Như người ta vẫn nói, Hà Nội ngoài vẻ đẹp rất riêng của thành phố ngàn tuổi làm say đắm lòng người còn có sự linh thiêng huyền ảo nào đó khiến cho những áng thơ văn, những tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội luôn là những tác phẩm đặc sắc. Nhân kỷ niệm thành phố tuổi ngàn năm, nhà thơ - nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã nảy ra sáng kiến tuyển những tác phẩm đặc sắc đó thành một tập dày gần 2.000 trang với 1.000 ca khúc của trên 500 tác giả... Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.
Thưa ông, từ sáng kiến đến hiện thực con đường phải đi là rất dài, phải tốn rất nhiều công sức, chưa kể tiền bạc, nếu được xuất bản sẽ là một ấn phẩm hết sức đồ sộ. Ông đã đi được bao xa?
- Ý tưởng làm cuốn sách về HN đã được nêu ra từ khá lâu, nhiều nhạc sĩ cũng đã có suy nghĩ như tôi. Nhưng từ ý tưởng đến thực hiện là cả một vấn đề không hề dễ dàng. Cuốn sách cho ngàn năm Thăng Long cần phải đặc biệt ngang tầm ý nghĩa của nó. Ban đầu, tôi và GS. Dương Viết Á có cùng nhau bàn bạc, giáo sư cho rằng cuốn sách nên được chia ra các phần của Hà Nội, chẳng hạn là 4 phần: Sử ca, Hùng ca, Hoan ca, Tình ca. Tôi thì thấy phải có thêm Nhi ca mới công bằng, như thế thì ngũ hành, tương sinh một cách lý giải cũng rất thú vị. Nhưng khi tiếp xúc với văn bản tôi thấy phải có thêm Mùa ca mới hợp lý. Vậy là không còn ngũ hành nữa, tôi tư duy theo cách lục khố (6 kho), gồm: Sử ca, Hùng ca, Hoan ca, Tình ca, Mùa ca, Nhi ca. Nhưng chọn lựa ca khúc vào 6 cái kho này, phải khởi từ đầu thời kỳ Tân nhạc (hơn 70 năm). Tôi ưu tiên các cụ thời tiền chiến, rồi đến những ca khúc được cảm hứng và viết tại Hà Nội... Hiện tôi đang cho tiến hành làm bản phim (kẻ khuông nhạc trên đề-can - NV), công việc này cũng tốn nhiều thời gian và công sức.
Thưa ông, tiêu chí chọn tác phẩm của ông là gì?
Trước hết, những tác phẩm ấy phải viết về Hà Nội, mang tinh thần Hà Nội và phải hay. Về Sử ca: Tôi muốn khắc họa hình ảnh của Thăng Long Hà Nội qua thời chiến tranh và thời thanh bình hôm nay. Tôi đã chọn được 70 bài. Và, để đi song song với Sử ca tôi chọn Hùng ca.
Trong biến cố của lịch sử đâu là những ca khúc oai hùng cho Hà Nội?
Trong 70 ca khúc song song với Sử ca có thể kể ra như Đàn chim Việt của Văn Cao, nói về thời những người lính Hà Nội ra đi, nhập vào cuộc kháng chiến miền Nam, hay Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận là để nói khát vọng của người Hà Nội sẽ trở về Hà Nội trong những ngày kháng chiến. Lại có những bài như Hoan hô bộ đội giải phóng Thủ đô của Nguyễn Văn Quỳ để nói về Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Và cùng cái thời đó có nhiều những bài hát hát khác như Quân về Hà Nội của Hoàng Dương, Ba Đình lịch sử của Doãn Nho...
Tiếp theo là Hoan ca?
Thì Hà Nội là nơi tập trung những nỗi khổ đau và những niềm vui sống rất đặc trưng nên có phải có Hoan ca. Đó là những bài hát mang tâm trạng rất Hà Nội. Trong đó tôi chọn và sắp xếp theo 5 chủ đề: Hà Nội ca: 74 bài. Ca Hà Nội: 92 bài. Hà Nội phố: 40 bài. Hà Nội sông: 27 bài. Hà Nội hồ: 30 bài.
Thật là thú vị, và tiếp theo Hoan ca là Mùa ca?
Tất nhiên rồi. Nếu con sông Hồng, hồ Gươm, hồ Tây hay các con phố của Hà Nội đã làm nên những ấn tượng không thể phai mờ, những ấn tượng đặc biệt làm nên cảm xúc đặc biệt cho các nhạc sĩ thì những mùa đi qua Hà Nội cũng như vậy. Tôi chọn được 173 bài mô tả các mùa xuân, hạ, thu, đông ở Hà Nội.
Thế còn Tình ca?
Hà Nội đã đi qua các thời kỳ, nhìn theo tác phẩm âm nhạc thì có: thời tiền chiến, thời kháng chiến và thời thanh bình. Thời tiền chiến tôi chọn được 12 bài. Thời kháng chiến chống Pháp chọn được 76 bài. Thời chống Mỹ thì rất hiếm hoi Tình ca. Chúng ta mới biết đến Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn, Quê tôi của Lưu Cầu, Tình ca của Hoàng Việt. Bài Hoa sữa của Hồng Đăng nữa, ít người biết rằng đó là bài tình ca cuối cùng của thời chống Mỹ. Tôi phát hiện thêm những Tình ca của Băng Hải, Một lần qua nhà em của Ngọc Thanh, thơ Hoàng Trung Thông..., tôi chọn được 14 bài. Còn Tình ca thời thanh bình, tôi chọn được hẳn 180 bài. Thời kỳ này phải trọng đến các tác giả như: Hữu Xuân, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang, Giáng Son... Hết sức thú vị đấy.
Vâng. Còn Nhi ca thì sao, thưa ông?
Nhi ca cũng là phần rất hay, tôi chọn được 140 bài. Thì ở đấy xuất hiện các tác giả lớn như: Phong Nhã, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn...
Nói tóm lại đều là những ca khúc viết về Hà Nội?
Như đã nói, đó là những tác phẩm mang tinh thần Hà Nội. Ví dụ như bài của Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính, Thoi tơ chẳng hạn, không phải là một vùng tơ Hà Nội mà không gian âm nhạc rất Hà Nội, cũng như vậy, rất nhiều bài hát mang âm hưởng Hà Nội, không khí, không gian, tinh thần, tâm trạng Hà Nội. Chẳng hạn, Tình ca Hoàng Việt được viết tại Hà Nội, nhưng bài khác lại được viết từ một người rời Hà Nội ra đi. Tôi có quan niệm Hà Nội là Thủ đô chung của cả nước, của mọi người, thì mọi người đều muốn thấy Hà Nội của họ trong âm nhạc theo ý họ. Cũng ví như Phạm Duy, viết Phố buồn hay Lưu Cầu viết Quê tôi, chẳng có một từ Hà Nội nào nhưng nó mang tình cảm Hà Nội, dư âm Hà Nội. Ở bộ sách này, bức tranh toàn cảnh về Hà Nội phải được ồ ạt, rộng khắp mới bình đẳng trong tình yêu của mọi tác giả âm nhạc cũng như của người thưởng thức...
Nhiều người nhận xét, hầu như những bài hát viết về Hà Nội đều hay. Một cuốn sách dày như thế, nội dung có vẻ đáp ứng được nhiều đối tượng như thế nhưng như người ta vẫn nói, sách hay chưa chắc đã có người mua, ông làm thế nào để cuốn sách ra mắt kịp thời trong dịp kỷ niệm lớn này của Thủ đô?
Tôi nghĩ, một cách rất nghệ sĩ thôi, rằng tôi thấy nó hay, nó cần thì phải làm. Khi đã làm thì khó không được nản. Bạn bè cũng động viên tôi rằng, Việt Nam và nhất là Hà Nội là xứ sở yêu âm nhạc, chắc rồi sẽ có những người, những đơn vị sẽ tìm đến nó để làm cẩm nang cho chính mình mỗi khi nhớ về Hà Nội. Khi nào muốn cất lên tiếng hát, muốn biết được có bao nhiêu bài hát, bao nhiêu người đã viết những bài hát về Hà Nội cho nỗi nhớ của mình thì đây: 1.000 ca khúc cho ngàn năm Thăng Long.
Cảm ơn ông! Chúc cuốn sách sớm ra mắt người yêu nhạc và yêu Thăng Long - Hà Nội
Theo Báo SKĐS
Dạo qua thị trường sách thiếu nhi hè 2010, ai cũng dễ dàng cảm thấy bắt mắt và rất phong phú. Thế nhưng không ít người quan ngại về một thị trường bát nháo đủ kiểu từ nội dung đến hình thức thể hiện.
Bắc Ninh - Kinh Bắc là nơi có nhiều sông ngòi bao bọc. Nơi đây, mỗi dòng sông không chỉ là một thực thể vật chất hào phóng ban tặng, bồi đắp phù sa tạo nên vùng đất phì nhiêu, màu mỡ mà còn là một trong những thành tố góp phần kiến tạo nên "Kinh đô văn hoá" người Việt. Tiêu Tương là một trong những dòng sông như vậy.
(HBĐT) - Bảo tàng tỉnh vừa có công văn số 25/BTHB đề nghị Phòng Văn Hóa - Thông tin, UBND xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy về việc chấn chỉnh những sai phạm trong công tác quản lý khu di tích Chùa Tiên.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010) Diễn đàn Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức Triển lãm “Báo chí Việt Nam (1865 - 1954) - Quá trình hình thành và phát triển”.
Hôm nay 18-6, Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TPHCM lần thứ 6, nhiệm kỳ 2010 - 2015, sẽ chính thức khai mạc tại Nhà hát TP. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, về những vấn đề cần quan tâm trong nhiệm kỳ này.
Tập sách ảnh "Ký ức chiến tranh" của nhà báo Chu Chí Thành, nguyên Trưởng Ban biên tập, Sản xuất ảnh báo chí của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã ra mắt chiều 17/6 tại Hà Nội.