Ca trù đang hồi sinh và phát triển.

Ca trù đang hồi sinh và phát triển.

Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 vừa khép lại, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nghệ thuật tại Liên hoan ca trù để cùng nhìn về ca trù Việt Nam trong những năm qua.

 

- Thưa Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 đã kết thúc tốt đẹp. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về liên hoan ca trù lần này?

Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh: Ca trù lần này không chỉ liên hoan, trước đó đã có hội nghị kiểm kê. Theo quy chế của UNESCO, khi một di sản được vinh danh thì nước chủ nhân phải làm một chương trình hành động và cứ hai năm phải kiểm điểm lại xem mình đã làm được cái gì. Vì đây là một di sản nghệ thuật nên mới có liên hoan.

Liên hoan này nhằm thể hiện những điều chúng ta đã làm được và chưa làm được trong hai năm vừa rồi.

Chúng ta điểm lại về con đường đi của ca trù. Trong xã hội cũ, ca trù là nghệ thuật thính phòng rất quý phái, là chỗ của những người trí thức “tao nhân mặc khách.” Trải qua 50 năm đầu của thế kỷ 20, ca trù bị Tây làm tha hóa, một bộ phận của ca trù trá hình cho hoạt động mại dâm như cô đầu rượu.  Do vậy, cứ nói cô đầu người ta nghĩ là đồi trụy, nhiều ca nương chân chính bị hiểu lầm đồng nghĩa với cô đầu.

Ca trù đã qua một số phận chìm nổi nên không phải ai cũng biết và cũng nhận thức đúng về nó. Sau khi ca trù được vinh danh, nhận thức của người dân về ca trù khác hẳn. Theo tôi, đó là cái được thứ nhất của ca trù trong hai năm qua.

Hơn nữa, nhờ việc ca trù được vinh danh nên 15 tỉnh, thành xưa kia đã có ca trù nay họ khôi phục lại, có những tỉnh còn mở rộng thêm. Đó là cái mừng thứ hai.

Còn cái mừng nhất là tham gia khôi phục ca trù, ngoài những nghệ nhân xưa kia còn có các bạn trẻ. Ngọn cờ ca trù đang bắt đầu chuyển sang tay lớp trẻ. Như vậy ca trù sẽ được tiếp nối mãi mãi.

Ngoài ra, người ta cũng đang cố gắng khôi phục toàn bộ các kỹ thuật đặc trưng về âm nhạc, văn thơ cũng như các giá trị nhiều mặt của ca trù một cách nguyên vẹn như ngày xưa. Chúng ta có một thói xấu là cái gì cũng sân khấu hóa tức là bắt chước sân khấu Tây. Ca trù thì không có chuyện đó, nó giữ được phong cách và lề thói nguyên bản của mình.

Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, hai năm mà ca trù làm được bằng ấy việc, theo tôi là đáng khen.

Tuy nhiên, liên hoan lần này cũng cho thấy một thực tế chưa vui. Đó là,  các hoạt động ca trù hiện nay hầu như mới chỉ trình diễn được ba, bốn làn điệu phổ thông nhất.

Bên cạnh đó, có những người rất nhiệt tình nhưng họ không thực sự hiểu ca trù là gì. Họ làm ca trù nhưng không biết phong cách của nghệ thuật này nên họ hát ca trù nghe như đọc kinh.

Còn có người không hiểu được quy cách ăn mặc, đi đứng của ca trù, nghĩ nghệ thuật này cũng giống như văn hóa quần chúng nên có trường hợp lên biểu diễn lại mặc những bộ quần áo sai quy cách của ca trù…

- Qua liên hoan lần này, ông có thấy một khoảng cách xa giữa những nghệ nhân lão làng và lớp ca trù trẻ?

Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh: Chúng ta không thể so sánh giữa thầy và trò được. Chỉ có điều các cụ ra đi nhiều quá nên nếu chúng ta không làm gấp công tác truyền dạy thì đến lúc sẽ không còn thầy mà dạy.

- Còn sự chênh lệch giữa các đoàn thì sao, thưa ông?

Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh: Cái này cũng không nói được. “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi vẻ,” mỗi đoàn có cái được và chưa được, chúng tôi góp ý với các đoàn về cái chưa được của họ rồi.

- Theo ông, cần làm gì để ca trù tiếp tục được phát triển trong tương lai?

Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh: Tôi nghĩ rằng, để tương lai ca trù tiếp tục phát triển được thì nhà nước phải vào cuộc một cách rốt ráo. Nhà nước cần giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một dự án với mục đích bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị của những di sản được UNESCO vinh danh.

Bên cạnh đó, thời gian tới, các ca nương, kép đàn cần học thêm những làn điệu khác ở trình độ cao hơn như “ Bậc ba cung bắc,” “Non mai hồng hạnh…”

Ngoài ra, chúng ta phải có kế hoạch để các người già dạy lớp trẻ, vì những người tham gia lần này tuy có cả trẻ nhưng vẫn chỉ là “được chăng hay chớ,” có nơi làm tốt có nơi không làm. Chúng ta phải biến đây thành nhiệm vụ chung. Các cơ quan lãnh đạo cũng cần tổ chức các lớp dạy ca trù cho những người có năng khiếu và có lòng say mê.

Để giúp người già có điều kiện dạy các cháu thì họ phải được phong danh hiệu nghệ nhân và có chính sách, có vậy họ sẽ thấy được vị trí của mình trong xã hội mà tâm huyết hơn.

Chúng tôi cũng đề nghị nên có những cuộc liên hoan định kỳ như thế này vì qua các cuộc liên hoan sẽ trau dồi và bổ sung những thiếu sót cho người làm ca trù. Hơn nữa, từ các giải thưởng của liên hoan sẽ khuyến khích sự nỗ lực cố gắng của người làm ca trù.

- Với những cố gắng của ca trù như hiện nay, chúng ta có thể tin vui vào tương lai của bộ môn nghệ thuật này, thưa ông?

Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh: Ca trù hồi sinh và đang phát triển. Chúng ta có quyền tin tưởng vào tương lai của nó.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Lễ bế mạc Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, diễn ra vào tối ngày 16/10, tại Hà Nội.

Có nhiều giải thưởng đã được trao cho các ca nương, kép đàn và các đoàn đạt thành tích cao tại liên hoan. Cụ thể:

Ban tổ chức đã trao 05 giải từ A đến khuyến khích theo lối Hát cửa đình (trong đó có 02 giải khuyến khích) với giải A thuộc về Giáo phường ca trù Thăng Long (Hà Nội). 03 giải A, B, C theo lối Hát của quyền, trong đó, giải A thuộc về Câu lạc bộ ca tù Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). 04 giải từ A đến khuyến khích theo lối Hát thi, giải A thuộc về Câu lạc bộ ca trù Trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương. 06 giải từ A đến khuyến khích (trong đó có 02 giải C và 02 giải khuyến khích) với giải A được trao cho Câu lạc bộ ca trù thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa. Hát thờ tổ nghề cũng có 02 giải A và B với giải A thuộc về Câu lạc bộ ca trù truyền thống UNESCO Hà Nội.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao các giải phụ cho ca nương và kép đàn như: giọng hát ca trù hay, ngón đàn ca trù giỏi…

Ngoài ra, tại lễ bế mạc, Hội Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đã trao danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 11 ca nương và kép đàn.

 

                                                                         Theo TTXVN

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Tài năng hội họa gốc Việt Nam tại Australia

Ở tuổi lên 6, nhưng các bức tranh của Jacquelyn Ngô đã gây sự ngạc nhiên lớn đối với giới nghệ thuật hội họa Australia bởi những nét cọ vui nhộn đầy màu sắc và đầy sức sống, bộc lộ khả năng của một tài năng lớn.

Bắt đầu dự án làm phim 48 giờ Canon Việt Nam

Dự án làm phim 48 giờ Canon Việt Nam năm 2011 đã chính thức bắt đầu từ ngày 14/10 tại Hà Nội.

Bầu chọn Vịnh Hạ Long: Gấp rút chặng quyết định

Chỉ còn gần một tháng nữa là cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới sẽ kết thúc. Tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước và trong nhiều sự kiện văn hóa, du lịch của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ VH, TT&DL đang phát động chiến dịch vận động bầu chọn tổng lực cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới ở giai đoạn nước rút.

Nên có tiêu chí rõ ràng hơn với ca trù

Ngày 13-10, Viện Âm nhạc và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) tổ chức hội nghị "Đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa Ca trù 2009-2010".

Trả lại không gian cho ca trù

140 nghệ nhân đến từ cả nước sẽ tranh tài trong 4 không gian trình diễn khác nhau tại Liên hoan Ca trù toàn quốc sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16/10. Đây là một nỗ lực nhằm vực dậy ca trù và cũng là nét mới đáng chú ý tại liên hoan lần này.

Nhà báo Việt Nam làm phim tài liệu về Palestine

Sáng 12/10, tại trụ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức lễ ra mắt bộ phim tài liệu “Palestine sau những bức tường chiếm đóng” và cuốn sách cùng tên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục