Các thí sinh vào vòng chung kết cuộc thi “Ngôi sao điện ảnh triển vọng 2010” đều có giải thưởng

Các thí sinh vào vòng chung kết cuộc thi “Ngôi sao điện ảnh triển vọng 2010” đều có giải thưởng

Tự ý đặt ra các danh hiệu đại ngôn: Giải “Ngai vàng”, “Hoa hậu áo dài”, “Hoa hậu”, “Á hậu”, “Nam vương”, “Á vương”... không ngoài mục đích đánh lừa thí sinh

 

Không phải đợi đến khi thí sinh Vũ Lâm đệ đơn tố cáo đạo diễn Thanh Quỳnh- Giám đốc Công ty Siêu nhân Việt (đơn vị phối hợp với Tạp chí Điện ảnh thuộc Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức cuộc thi “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng 2010”), đã nhận của cô 200 triệu đồng để lo cho cô đoạt được giải cao của cuộc thi “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng 2010” nhưng kết quả không như đã hứa, thì cuộc thi “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng 2010” mới lộ ra nhiều khuất tất trong khâu tổ chức mà ngay từ đầu, giới truyền thông đã phần nào nhìn thấy được chất lượng không ra gì của cuộc thi này.

 
Bê bối được báo trước
 
Cuộc thi “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng 2010” khởi động chỉ sau cuộc thi “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng 2009”, do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức, khoảng 2 tháng. Buổi họp báo công bố về cuộc thi diễn ra trong một căn phòng vốn là tầng lửng của Công ty Siêu nhân Việt.
 
Trong thông cáo báo chí, thông tin về cuộc thi thì ít mà thông tin về tiểu sử và thành tích của giám đốc Thanh Quỳnh thì dày đặc. Buồn cười hơn là thể lệ cuộc thi được công ty này biên soạn rất sơ sài và cẩu thả, chỉ nhìn qua là biết năng lực, trình độ của nhà tổ chức là kém cỏi nhưng cả Tạp chí Điện ảnh và người đại diện của Hội Điện ảnh TPHCM tham gia giám sát cuộc thi này lại không nhận ra (?).
 
Khó hiểu hơn khi một cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn xuất nhưng danh hiệu trao tặng cho các thí sinh đoạt giải rất “đại ngôn”: Giải “Ngai vàng”, “Hoa hậu áo dài”, “Hoa hậu”, “Á hậu”, “Nam vương”, “Á vương”... Điều đáng nói là những danh hiệu này được ban tổ chức tự đặt ra sau vòng thi bán kết  khi còn 18 thí sinh chuẩn bị bước vào vòng thi chung kết.
 
Thí sinh Lộc Uyển, một trong 18 thí sinh được vào vòng thi chung kết, cho biết: “Đa số thí sinh vào vòng chung kết đều có theo học ở Công ty Siêu nhân Việt, riêng tôi là thí sinh tự do.
 
Khi chuẩn bị vào vòng bán kết, ban tổ chức hỏi tôi có muốn gia nhập công ty để được đào tạo, luyện tiểu phẩm dự thi không, tôi trả lời không và tự lo trang phục, dàn dựng tiểu phẩm. Kết quả, tôi nhận được giải “Hoa hậu áo dài”. Đi thi diễn xuất mà đoạt giải “Hoa hậu áo dài” kể cũng buồn cười”.
 
Theo quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp  của Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch, chỉ những cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia mới có danh hiệu Hoa hậu. Điều này Tạp chí Điện ảnh, Hội Điện ảnh TPHCM, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi, có biết nhưng tại sao vẫn để cho Công ty Siêu nhân Việt tự “đẻ” ra các danh hiệu này để đánh lừa thí sinh. Kết thúc cuộc thi, tất cả thí sinh vào vòng chung kết đều có giải thưởng.
 
Cuộc thi này không được công chúng quan tâm mấy nên rất ít báo chí thông tin. Nếu không nổ ra vụ thưa kiện về chuyện mua bán giải thưởng của thí sinh Vũ Lâm đối với ban tổ chức, ít ai biết có một cuộc thi như thế đã diễn ra.
 
Hậu quả của việc tranh nhau tổ chức
 
Cuộc thi “Diễn viên Điện ảnh triển vọng” vốn là cuộc thi do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức hằng năm, từ năm 1991, đây là cuộc thi từng tuyển chọn ra những gương mặt thật sự triển vọng cho điện ảnh TPHCM nói riêng cả nước nói chung, trong số các thí sinh đoạt giải cao qua những lần thi trước đây, nay đã trở thành những diễn viên điện ảnh tên tuổi: Quyền Linh, Kim Chi, Minh Thư, Chi Bảo, Trương Minh Quốc Thái... Thế nhưng từ năm 2006, cuộc thi này đổi tên thành cuộc thi “Diễn viên Điện ảnh, truyền hình – Ngôi sao ngày mai”, cũng do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức.
 
Năm 2004, Tạp chí Điện ảnh cũng thuộc Hội Điện ảnh TPHCM đứng ra tổ chức thêm một cuộc thi khác mang tên “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng” nhưng chỉ diễn ra trên tạp chí này, thông qua hình ảnh thí sinh dự thi gửi về. Đến năm 2008, cuộc thi này bắt đầu đưa ra tổ chức trên sân khấu.
 
Điều đáng nói là hai cuộc thi này đều có cùng mục đích: Tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những gương mặt trẻ, tài năng đáp ứng cho việc phát triển của nền điện ảnh TPHCM và cả nước. Hai cuộc thi có cùng một mục đích, cùng một đơn vị chủ quản là Hội Điện ảnh TPHCM đứng tên tổ chức, diễn ra song song trên sân khấu.
 
Khi dư luận bắt đầu đặt vấn đề có nên tồn tại hai cuộc thi cho một mục đích của cùng một hội như thế hay không, giữa hai ban tổ chức của hai cuộc thi này đã xảy ra tranh chấp về tên gọi. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu lý do vì sao chẳng bên nào chịu rút lui, khi cả hai cuộc thi này đều có công ty tư nhân nhảy vào phối hợp tổ chức.
 
Cơ quan cấp phép tổ chức hai cuộc thi này cũng không có động thái gì, mặc dù biết mục đích và nội dung hai cuộc thi là gần như trùng nhau.
 
Khi công ty tư nhân không có năng lực tổ chức nhảy vào lo tài chính, công tác tổ chức, còn đơn vị chịu trách nhiệm pháp nhân tổ chức lại khoán trắng cho công ty thì những điều tiếng xảy ra là không tránh khỏi.
 
Dư luận trong giới đã râm ran nhiều chuyện không hay về hai cuộc thi này từ vài năm nay nhưng chỉ đến lần này, khi có thí sinh tìm đến cơ quan báo chí để tố cáo thì chuyện trong bóng tối mới được đưa ra ánh sáng.

Đạo diễn Xuân Cường - thành viên giám khảo:

Kết quả phụ thuộc vào ban tổ chức

Tôi không chấm thi từ những vòng đầu như các vị giám khảo khác mà chỉ góp mặt trong đêm chung kết. Mỗi giám khảo lại chấm riêng chứ không trao đổi, thống nhất với nhau trước khi cho điểm nên tôi không biết các giám khảo khác cho điểm ra sao. Kết quả chung là do ban tổ chức tổng hợp từ điểm của các thành viên ban giám khảo. Kết quả này có sửa đổi hay không, chúng tôi hoàn toàn không biết. Nhưng nhìn chung chất lượng thí sinh vào vòng này sàn sàn nhau, không có ai nổi trội hẳn.

 

Đạo diễn Trương Dũng - Thành viên giám khảo:

Sẽ không chấm những cuộc thi kiểu này nữa

Là một cuộc thi tìm kiếm diễn viên đóng phim nhưng trong ban giám khảo cuộc thi “Ngôi sao Điện ảnh triển vọng 2010” chỉ có tôi và anh Xuân Cường thuộc lĩnh vực điện ảnh, còn lại là người ở lĩnh vực sân khấu và nhà tài trợ. Vì thế, điểm số của tôi và anh Cường chấm không đủ “trọng lượng” để quyết định thí sinh có khả năng đoạt giải cao. Rốt cuộc, những người tôi đánh giá có năng lực lại không đoạt giải cao. Kết quả cuộc thi vì thế làm tôi ngạc nhiên nhưng tôi cũng chỉ để bụng thôi chứ không thể có ý kiến gì. Từ giờ trở đi, tôi nhất định không tham gia chấm những cuộc thi như kiểu này nữa. Lần đầu cũng là lần cuối.

 

                                                                                    Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Tiểu phẩm

Hội diễn và tính chuyên nghiệp: Những bức xúc nói riết ai nghe?

Trước thềm Hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) tổ chức vào đầu tháng 7 tới, nhiều vấn đề đã được xới lên....

Nghệ thuật múa mới chỉ mạnh về bề rộng

Từng có một thời gian, cách đây chưa lâu, nghệ thuật múa nhận được rất nhiều lời phàn nàn về sự bùng nổ, lạm phát những tiết mục minh họa nghèo nàn về ý tưởng và trình độ nghệ thuật, trong khi lại thiếu vắng những tác phẩm múa chuyên nghiệp có chất lượng. Nay, dẫu chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi, nhưng theo đánh giá của NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, nghệ thuật múa "không còn ở giai đoạn khó khăn nữa", và đang phát triển mạnh mẽ trên diện rộng.

Sân khấu với quá trình thể hiện hình tượng Bác Hồ

Cùng với các ngành văn học nghệ thuật khác, sân khấu nhiều năm qua cũng hướng vào một nhiệm vụ lớn, hay đúng hơn là một sứ mệnh thiêng liêng, tìm tòi, thử nghiệm xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ đặc thù, sống động và trực tiếp của ngành nghệ thuật nghe nhìn này.

Dấu ấn quốc tế trên Con đường gốm sứ

Đoạn đường tranh gốm do nghệ sĩ Italia Giuseppe Mastropierro thiết kế và các nghệ sĩ Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thực hiện ngay gần nút cầu vượt Long Biên trên Con đường gốm sứ vừa được hoàn thành sáng 22-6.

Tuần phim tài liệu quốc tế lần thứ hai: Hấp dẫn hơn cả phim truyện?

Khán giả ngồi chật kín phòng chiếu chừng 300 chỗ, Ban tổ chức phải huy động thêm ghế nhựa kê dọc bên hai lối đi, nhiều người vẫn phải đứng thập thò ngoài cửa! Buổi khai mạc Tuần phim Tài liệu quốc tế vừa diễn ra tối qua 21-6 tại Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương khiến những người làm phim truyện nhựa Việt Nam phải “ghen tị”.

Thương nhau chia bớt nhọc nhằn

Nhạc Việt trong thời điểm có nhiều mảng tối lại sáng lên câu chuyện tình người. Ngày càng nhiều hơn những nghệ sĩ tham gia hoạt động xã hội trên khắp miền quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục