Một buổi trình diễn Không gian Hát cửa đình của Giáo phường Ca trù Thăng Long - Hà Nội.
140 nghệ nhân đến từ cả nước sẽ tranh tài trong 4 không gian trình diễn khác nhau tại Liên hoan Ca trù toàn quốc sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16/10. Đây là một nỗ lực nhằm vực dậy ca trù và cũng là nét mới đáng chú ý tại liên hoan lần này.
Đến hẹn lại lên, cứ hai năm một lần, sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản hóa văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Liên hoan Ca trù toàn quốc lại mở hội. Không chỉ là một hoạt động quan trọng, nằm trong cam kết giữa Việt Nam với UNESCO nhằm bảo vệ ca trù, liên hoan còn là dịp để nhận diện thực trạng và nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về ca trù.
Liên hoan năm nay thu hút sự tham gia của 23 CLB, giáo phường, nhóm ca trù… thuộc 15 tỉnh, thành có ca trù trên cả nước tranh tài. Mỗi nhóm ca trù sẽ tham gia với chương trình trình diễn có thời lượng tối đa 30 phút/chương trình, theo bốn không gian trình diễn khác nhau: Không gian Hát cửa đình, Không gian Hát cửa quyền, Không gian Hát chơi, Không gian Hát thi.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - một trong những người thực hiện hồ sơ quốc gia về ca trù đệ trình UNESCO, với bốn không gian trình diễn này, Liên hoan hy vọng sẽ trả lại một vài không gian diễn xướng quan trọng của ca trù. Thực tế, hai năm sau khi được UNESCO vinh danh, di sản ca trù vẫn còn nhiều việc cần phải bảo vệ khẩn cấp.
Đơn cử như số nghệ nhân cao niên, từng trình diễn trước 1945, giờ chỉ còn hơn 10 người. Nhiều thể cách, bài bản của ca trù giờ chỉ còn trong sách vở, không có người nhớ và có thể diễn xướng. Trong khi đó, dù đã có chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, nhưng nhìn chung ca trù vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự phát…
Đáng lo hơn, không gian diễn xướng - nơi sáng tạo, lưu truyền và biểu diễn ca trù đã mai một, nay lại có nguy cơ eo hẹp dần. Đơn cử như Không gian Hát cửa quyền đã mất bóng hàng chục năm nay.
Theo các nghệ nhân cao niên kể lại, xưa nhà quyền quý có đại sự, họ thường mời các giáo phường ca trù về trình diễn suốt mấy ngày đêm. Tục này gần như mất hẳn sau năm 1945 đến nay. Hát chúc hỗ - một canh hát ca trù phục vụ vua chúa trong cung đình, nay cũng không còn.
Hiện cả nước chỉ còn hai nghệ nhân từng vào cung vua Bảo Đại trình diễn ca trù còn sống và nhớ đôi ba thể cách của Hát chúc hỗ là nghệ nhân Phan Thị Mơn và Phan Thị Nga của CLB ca trù Cổ Đạm thì cả hai đều đã ngoài 80 tuổi không thể diễn xướng và rất khó khăn trong việc truyền dạy thể cách đáng quý này của ca trù.
Hiện không gian trình diễn quen thuộc của ca trù chính là Hát chơi với bộ ba quen thuộc là kép đàn, đào nương và quan viên. Mấy năm gần đây, Không gian Hát cửa đình ít nhiều cũng được khôi phục qua sự năng nổ hoạt động của các CLB.
Giáo phường ca trù Thăng Long sau một thời gian sinh hoạt thường kỳ ở đình Cống Vị, đình Giảng Võ - Hà Nội đã nỗ lực phục hồi Không gian Hát cửa đình với sự tư vấn của các nhà nghiên cứu như: GS Trần Văn Khê, Đặng Hoành Loan, Bùi Trọng Hiền… CLB ca trù Cổ Đạm và CLB ca trù Nguyễn Công Trứ ở huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh hằng năm vẫn thực hiện canh hát thờ tổ nghề ở trong Không gian Hát cửa đình…
Chính những "mầm hạt" từ thực tế sinh hoạt này của các giáo phường và CLB ca trù đã khiến BTC Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 mạnh dạn đưa bốn không gian trình diễn vào thử nghiệm. BTC Liên hoan khuyến khích các nghệ nhân, nhóm hát trình diễn những bài hát mang đậm bản sắc của địa phương.
Tại liên hoan lần này, 23 CLB, nhóm hát ca trù đã đăng ký tham gia tranh tài với 28 chương trình với tổng số 140 nghệ nhân. Trong đó có 11 chương trình đăng ký tham gia Không gian Hát thi, 8 chương trình Hát chơi, 5 chương trình Hát cửa đình và 4 chương trình Hát cửa quyền. Để ca trù trở lại là một chặng đường dài nhưng với những thể nghiệm này, ít nhiều đem đến những hy vọng cho di sản này trở lại với những không gian trình diễn quen thuộc của ca trù.
Hơn thế, ca trù dù đã được chú ý, quan tâm nhiều hơn nhưng những hiểu biết của cộng đồng xã hội về di sản đã được UNESCO vinh danh này vẫn còn nhiều hạn chế. Để yêu để say với ca trù chí ít cũng phải có hiểu biết về di sản này.
Vì thế, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định: "Thử nghiệm đưa bốn không gian trình diễn vào liên hoan lần này là nỗ lực đem đến cho cộng đồng hiểu biết thêm về ca trù. Hơn thế, chúng tôi hy vọng nỗ lực này sẽ trả lại không gian diễn xướng cho ca trù"
Theo CAND
Thể hiện tình cảm nồng ấm của đất liền với Trường Sa, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Công ty Giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô thực hiện chương trình nghệ thuật xuyên Việt "Tình yêu Trường Sa".
Trong năm 2011, Việt Nam đã có 430 phát hiện, nghiên cứu mới về khảo cổ. Con số này cho thấy lượng di chỉ được khai quật tương đối lớn, thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, khảo cổ học Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do thiếu quy hoạch tổng thể và thiết bị hiện đại.
Đại diện Việt Nam tại cuộc thi Manhunt 2011 Trương Nam Thành lọt top 5 chung cuộc và còn giành thêm giải Thí sinh được yêu thích nhất.
Ngày 10/10, tại Nhà thi đấu thể thao thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La đã khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc lần thứ 11 - năm 2011.
"Tác động vì hòa bình" là chủ đề của triển lãm tranh do nhiếp ảnh gia người Anh Sean Sutton - người đã dành 14 năm qua cho tổ chức MAG (Nhóm cố vấn bom mìn) và liên tục có các chuyến đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, ghi lại những hình ảnh về ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu chưa nổ, các loại vũ khí chiến tranh… đối với người dân và những giải pháp mà tổ chức MAG mang tới.
(HBĐT) - Vì ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc nên con người đã có rất nhiều cách để lưu giữ lại cái “linh hồn” đó.