7 tới, nhiều vấn đề đã được xới lên....
năm, đến hẹn, lại buồn
Năm 2009 vừa qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức tới sáu cuộc hội diễn thuộc các loại hình: Kịch nói, tuồng và kịch hát dân tộc, chèo, cải lương, hai đợt hội diễn sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Các cuộc hội diễn này nằm trong một hội thi chung có tên: Hội diễn sân khấu – ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Việc tổ chức dồn cùng lúc các đợt hội diễn sân khấu và ca múa nhạc trong cùng một năm đã khiến các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chạy đôn, chạy đáo để đi tìm kịch bản, tìm đạo diễn dàn dựng… Đây chính là lý do khiến các đợt hội diễn, liên hoan bị bội thực về thể loại, trùng lặp người viết, người dựng.
Các nhà hát, các đoàn thi nhau tung tiền của để thu hút những tên tuổi tác giả, đạo diễn sáng giá nhận dựng vở với mình. Đây là lý do khiến có những tác giả, đạo diễn có tới cả chục kịch bản và vở tham gia hội diễn. Tính đa dạng và sáng tạo nghệ thuật bị hạn chế, các đạo diễn trẻ mất đi cơ hội thử sức khi mà các đơn vị thường đặt hệ số an toàn vào tay các tác giả tên tuổi, đạo diễn đàn anh.
Ông Trương Nhuận – Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho rằng nên tránh tổ chức hội diễn đồng loạt các chuyên ngành trong cùng một năm như hiện nay mà nên giãn các loại hình ra để tránh việc các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cùng gồng tập trung đi hội diễn mà bỏ quên các lĩnh vực hoạt động khác.
Việc tổ chức hội diễn theo định kỳ năm năm một lần là khoảng thời gian quá dài, không thích hợp với thực tế. Rất hiếm có đơn vị nghệ thuật nào lại mang vở diễn đã được dựng cách xa tới bốn đến năm năm để đi thi mà thường mang những vở mới. Sau một quãng thời gian xa như vậy, bản thân người dựng, người diễn cũng đã cảm thấy mất hứng thú và sự thỏa mãn với tác phẩm của mình, khó có thể thổi hồn vào tác phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng hội diễn tổ chức ba năm một lần sẽ làm cho sân khấu tập trung xây dựng được nhiều tác phẩm chất lượng hơn, sự hưng phấn sáng tạo của nghệ sĩ sẽ tăng hơn và dĩ nhiên giải thưởng, huy chương giành cho tập thể và đặc biệt là cá nhân nghệ sĩ sẽ nhiều hơn, giúp cho các nghệ sĩ có đủ điều kiện để xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
NSND Trần Đình Sanh – Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho rằng ngoài hội diễn sân khấu – ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu để nghĩ ra các cuộc liên hoan, hội thi định kỳ mang tính đặc thù riêng cho từng đối tượng như: thi tài năng trẻ sân khấu - ca múa nhạc, thi đạo diễn – biên đạo múa trẻ, thi dòng nhạc thính phòng, thi múa dân gian – đương đại, sân khấu thử nghiệm… Hay các liên hoan theo từng đề tài như: Liên hoan các vở diễn đề tài hiện đại hay lịch sử, biển đảo…
Tránh cảnh “đồng sàng dị mộng”
Có lẽ gây nhiều bức xúc và dị nghị ở các kỳ hội diễn gần đây nhất đó là có những giám khảo vừa chấm vở diễn vừa có tác phẩm thi. Dẫu Ban tổ chức có để vị giám khảo đó đứng ngoài, không chấm vở của mình thì cũng không tránh khỏi sự ưu ái, thiên vị của các vị giám khảo cho đồng nghiệp của mình. Để tạo không khí sáng tạo công bằng, nhà tổ chức cần nghiên cứu sao để tránh được hiện tượng giám khảo “vừa đá bóng, vừa thổi còi” kiểu này.
Ông Phan Quốc Hùng - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho rằng Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 vừa qua, ông và các đồng nghiệp vô cùng ngạc nhiên khi thấy có giám khảo chấm thiết kế mỹ thuật cho sân khấu cải lương nhưng lại chưa hề thiết kế mỹ thuật cho vở cải lương nào và nhiều người trong giới không hề biết tới tên?! |
Mong muốn chung của đông đảo các nghệ sĩ khi bước vào các kỳ hội diễn vẫn là việc BTC Hội diễn cần lựa chọn ra những vị giám khảo cầm cân nảy mực có uy tín nghề nghiệp và có tâm trong nghề, chọn ra những “cột cờ” xứng đáng thay cho sự thiên vị, ưu ái cho đơn vị này hay cá nhân kia - hiện tượng thường xảy ra gần đây tại hội diễn.
Đạo diễn Đào Quang – Trưởng đoàn Đoàn Kịch nói Nam Định cho rằng BTC Hội diễn cần kết hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam để mỗi đợt hội diễn, Hội cử thành viên của Hội đồng Nghệ thuật tham dự và thậm chí tham gia vào Hội đồng giám khảo để có sự đánh giá đồng thuận giữa hội nghề nghiệp với chất lượng của các tác phẩm tham gia hội diễn và sau đó là xét tặng giải thưởng của Hội hàng năm.
Một cảnh trong vở "Mỹ nhân và anh hùng" của Nhà hát kịch việt Nam đoạt HC Vàng Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009.
Việc trao giải thưởng tại một số hội diễn gần đây đã gây không ít những thắc mắc trong dư luận, nhất là giải thưởng đặc biệt cho cá nhân nghệ sĩ. Nếu không có người xứng đáng thì cũng không nhất thiết phải trao giải. Đằng sau hậu trường hội diễn có rất nhiều vấn đề nhạy cảm, điều này phụ thuộc rất nhiều từ hội đồng giám khảo hội diễn. Những gương mặt giám khảo quá quen thuộc, sức khỏe không đảm bảo, chưa nói là tư duy chấm giải quá cũ đã dẫn tới việc trao giải nhiều trường hợp chưa thực sự đúng người, đúng tác phẩm, thui chột sáng tạo nghệ sĩ. Đã tới lúc cần đổi mới cơ cấu Hội đồng giám khảo.
Nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương cho rằng cần phân biệt giữa vở diễn của các nhà hát trung ương và các đoàn địa phương. Các nhà hát ở trung ương, gần trung tâm, được Nhà nước đầu tư lớn hơn các đoàn địa phương. Họ có nhiều điều kiện để dàn dựng các tác phẩm quy mô cũng như nghệ sĩ có nhiều điều kiện để nâng cao nghề nghiệp hơn.
Trong khi đó các đơn vị nghệ thuật địa phương đang bị co hẹp rất nhiều về bộ máy tổ chức cũng như kinh phí đầu tư, có những đơn vị hoạt động chỉ với chức năng là đoàn văn công tuyên truyền, biểu diễn phục vụ chính trị. Đầu tư kém, trình độ diễn viên lại hạn chế, không có điều kiện rèn luyện nghề do đó, nếu đưa ra tiêu chí chấm giải chung cho vở diễn của nhà hát và đơn vị nghệ thuật địa phương, dĩ nhiên ưu thế luôn giành cho các nhà hát trung ương. Đây là lý do khiến các đơn vị nghệ thuật ở địa phương đi hội diễn, liên hoan toàn quốc chỉ để cho vui, khó giành được giải cao, cạnh tranh được với các nhà hát trung ương.
Vì sao mỗi kỳ hội diễn vẫn thấy vắng bóng những nhà hát, đơn vị nghệ thuật tên tuổi trong từng chuyên ngành? Đây cũng là bài toán đòi hỏi nhà tổ chức các hội diễn, hội thi, liên hoan cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng về địa bàn tổ chức. Ví dụ như ở Tp.Hồ Chí Minh – cái nôi của nghệ thuật cải lương, quy tụ số đông các đơn vị nghệ thuật sân khấu cải lương thì hội diễn cải lương nên tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Vì sao các kỳ hội diễn luôn vắng mặt các đơn vị sân khấu xã hội hóa mà thường là cuộc so tài của các đoàn sân khấu công lập? Rất dễ hiểu, vì các đoàn sân khấu xã hội hóa chỉ có thể lo được tiền dựng vở, còn kinh phí đi lại thì gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho rằng Nhà nước nên dành một khoản kinh phí để hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật đi lại, ăn ở trong mỗi đợt tham dự hội diễn.
Làm thế nào để các hội diễn, hội thi, liên hoan sân khấu thu hút không chỉ sự chú ý của người trong ngành mà còn có sức lan tỏa tác động tới sự chú ý của dư luận xã hội và khán giả? Làm thế nào để các vở diễn sau khi đi hội diễn về không bị “xếp xó”? … Còn rất nhiều vấn đề khác được đặt ra đối với các nhà quản lý nghệ thuật để giúp sân khấu có nhiều tác phẩm hay, vượt lên sự cũ kỹ, lối mòn trong sáng tạo nghệ thuật.
Theo Báo Nhandan
Nhạc Việt trong thời điểm có nhiều mảng tối lại sáng lên câu chuyện tình người. Ngày càng nhiều hơn những nghệ sĩ tham gia hoạt động xã hội trên khắp miền quê hương.
Trong đợt khai quật mới đây, các nhà khoa học Áo đã khám phá ra kinh đô cổ của người Hyksos, những người đã xâm chiếm Ai Cập cách đây 3.500 năm.
Khi trái bóng lăn trên các sân cỏ ở Nam Phi thì cũng là lúc các sân khấu, rạp chiếu phim ở ta phấp phỏng lo vắng khách.
Chính cơ chế tài chính phù hợp của các đài truyền hình đã kích thích được nhà sản xuất. Ngày 15-6 qua, tại Hà Nội, đoàn làm phim Huyền sử thiên đô (hãng Sao Thế Giới đầu tư, hãng Phim truyện 1- Hà Nội và Công ty Cổ phần Sản xuất Phát Nam Thiên sản xuất) đã có buổi ra mắt rầm rộ. Các diễn viên chính, như Công Dũng, Trung Dũng, Thu Quỳnh, Bebe Phạm, Rich Ting...xuất hiện trong trang phục của các nhân vật.
Như người ta vẫn nói, Hà Nội ngoài vẻ đẹp rất riêng của thành phố ngàn tuổi làm say đắm lòng người còn có sự linh thiêng huyền ảo nào đó khiến cho những áng thơ văn, những tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội luôn là những tác phẩm đặc sắc. Nhân kỷ niệm thành phố tuổi ngàn năm, nhà thơ - nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã nảy ra sáng kiến tuyển những tác phẩm đặc sắc đó thành một tập dày gần 2.000 trang với 1.000 ca khúc của trên 500 tác giả... Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.
(HBĐT) - Ngày 21/06, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” huyện Kỳ Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện phong trào giai đoạn 2000 – 2010 và đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2010 – 2015.