Mỗi khi xuân về là trên vùng Ðất Tổ Hùng Vương lại rộn ràng những khúc hát Xoan của kép nam, đào nữ. Với người dân nơi đây, Xoan đã trở thành một yếu tố quan trọng làm nên đời sống tinh thần...
Hằng năm, từ mồng năm tháng Giêng đến mồng mười tháng ba là khoảng thời gian để Xoan "khai tiệc" lần lượt ở khắp 24 cửa đình thuộc 18 làng xã chung quanh Ðền Hùng. Gắn liền với những truyền thuyết lịch sử và huyền thoại trong dân gian, Xoan được biết đến như một loại hình nghệ thuật cổ xưa vào loại bậc nhất và là "đặc sản" riêng thuộc về miền quê Phú Thọ. Tuy còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các nhà chuyên môn về thời gian ra đời của Xoan, song từ nhiều dấu tích tín ngưỡng và cứ liệu trong lời ca được lưu truyền đều có thể đi đến suy luận rằng Xoan đã xuất hiện từ thời vua Hùng dựng nước. Theo đó, Xoan - cách đọc chệch đi của Xuân, là khúc hát để thờ vua Hùng, các thành hoàng làng, cầu cho mùa màng, sức khỏe và cầu duyên. Từ cái nôi Xoan gốc ở bốn làng Phù Ðức, Kim Ðới, An Thái, Thét, Xoan đã vượt sông Lô đến với Ðức Bác, Tử Du, vượt sông Thao để đến với Hương Nộn, tạo thành một "vùng văn hóa hát Xoan" theo cách gọi của Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tháng 11 vừa qua, hát Xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ấy là bởi lối hát cửa đình này vốn dĩ mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa cổ đại vượt khỏi ranh giới của một loại hình nghệ thuật truyền thống. Sinh ra từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, có lẽ Xoan là hình thức dân ca có tính tổng hợp và đa yếu tố nhất. Bởi Xoan bao gồm cả phần lễ, phần hội, trong đó lễ gắn liền với nghi thức tín ngưỡng, hội gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, hát gắn liền với múa, tất cả kết nối tạo nên một không gian Xoan vừa tâm linh, vừa thế tục. Với ba chặng hát: nghi lễ, quả cách và giao duyên, phần hát nghi lễ trang nghiêm thành kính bao nhiêu, thì phần hát giao duyên lại dân dã, tình tứ bấy nhiêu. Cùng với những lời ca gãy gọn, rộn ràng là những điệu múa vừa mềm mại, uyển chuyển của phái nữ, vừa khỏe khoắn, mạnh mẽ của phái nam. Bước chuyển từ phần lễ đến phần hội của Xoan khiến người trong cuộc như được trải qua một hành trình từ "đạo" đến "đời", càng về cuối càng hấp dẫn và thêm háo hức... Ðặt Xoan trong hệ thống thể loại dân ca vùng trung du và châu thổ sông Hồng, ở phần lễ nghi, có thể nhận ra bóng dáng Xoan trong các điệu hát dô, hát dặm, ở phần giao duyên dễ nhận thấy sự gần gũi của Xoan với hát ghẹo và một số lối hát giao duyên khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong Xoan cũng có cả nét quen thuộc của ví, đúm, trống quân, hay quan họ...
Nhưng, cũng chính bởi tính đa dạng, phức hợp của các yếu tố và sự phong phú, linh hoạt trong trình tự diễn xướng đã khiến Xoan trở thành loại hình nghệ thuật khó nghiên cứu và truyền bá. Hơn nữa, có một thời kỳ, Xoan "đứt gánh" vì có quan niệm coi Xoan là sản phẩm của chế độ phong kiến cổ hủ, giáo điều nên có lúc như đứng trước nguy cơ thất truyền. Vì thế, lời ca và nhiều làn điệu Xoan đang mai một và biến dạng, tài liệu nghiên cứu về Xoan cũng còn rất hạn chế, làm cho công tác bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan gặp nhiều khó khăn. Về mặt nghệ thuật, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định: Ðiểm độc đáo nhất về mặt âm nhạc học của Xoan là lối hát đối đáp ở hai giọng cách nhau quãng bốn đúng. Kép đưa cách cho đào đón cách, kẻ hỏi người thưa, chàng tung nàng hứng, cứ thế luân phiên trong lúc mỗi bên luôn trung thành với giọng điệu của riêng mình. Nếu không hiểu về Xoan sẽ giật mình tưởng phường Xoan hát "phô", hát chênh. Kéo theo sự "tưởng" đó, những "tai nhạc" đã được "phương Tây hóa" vô tình chỉnh những thang âm dân tộc trong Xoan thành đồng giọng cho dễ hát, dễ nghe, khiến Xoan không còn là Xoan nữa. Chính vì thế, tại Hội thảo khoa học quốc tế Hát xoan Phú Thọ do Viện Âm nhạc và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vừa qua, PGS, TS Nguyễn Thụy Loan nhấn mạnh: Ðể Xoan vẫn là Xoan, cần bảo tồn Xoan ở dạng vốn có trong môi trường vốn có, trong đó ưu tiên hàng đầu là chặng hát lễ nghi cúng tế tại đình. Còn các tiết mục thuộc phần phong tục có thể duy trì như một nếp sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật độc đáo không chỉ là độc quyền của vùng Xoan. Ða dạng về chức năng và nội dung, Xoan còn cần đến sự đa dạng hóa phương thức bảo tồn, tận dụng khả năng thích ứng thời đại đã được kiểm chứng nhằm tái tạo và mở rộng đất sống cho Xoan.
Theo thống kê của Phú Thọ, hiện cả tỉnh còn khoảng 70 nghệ nhân hát Xoan, nhưng chỉ khoảng 10 người có khả năng truyền dạy. Những "báu vật nhân văn sống" về Xoan của Phú Thọ như bà Nguyễn Thị Lịch, ông Lê Xuân Ngũ cũng đã trên dưới trăm tuổi, nay mắt mờ, lưng còng, chân yếu, chỉ duy tình yêu Xoan vẫn tha thiết, đắm say. Thiết nghĩ, chỉ khi nào tình yêu ấy được nhân rộng, đến với thế hệ trẻ thì sức sống của Xoan mới thật sự lan tỏa, trường tồn. Ðể làm được việc đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về những nhà chuyên môn trực tiếp làm công tác sưu tầm và bảo tồn, mà còn phụ thuộc vào chính sách thiết thực của Nhà nước và địa phương, trước hết là các nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Cũng tại Hội thảo nói trên, ông Yves Defrance - nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp, sau khi được thưởng thức một đêm "hát xoan sống" tại đình Lâu Thượng (xã Trưng Vương, tỉnh Phú Thọ) đã đem đến ý tưởng cần giới thiệu và quảng bá đồng bộ về Xoan trên mọi phương diện: trong nhà trường, trong cộng đồng qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, trong chương trình biểu diễn trên sân khấu và trên các phương tiện truyền thông. Các hoạt động này phải dựa trên nguyên tắc hết mực tôn trọng cái gốc nhưng không đóng băng cứng ngắc vào một giai đoạn lịch sử đã qua, mà khéo léo chọn lựa những yếu tố "động" thích hợp để gắn kết với con người trong xã hội hiện đại. Rất nhiều đóng góp, nhiều ý kiến đáng ghi nhận về việc bảo tồn và phát triển Xoan đã được các nhà chuyên môn đưa ra. Song có một điều cần khẳng định là: dù quảng bá, dù bảo tồn bằng cách nào đi nữa vẫn phải xuất phát từ sự khuếch tán tình yêu và niềm tự hào với giá trị di sản hát Xoan của người dân Ðất Tổ.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Chiều muộn, chị Tâm vội vàng cầm tập thiếp cưới đi mời bà con hàng xóm. Đi một vòng hết lượt quay ra vẫn thấy nhà cô Liễu đóng cửa, chị định bụng đứng đợi bởi giờ này chắc cô ấy cũng sắp về rồi.
Có công lớn trong việc đưa VTC từ một xí nghiệp làm dịch vụ bảo hành tivi và các thiết bị truyền hình thành Tổng công ty truyền thông đa phương tiện hàng đầu Việt Nam, song đã đến thời điểm ông Thái Minh Tần phải “rửa tay gác kiếm,” nhận sổ hưu từ 1/1/2012.
Các người đẹp của cuộc thi Nữ hoàng du lịch quốc tế - MISS TOURISM QUEEN INTERNATONAL đã tiếp tục có những hoạt động thú vị trong những ngày qua như: bốc thăm thi Tài Năng và chụp hình dạ hội chính thức cũng như thăm quan phong cảnh, giao lưu với người dân địa phương nơi đây.
(HBĐT) - Bảo tàng tỉnh Hòa Bình là đơn vị được thành lập khá sớm. Tiền thân là phòng Bảo tồn, bảo tàng thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Hòa Bình từ năm 1961.
Như một thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, các nhà sản xuất, trong đó có show ca nhạc và các giải thưởng luôn cần phải “điểm danh” xem năm qua mình đã làm được những gì, để rồi còn tiếp tục “xả hàng” vào dịp cuối năm thu hồi vốn. Vì thế sinh ra hiện tượng loạn và bội thực hàng cũng là điều khó tránh khỏi.
Muốn làm được chương trình truyền hình thú vị để tạo nên những tràng cười bổ ích thì việc tìm một kịch bản chất lượng cũng là điều vô cùng khó khăn trong khi tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều than thở: “Bói không ra một kịch bản hay...”.