Múa lân trên phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.
Sau hơn 150 năm du nhập vào Việt Nam, với sự lan tỏa rộng khắp của nhiếp ảnh trên nhiều lĩnh vực, cùng với bề dày lịch sử của một đất nước, ảnh tư liệu và ảnh nghệ thuật của các tác giả Việt Nam và nước ngoài đã trở thành di sản của quốc gia và của nhân loại.
Nhằm nâng cao nhận thức về di sản ảnh và tìm giải pháp phát huy tiềm năng, giá trị đích thực của nhiếp ảnh đối với cuộc sống, Cục Di sản văn hóa phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ) tổ chức Hội thảo "Vai trò của di sản và bảo tàng ảnh trong cuộc sống đương đại".
Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19, văn hóa, văn minh châu Âu thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, được người Việt tiếp thu và phát triển một cách nhanh chóng, đồng thời nhiều thành tựu đã được ứng dụng trong đời sống văn hóa của Việt Nam. Một số bộ môn khoa học, nghệ thuật đã ra đời, trong đó có nhiếp ảnh. Từ chỗ thỏa mãn sự hiếu kỳ, khám phá mới lạ của công chúng, nhiếp ảnh đã chứng tỏ tính hữu ích, sức mạnh và tính nghệ thuật của mình. Ra đời cách đây 150 năm, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc ghi hình, lưu giữ những tư liệu ảnh quý về quá trình hình thành, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, có những bức ảnh đã trở thành nhân chứng lịch sử vô cùng giá trị.
Tuy nhiên, tại nước ta khái niệm "di sản ảnh" vẫn còn là một điều mới mẻ, chính vì vậy việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này vẫn chưa thật sự có chiến lược cụ thể và kế hoạch rõ ràng. Do đó, hội thảo trên được tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm trong nước đối với việc nhận diện di sản ảnh nói chung và di sản ảnh ở Việt Nam nói riêng. Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản TTXVN Vũ Quốc Khánh, cho rằng: "Hiện nay khái niệm di sản ảnh đối với quốc tế đã trở nên quen thuộc, tuy nhiên ở Việt Nam cũng còn nhiều mới lạ. Nhiếp ảnh Việt Nam mới được quản lý theo một chuyên ngành nghệ thuật, báo chí, tư liệu mà chưa được tiếp cận như một loại hình di sản, cho nên việc lưu giữ, sử dụng ảnh dưới dạng di sản còn nhiều hạn chế do chưa có chính sách, quy định cụ thể".
Dù chưa có một tiêu chí thống nhất để xác định di sản ảnh, nhưng rõ ràng nhiếp ảnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ hình ảnh nhân loại và tác dụng to lớn của nó đối với cuộc sống đương đại. Nhiếp ảnh chính là sợi dây nối liền hiện tại và quá khứ. Ảnh giúp chúng ta nhận diện được từng dân tộc, từng tầng lớp người qua đặc trưng, đặc điểm của diện mạo hay qua tác phong, trang phục hoặc nhiều khía cạnh khác... Cũng tại hội thảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho rằng: "Dưới con mắt của di sản, chúng ta không cần chia tách nhiếp ảnh ra thành các thể loại khác nhau. Vì mục đích của chúng ta không phải nghiên cứu về cấu trúc, công năng của các loại hình nhiếp ảnh này, mà là tìm đến giá trị tự thân của từng bức ảnh hàm chứa nội dung xã hội, nội dung lịch sử, nội dung thẩm mỹ, văn hóa thời đại. Những bức ảnh này mang lại cho chúng ta các thông điệp về đời sống trong ảnh và mối quan hệ xã hội đằng sau bức ảnh đều là những di sản ảnh quý giá". Tham dự hội thảo, tiến sĩ Xa-vi-ê Ca-nông-nơ, Giám đốc Bảo tàng Sác-lơ-roa (Bỉ) nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm xây dựng chính sách bảo vệ di sản nhiếp ảnh, làm cơ sở nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công việc ý nghĩa này.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của di sản ảnh, cách đây 20 năm, lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam lúc đó là ông Hoàng Tư Trai và ông Lê Phức đã xúc tiến đề nghị Nhà nước xây dựng Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia, nhằm phát huy hơn nữa di sản ảnh đối với cuộc sống đương đại. Dự án này chính thức được bắt đầu khởi công năm 2008 tại Khu đô thị mới Dịch Vọng Hậu, đường Trần Thái Tôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội trên diện tích 1.170m2. Với sự giúp đỡ của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và vùng Oan-lon-ni (Brúc-xen), đặc biệt là Bảo tàng ảnh Sác-lơ-roa trong việc hỗ trợ tư vấn về chính sách bảo vệ di sản ảnh và xây dựng Bảo tàng ảnh, một bảo tàng chuyên ngành, độc đáo chưa từng có tại Việt Nam cũng như khu vực Ðông-Nam Á. Bảo tàng này có mục đích sưu tầm, lưu giữ và bảo vệ di sản ảnh, thông qua các hoạt động phong phú của bảo tàng như trưng bày, giới thiệu, giáo dục và xuất bản. Bảo tàng ảnh sẽ trở thành một thiết chế văn hóa phục vụ cho mục tiêu học tập, giáo dục và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Theo kế hoạch, công trình này sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2012. Tới đây Việt Nam sẽ từng bước xây dựng hành lang pháp lý để đưa các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị tư liệu, lịch sử, văn hóa vào danh mục di sản ảnh của Việt Nam.
Bảo tàng ảnh quốc gia sẽ thu thập tất cả các tác phẩm chụp về Việt Nam của người Việt Nam và người nước ngoài thành một mối. Sau khi phân loại, những bức ảnh được lưu giữ trong bảo tàng này sẽ chính là hình ảnh, lịch sử của dân tộc, của đất nước 150 năm qua, góp phần hiệu quả trong việc giáo dục lịch sử truyền thống cho các tầng lớp độc giả, đồng thời đây còn là địa chỉ để quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới. Bảo tàng này cũng sẽ là địa chỉ triển lãm ảnh luân phiên, thường xuyên và miễn phí dành cho các nghệ sĩ muốn giới thiệu thành quả lao động nghệ thuật của mình.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở VH-TT&DL đã tiến hành 2 cuộc thanh tra bình xét các danh hiệu văn hóa tại huyện Lương Sơn và Yên Thủy.
Đúng 11h11’ (giờ GMT) ngày 11-11 (tức 18h11’ giờ Việt Nam), hệ thống bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do Tổ chức NewOpenWorld (NOW) phát động chính thức khép lại. Kết quả được tổng hợp và công bố vào khoảng 2h07’ sáng 12-11 (giờ Việt Nam). Dù kết quả thế nào thì chặng đường 4 năm qua đã là chiến thắng đáng tự hào cho những nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam cũng như của di sản thiên nhiên có một không hai Vịnh Hạ Long.
Chỉ còn ít giờ nữa là đêm chung kết Ngôi sao tuổi Teen 2011 sẽ diễn ra. Hiện tại công tác tổ chức cuộc thi đang được ê kíp thực hiện gấp rút chuẩn bị.
Sáng nay, 11/11/2011, tại Trụ sở hội Nhà văn Hà Nội số 19 phố Hàng buồm, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm "Quang Dũng-Khúc độc hành" nhân dịp 90 năm sinh của nàh thơ, một gương mặt tiêu biểu của Văn học Việt Nam thời hiện đại.
Công nghệ mà AVG sử dụng hiện nay được Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) công nhận là tiên tiến nhất thế giới và AVG là đơn vị đầu tiên của châu Á thử nghiệm thành công và áp dụng trên diện rộng.
(HBĐT) - Năm nay đã đã bước sang tuổi 79 với gần 60 năm hoạt động, nghiên cứu, sáng tác văn hóa, nghệ thuật dân gian dân tộc Mường Hòa Bình, NSUT Bùi Chí Thanh đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Mường, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng và múa dân gian dân tộc Mường.