Rồng đá trên thềm điện Kinh Thiên -
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Rồng đá trên thềm điện Kinh Thiên - Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Một tin vui nức lòng người dân Hà Nội và cả nước: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Ðây là danh hiệu cao quý nhất trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO. Và đến nay, Việt Nam đã có bốn di sản được nhận danh hiệu này (trước đó là cố đô Huế - 1993; đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn - 1999). Song, cùng với niềm vui, phía trước chúng ta là một hành trình mới với vô vàn thử thách...

Giá trị trường tồn...


Nghị quyết của UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã đáp ứng các tiêu chí của danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, với những giá trị nổi bật toàn cầu, ghi nhận bởi ba đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú.


Với diện tích khoảng 18 ha, nằm ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long, giá trị chủ yếu của di sản này nằm ở khu vực di tích khảo cổ học. Dựa trên những di tích còn sót lại trên mặt đất và hệ thống đồ sộ các di tích, di vật khai quật được trong lòng đất, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Ðông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vô-ban), đến từ Trung Hoa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.


Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật phát lộ đậm đặc trong khu vực này đã phản ánh một chuỗi dài liên tục 13 thế kỷ của đất nước. Một giá trị đặc sắc và độc đáo so với cả hệ thống các di sản văn hóa của thế giới!


Trong bản danh sách các di sản thế giới đã được công nhận, Hoàng thành Thăng Long đứng vị trí thứ 900. Nhiều người gọi đó là con số tròn trĩnh và đẹp đẽ. Nhưng để đạt được, hồ sơ Hoàng thành và phía sau là các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa... đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, trắc trở. Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam: Hồ sơ Hoàng thành Thăng Long được đăng ký từ tháng 9-2008 và chính thức được đệ trình UNESCO từ tháng 1-2009. Tuy đánh giá cao các giá trị độc đáo của khu di sản, nhưng ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) cũng đưa ra nhiều băn khoăn, lo ngại và khuyến cáo đối với bộ hồ sơ do Việt Nam đệ trình. Một trong những băn khoăn lớn của các chuyên gia quốc tế là diện tích khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được đề cập trong bộ hồ sơ chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với toàn bộ diện tích của khu vực Hoàng thành Thăng Long, trong khi vẫn có những mối liên hệ chặt chẽ cả về văn bản và di chỉ khai quật với các hệ thống di chỉ khác trong khu vực chung quanh như hệ thống phòng thủ của Hoàng thành Thăng Long, La Thành hay một số dấu tích thủy văn của sông Tô Lịch. Phạm vi khai quật cũng được xem là quá nhỏ, trong khi phần chưa khai quật, theo suy đoán khoa học, còn ẩn chứa rất nhiều giá trị độc đáo. Và điều quan ngại lớn nhất đối với không chỉ các nhà khoa học quốc tế, mà ngay chính trong giới khoa học Việt Nam, là khả năng bảo tồn, bảo vệ các giá trị của di sản trước những tác động của thời tiết, khí hậu, của quá trình đô thị hóa khi di sản lại nằm ngay vùng trung tâm của đô thị. Chính những điều này làm cho ICOMOS tỏ ra ngần ngại, và đã đề xuất dừng xem xét hồ sơ Hoàng thành Thăng Long đến năm sau.

 

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trước những quan ngại từ phía các chuyên gia quốc tế, đại diện Việt Nam có mặt tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã cam kết vững chắc bảo vệ di sản và nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS.


Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được vinh danh ở thứ hạng danh hiệu cao nhất, sánh cùng những di sản văn hóa đặc sắc nhất của nhân loại. Ðó là niềm tự hào, kiêu hãnh của văn hóa Việt. Nhưng với những gì mà chúng ta đã cam kết trước UNESCO, có thể thấy, con đường trước mắt là một chặng dài không đơn giản.


...và những nỗi lo




Những di vật quý giá được khai quật tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Chinhphu.vn và Vương Anh

Dù những kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được trình bày khá chi tiết trong chương trình hành động trình lên UNESCO (cũng là một phần quan trọng trong bộ hồ sơ), nhưng để hiện thực hóa những chương trình đó và tìm được phương án hiệu quả, phù hợp nhất với thực tế là điều vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học. Bởi, phần di tích quan trọng nhất của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính là phần di chỉ khai quật khảo cổ. Cho đến nay, phần di chỉ này mới được triển khai các biện pháp bảo tồn khẩn cấp (căng mái che, lắp máy hút nước...). Về lâu dài, còn cần phải tiến hành nhiều công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, thu thập đầy đủ các thông số cần thiết để xây dựng một phương án bảo tồn hợp lý, hiệu quả.

Hàng triệu hiện vật đã được khai quật lên, đang cất giữ trong kho cũng cần được áp dụng những biện pháp bảo quản hợp lý để tránh tác động của thời tiết, do điều kiện trong lòng đất, nơi đã giúp lưu giữ các hiện vật suốt mấy trăm năm qua, rất khác điều kiện trong không khí, làm tăng khả năng phá hủy.

Tiếp xúc với các nhà khoa học, dường như tất cả đều tỏ thái độ không mấy ngỡ ngàng, bởi họ hiểu hơn ai hết giá trị vô cùng độc đáo của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Trong niềm vui chung, họ lại là những người lo trước nỗi lo cùng di sản. GS Phan Huy Lê cho rằng, cần phải có sự thống nhất và nghiên cứu kỹ lưỡng về phương án bảo tồn lâu dài Hoàng thành Thăng Long. Trước mắt, phải tập trung thực hiện yêu cầu của UNESCO là mở cửa hai hạng mục trưng bày trong khu thành cổ và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trong đó, hạng mục khu khảo cổ học là bài toán nan giải nhất, để vừa đáp ứng yêu cầu trưng bày, vừa bảo vệ được di tích.

Theo TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ, tuy quy hoạch tổng thể khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được xây dựng, nhưng cần phải gấp rút tiến hành việc xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực nghiên cứu và bảo vệ. Và cần phải xây dựng ngay quy chế cho riêng việc bảo vệ di sản ở vùng lõi và vùng đệm của di tích. Trong năm 2011, Viện Khảo cổ sẽ tiến hành khai quật thăm dò ở khu vực nằm trên trục tâm linh nối Bắc Môn - điện Kính Thiên - cột cờ, phía trên khu vực thành cổ. Ðây là khu vực được các nhà khoa học kỳ vọng sẽ phát lộ nhiều điều thú vị, có giá trị.

Hà Nội cũng đã cam kết sẽ quản lý chặt chẽ tất cả hoạt động xây dựng trong khu vực Hoàng thành. Có nghĩa là, chúng ta đã rất nỗ lực để khỏa lấp phần nào nỗi băn khoăn, quan ngại của các chuyên gia quốc tế về chương trình bảo tồn di sản. Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ mối quan tâm và sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa vô giá mà cha ông đã để lại cho con cháu đất Việt. Niềm tự hào và trách nhiệm đang cùng đồng hành, để giá trị di sản văn hóa Việt tỏa sáng và bền vững.
 
                                                                                Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Phong trào thể dục - thể thao huyện Lương Sơn luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Khai thác hiệu quả du lịch biển - đảo Phú Quốc

Không ngừng đầu tư, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vu đạt chuẩn cao cấp, chủ động liên kết trong kinh doanh, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch và tham gia hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng sản phẩm phục vụ du khách, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), trong đó có Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc đã và đang khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch của "hòn đảo ngọc" theo hướng phát triển bền vững.

Kỳ Sơn: Giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng các cấp

(HBĐT) - Tối ngày 2/8, tại Sân vận động huyện Kỳ Sơn, Phòng VH – TT huyện đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010 – 2010. Đêm giao lưu có sự tham gia của 8 đoàn với hơn 100 diễn viên.

Việt Nam giành 6 huy chương trong liên hoan piano quốc tế tại Hàn Quốc

Đoàn sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vừa từ Liên hoan piano quốc tế diễn ra tại Hàn Quốc trở về mang theo 5 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc.

Bất ngờ lò luyện hát chèo nơi cửa Phật

Những ngày hè oi bức, bước chân vào cổng chùa Đống Lim (Long Biên – Hà Nội), khách vãn cảnh chùa lại được nghe những làn điệu chèo do chính sư trụ trì Thích Thanh Phương giảng dạy. Hơn 20 năm nay, sư thầy âm thầm dạy chèo miễn phí cho các em học sinh trước khi các em bước vào kỳ thi khắc nghiệt ở những trường đại học ngành nghệ thuật.

Gìn vàng giữ ngọc cải lương

6 suất hát từ 23.7 đến 1.8.2010, tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), với hai vở cải lương kinh điển là Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu, những nghệ sĩ tuồng cổ của đại gia đình Khánh Hồng - Minh Tơ thuở nào đã làm người xem ngỡ ngàng, xúc động...

‘Ý nghĩa vương miện không nằm ở giá trị kinh tế’

Ông Đoàn Công Huynh, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu VN khẳng định, vương miện hoa hậu mang theo những giá trị tinh thần và ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn mà không tiền bạc nào đong đếm được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục