Giúp nhau dựng nhà - công việc thường ngày của người dân Đồng Chum.

Giúp nhau dựng nhà - công việc thường ngày của người dân Đồng Chum.

(HBĐT) - Đã hơn một lần chúng tôi được đặt chân đến xã Đồng Chum, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc. Mỗi chuyến đi đều có cảm nhận khác biệt vì sự đổi thay theo đà phát triển kinh tế, xã hội của làng, xã.

 

Lần này đến với Đồng Chum, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là cuộc sống của người dân dường như sôi động hơn trong sự mộc mạc, hồn hậu vốn có. Phát huy mô hình tổ liên gia tự quản, người người, nhà nhà cùng nêu cao ý thức trách nhiệm vì gia đình, vì cộng đồng bền vững. 

 

Vượt qua chặng đường hơn 80 km từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi đến Đồng Chum khi mặt trời đã đứng bóng. Bước vào địa phận của xã, chúng tôi đã phải dừng xe để ghi lại hình ảnh những người đàn ông trong cùng chòm xóm giúp nhau dựng nhà. Ngôi nhà đã được dựng thành khung, không lớn lắm nhưng áng chừng đó không phải là nhà của hộ nghèo. Sau một vài phút chào hỏi xã giao, câu chuyện giữa chúng tôi, những người khách lạ với người dân bản địa đã trở nên cởi mở, thân tình. Trong câu chuyện tâm tình ấy, chúng tôi được biết: vào mùa khô hanh và cũng là lúc nông nhàn như thời điểm này, người dân thường giúp nhau sửa chữa, nâng cấp hay dựng mới những ngôi nhà. Hầu hết nhà ở của người dân Đồng Chum được làm bằng gỗ, lợp ngói có thể là nhà kê hoặc nhà sàn, chỉ mới có số ít hộ làm được nhà xây kiên cố. Những người đàn ông trong xóm, xã hầu như ai cũng biết làm nhà, họ thường xuyên giúp đỡ nhau để đỡ phần công cán và gắn chặt thêm tình đoàn kết xóm làng. Vui chuyện, người phụ nữ tên Hoa, hàng xóm của gia chủ cho chúng tôi biết thêm: Cuộc sống của chúng  tôi  tuy còn nhiều khó khăn nhưng đầm ấm, vui vẻ lắm. Không chỉ giúp nhau những việc lớn như ma chay, cưới xin, dựng nhà, dựng cửa, chúng tôi còn thường xuyên thăm nom, giúp đỡ lẫn nhau khi có người gặp khó khăn, hoạn nạn, cùng bảo ban nhau cách làm ăn để vượt đói, thắng nghèo. Nghe qua lời bộc bạch của người phụ nữ ấy, dường như mỗi chúng tôi ai cũng tràn ngập niềm vui vì đã khám phá ra một điều không hoàn toàn mới mẻ nhưng rất đỗi thiêng liêng. Cũng đúng thôi, bởi sống ở thành phố chúng tôi đâu thấy được tình hàng xóm, láng giềng đậm đà, keo sơn đến như vậy.

 

Niềm vui, sự hứng khởi đó không chỉ thoảng qua trong chốc lát mà còn đọng lại mãi bởi trên đường đi chúng tôi lại tiếp tục được thấy những hình ảnh hết sức sống động xuất phát từ công việc thường người của người dân nơi đây. Đó là hình ảnh những những người phụ nữ đang cùng nhau múc cát, sỏi dưới lòng suối để làm đường giao thông nông thôn và đông đảo những người đàn ông cùng quăng chài, giăng lưới đánh bắt cá ở một đoạn khác của dòng suối Chum. Tới gần trụ sở UBND xã, chúng tôi dừng xe, xắn ống quần lội ruộng để ghi lại hình ảnh người dân xóm Mới ra quân làm chiến dịch thủy lợi. Vẫn là ánh mắt, nụ cười và những lời chào hỏi xã giao giúp chúng tôi ghi lại quang cảnh lao động của người dân một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, phải đến sau này, chúng tôi mới hiểu được rằng người dân nơi đây có thân thiện, cởi mở thật đấy nhưng họ luôn đề cao cảnh giác với những người lạ.

 

Tới nhà người quen, ở xóm Mới 1, ngồi khoảng chừng 10 phút, chưa uống cạn  tách trà đã thấy có người hắng giọng hỏi thăm. Đến tìm chúng tôi là một người đàn ông trung niên dáng vẻ hiền lành, nhưng ánh mắt khá cương nghị. Anh tự giới thiệu tên mình là Xa Thanh Ban, Trưởng công an xã và anh đến đây để làm nhiệm vụ. Sau khi yêu cầu chúng tôi xuất trình, chứng minh thư, thẻ nhà báo và tìm hiểu mục đích chuyến viếng  thăm xã của chúng tôi, anh mới trò chuyện một cách cởi mở. Thẳng thắn, cương trực, anh bộc bạch: các anh chị thông cảm, lệ ở đây là như vậy, khi có người lạ đến địa bàn bắt buộc phải trình báo với chính quyền xã. Chúng tôi làm vậy để giữ sự bình yên cho xóm làng, việc này đã được Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo, giao bằng nghị quyết chứ không chỉ nói xuông. Qua câu chuyện với đồng chí Trưởng công an xã, chúng tôi được rõ hơn rằng cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây luôn hết sức coi trọng giữ gìn ANTT. Nhiều năm nay, xã đã đưa việc xây dựng lực lượng an ninh cơ sở và tổ tự quản đi vào chiều sâu, hoạt động có hiệu quả thiết thực để tạo nền tảng vững chắc cho phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ tại cơ sở. Xã Đồng Chum có 10 xóm là nơi cư trú, sinh sống của 665 hộ gia đình, dân tộc Tày chiếm tỷ lệ gần 90%. Xã có địa bàn giáp ranh với các xã Mường Chiềng, Đoàn Kết, Tân Pheo (Đà Bắc) và xã Song Khủa của huyện Mộc Châu (Sơn La) một xã có tình hình ANTT tương đối phức tạp. Hơn 10 năm trước, cuộc sống của người dân nơi đây còn hết sức khó khăn, tỷ lệ đói ngèo có lúc lên tới 70%. Cũng bởi đói nghèo mà có thời kỳ Đồng Chum trở thành điểm nóng về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép từ rừng Phu Canh. Song song với thực trạng đó là tình trạng người dân uống rượu say, trộm cắp vặt, bạo lực gia đình, xung đột vì tranh chấp đất canh tác... khiến cho cuộc sống của người dân đã khó khăn lại không mấy yên bình. Để khắc phục tình trạng đó, xã đã quyết tâm xây dựng thành công mô hình "tổ tự quản" phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ. Người được phân công phụ trách nhóm hộ là những đảng viên vừa có uy tín, có khả năng vận động quần chúng, vừa biết làm kinh tế, có trách nhiệm truyền tải chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương đến với người dân. Để phát triển kinh tế XĐ-GN từ tổ tự quản, các hộ đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi cách làm ăn. Hộ nào gặp khó khăn về giống, vốn, sức lao động, các thành viên trong tổ hợp sức lại để giúp đỡ. Ngoài ra, các tổ tự quản cũng được tạo điều kiện để được vay vốn ngân hàng phát triển trồng  trọt, chăn nuôi nâng cao mức sống. Thành lập các tổ tự quản rồi, xã tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện quy ước, hương ước của xóm với những quy định cụ thể. Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị khiển trách trong các cuộc họp của KDC và không được tham gia các hoạt động ở cơ sở như vay vốn, chuyển giao KH-KT và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

 

Nhờ triển khai mô hình tổ tự quản này mà Đồng Chum đã có sự đổi thay vượt bậc. Từ một xã là điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, giờ đây đã trở thành một trong những xã làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Trên địa bàn xã hiện không còn nạn trộm cắp, không có tệ nạn ma túy, mại dâm... Từ việc triển khai, thực hiện phong trào tự quản, trong xã đã nổi lên những tấm gương sáng là những già làng tận tụy như cụ Xa Văn Thế - xóm Nhạp, Lường Văn Xuyên xóm Cọ Phụng, Xa Văn Thanh - xóm Pa Chè... và một đội ngũ công an viên luôn hết lòng vì công việc. Trò chuyện với chúng tôi, trưởng công an xã Xa Văn Ban không quên nhắc tới niềm tự hào là thời gian qua, xã đã có nhiều lượt tập thể cá nhân được Ủy ban MTTQ các cấp, Công an tỉnh, huyện biểu dương vì có thành tích trong phong trào bảo vệ ANTQ. Điển hình là xóm Cọ Phụng đã được huyện biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ ANTT giai đoạn 1998-2010.

 

Đến với Đồng Chum khi ánh nắng trải vàng dưới bầu trời cao xanh vời vợi và rời chân đi khi bóng chiều tà, thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để mỗi chúng tôi cảm nhận được những nét hay, nét đẹp, sự chân tình, mộc mạc trong cuộc sống thường ngày của người dân. In sâu trong tâm trí của chúng tôi cho tới hôm nay là cách thức mà người dân sử dụng để làm công tác tự quản. Họ tự quản để XĐ-GN, giữ gìn ANTT và xây dựng cộng đồng bền vững.

 

                                                                                     

                                                                        Thúy Hằng

 

Các tin khác

Tiết mục múa
Màn trình tấu cồng chiêng “Vật báu hồn thiêng” của trên 1.000 nghệ nhân cồng chiêng Hòa Bình. ảnh Minh Tuấn.

Chiều cuối năm

(HBĐT) - Trời rét ngọt, đợt rét cuối năm sao buốt giá lạnh đến thế. Quán nước ven đường nhỏ bé trống trải như cũng run lên bởi những cơn gió bấc của mùa đông. Hàng cây xà cừ ven đường vút cao, thân cây bong lớp vỏ ngoài lộ ra một màu trắng như cánh tay trần phụ nữ đang chỉ lên giữa trời mùa đông. Tiếng bà chủ quán thì thầm nói một mình:

Ngày hội văn hoá - thể thao vùng nam huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Cuối tháng 12/2011, tại xã Thanh Lương, đã diễn ra ngày hội văn hoá-thể thao vùng nam huyện năm 2011. Tham dự ngày hội có 260 VĐV, diễn viên của 13 đoàn trong khu vực, trong đó, có 1 xã thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và các cơ quan, đơn vị, trường học trong vùng.

Rộn ràng câu ca Mường Động

(HBĐT) - Là một trong 4 vùng mường lớn nhất của tỉnh, Mường Động - Kim Bôi vẫn giữ được nét truyền thống độc đáo trong điệu múa, lời ca.

Những kỷ lục trái ngược của điện ảnh VN 2011

Hàng loạt giải thưởng quốc tế và các dấu mốc mới về doanh thu phim Việt là những niềm an ủi lớn trong một năm mà ngành nghệ thuật thứ bảy chịu tác động nặng nề sau vụ thất thoát 38 tỷ đồng tại Cục điện ảnh.

Giấc mơ xuân của Duyên dáng Việt Nam

Tối 29-12, chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 25 với chủ đề Giấc mơ xuân quy tụ hơn 100 nghệ sĩ đã khai màn đêm đầu tiên tại nhà hát Hòa Bình.

Khi công nghệ số "xâm lăng" điện ảnh

Cuộc toạ đàm “Sản xuất, khai thác và lưu trữ bảo quản tư liệu hình ảnh động với công nghệ số” do Viện phim VN tổ chức, diễn ra sáng 28.12 tại HN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục