“Những nhà văn có kinh nghiệm, nhiều vốn sống thì không tìm được bút pháp mới để tải những gì mình muốn viết, trong khi lớp trẻ thừa năng lực thì nhiều khi sống vội vã, hời hợt đến không có gì để viết”. Đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Quang Lập
Nhà văn Nguyên Ngọc trăn trở: “Xã hội đang đứng trước những vấn đề phức tạp và sâu sắc, đòi hỏi những người viết phải có nền tảng tri thức để có thể cảm nhận được những thay đổi của cuộc sống. Nhưng văn học hiện nay gần như trong trạng thái uể oải, lại đang sa vào những những cái tầm thường vụn vặt. Có vẻ như người viết càng lúc càng mòn với chính mình. Và điều đáng trách là có những cây bút lão thành lại cũng viết truyện theo kiểu câu khách giật gân. Những tác phẩm kiểu đó sống lâu làm sao được”.
Nhà văn Di Li “chịu đi”, tìm tòi để đầu tư chiều sâu cho tác phẩm. Ảnh: C.T.V
Đang nợ chính mình
Nhà văn Cao Duy Sơn – giải thưởng Hội Nhà văn 2009 với tác phẩm Ngôi nhà xưa bên suối – nhận định thẳng thắn: “Vốn sống của người viết trẻ còn rất thiếu, thậm chí hời hợt, chưa mang đến được điều mà bạn đọc cần. Người viết đang sống trong thời đại của mình mà vẫn chưa hiểu biết nhiều về nó”. Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập khẳng định: “Tiểu thuyết hiện nay đúng là đang bế tắc, nhưng bế tắc về bút pháp chứ không bế tắc về đề tài. Những nhà văn có kinh nghiệm, nhiều vốn sống thì không tìm được cách mới để tải những gì mình muốn viết, trong khi lớp trẻ thừa năng lực thì nhiều khi sống vội vã, hời hợt đến không có gì để viết!”.
“Nhà văn già” buông bút?
Không nhiều những tên tuổi nhà văn thế hệ trước còn trở lại với văn học trong thời gian gần đây. Một số ít tên tuổi vẫn âm thầm viết và xuất hiện gây bất ngờ cho làng văn, như nhà văn Dương Hướng đã cho ra đời Dưới chín tầng trời sau 15 năm thai nghén; nhà văn Trung Trung Đỉnh ở cương vị Giám đốc NXB Hội Nhà văn cũng cho ra mắt Sống khó hơn là chết và đang còn “dự trữ” tác phẩm Lính trận; tác giả của Mùa lá rụng trong vườn, nhà văn Ma Văn Kháng cũng có Một mình một ngựa... nhưng không gây được tiếng vang. |
Không phủ nhận những cống hiến tận tụy của các nhà văn trẻ khi họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm ít nhiều được bạn đọc quan tâm song, nói như nhà văn Dương Hướng: “Người viết trẻ đang nỗ lực bứt phá, cố làm mới nhưng chưa tới”.
Nhà văn Cao Duy Sơn bày tỏ: “Người cầm bút đang nợ chính mình. Nhịp sống thời đại mới với những biến đổi vô cùng lớn lao trên mọi phương diện xã hội nhưng điều đó chưa bao giờ được thể hiện thỏa đáng trong tác phẩm của người viết trẻ”.
Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá nghiêm khắc: “Văn chương không thể “ăn xổi ở thì”, mỗi nhà văn đều cần phải có một vùng đất cho mình. Cây bút trẻ càng phải tự mình nâng tầm tri thức. Không thể có nhà văn lớn nếu như người viết chỉ ngồi một chỗ mà tưởng tượng”.
Chạy theo hư danh
Một nhà văn nói rằng nhiều người viết hiện nay chỉ xem văn chương như là người tình hờ, viết vì nhu cầu bản thân nhiều hơn là sự cống hiến. Đề tài hiện thực xã hội đang bị né tránh, giá trị văn hóa sâu rộng của dân tộc chưa thể chạm tới và những đề tài chiến tranh, lịch sử, trinh thám, số phận người cùng khổ... đang là mảnh đất ít người “canh tác”. Nguyên nhân chính là do người viết trẻ không đủ kiến thức và không đủ tầm để có thể khai phá những mảnh đất này trên bậc cao văn học.
Nhà văn Dương Hướng ưu tư: “Thế hệ tôi và thời đàn anh đi trước có thể bỏ mọi thứ để cầm bút viết văn, viết như là một niềm đam mê không thể thiếu. Họ có thể đánh đổi cả đời cho nghiệp văn chương chứ không phải chỉ xem văn chương là nghề tay trái. Còn những cây bút trẻ bây giờ nhiều khi đang chạy theo hư danh”.
Thực tế đúng như vậy, sự nổi tiếng vội vã cũng khiến cho nhiều cây bút trẻ ảo tưởng về bản thân mình. Nhà văn Bích Ngân cho rằng nhiều cuốn sách ra đời thời gian qua tạo sự ồn ào như một hiện tượng nhưng đó lại là những chuyện sa đà vào những thứ nằm ngoài văn chương, ngoài tác phẩm. Theo Bích Ngân: “Văn chương là một con đường dài, nếu không đam mê, không dám đánh đổi thì người viết sẽ tự khước từ mình ra khỏi đời sống văn học”. Điều này có thể kiểm chứng qua sự xuất hiện kiểu “chợt lóe lên rồi tắt” của một số cây bút trẻ trong thời gian qua.
Ở góc độ của người đi trước, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng không ai bắt buộc nhà văn phải viết đề tài này hay đề tài khác. Vấn đề là tác phẩm có đủ sức thẩm thấu và có đủ giá trị lớn lao hay không. Nhưng rõ ràng cái sự “chưa tới”, “chưa chín muồi” của người viết mới là nguyên nhân chính cho những tác phẩm ra đời chưa thể tạo được sự rung động sâu xa. “Nếu cứ sa đà vào kiểu văn chương tầm thường, câu khách, chạy theo hư danh thì nhà văn giết chết văn chương và giết chết chính mình” – tác giả Đất nước đứng lên nhấn mạnh.
Theo NLĐ
Chính Xuân Huyền đã tạo nên niềm khát vọng cho người diễn viên, và thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình, đam mê đó của họ. Bởi vì, chính ngọn lửa đam mê ấy là yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công bất tử của nghệ thuật sân khấu…
Văn học nói chung đã trầm lắng thì tiểu thuyết nói riêng lại càng im ắng hơn khi càng lúc văn đàn càng hiếm những tác phẩm tạo dấu ấn đặc biệt. Tiểu thuyết thời hiện đại đã không thể nào làm nên những thành quả lớn lao như các thế hệ nhà văn trước đã làm
Ngày 10/7, Ban biên tập Truyền hình cáp và Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam chính thức ra mắt kênh truyền hình giải trí tổng hợp cao cấp Fansipan TV - kênh truyền hình dành cho những người trẻ tại các đô thị lớn.
Tối 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật tổng hợp và gặp mặt giao lưu truyền hình với chủ đề "Mãi mãi tuổi xanh."
Ngày 10/7, bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, có tên "Hồn ma siêu quậy" dài 90 phút, đã được khởi quay tại Thành phố Hồ Chí Minh, do đạo diễn Lê Bảo Trung viết kịch bản và sản xuất.
Duyệt lên duyệt xuống nhiều lần, cuối cùng "Trung úy" cũng được phép phổ biến. Bị cắt phân nửa các cảnh nóng nhưng phim vẫn bị dán nhãn "Cấm trẻ em dưới 16 tuổi".