Đến nay, người dân Mường Nghĩa vẫn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa, những trò chơi dân gian độc đáo. Ảnh: Trò chơi đánh mảng được tổ chức trong các ngày lễ, tết, ngày hội ở Mường Nghĩa.
(HBĐT) - Mường Nghĩa là vùng đất nằm trên tuyến đường lên 3 xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu và Tự Do, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Nét đặc trưng của Mường Nghĩa là vùng đất trải dài ven bờ một nhánh đầu nguồn của con sông Bưởi.
Nhánh này bắt nguồn từ huyện Tân Lạc chảy xuống, còn nhánh thứ hai được hợp thành bởi nhiều con suối thuộc các xã Bình Hẻm, Yên Phú cho đến vùng Mường Vang, Mường Vó chảy về. Hai nhánh hợp nhất tại Mường Nghĩa, tạo thành con sông Bưởi chảy suốt vào tận sông Ngang của tỉnh Thanh Hóa. Đồng đất nơi đây tuy hẹp nhưng phì nhiêu, màu mỡ, cho năng suất, sản lượng cao với nhiều loại cây trồng. Trong Mường có cây đa cổ thụ và là nơi thờ thành hoàng làng. Hàng năm, nhân dân trong mường đều tổ chức lễ dâng hương và mở lễ hội mùa xuân với nhiều trò chơi dân gian phong phú, độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Cùng với chợ trung tâm buôn bán của thị trấn Vụ Bản và là chợ nông sản đầu mối của huyện Lạc Sơn đã hình thành nên một diện mạo mới của làng Mường nhưng vẫn không tách rời những nét đặc trưng của một chợ nông thôn vùng núi.
Một trong những nét độc đáo khác của Mường Nghĩa là hệ thống các ngôi nhà sàn còn được lưu giữ. Nhà sàn được xây dựng bằng kiến trúc dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như gỗ, tre, nứa, lá. Với lối kiến trúc giản dị, song lại lưu giữ trong lòng giá trị đặc sắc, là sự tiếp nối kiểu kiến trúc nhà sàn vốn có của người Việt cổ. Hiện nay, do thiếu cây để làm nhà nên một số hộ đã chuyển sang làm nhà sàn bằng cột bê tông. Tuy nhiên, kiến trúc nhà sàn vẫn được giữ nguyên không hề thay đổi. Những năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng được đẩy mạnh đã tạo điều kiện để Mường Nghĩa đón khách thập phương đến thăm quan, tìm hiểu, nghiên cứu về những nét văn hóa đặc trưng. Theo đó, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, sinh hoạt văn hoá, ẩm thực... đang được khôi phục từng bước tạo nên sức hút đối với du khách. Đặc biệt, theo nhiều người có tuổi trong vùng, nói đến Mường Nghĩa sẽ nghĩ ngay đến những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Những câu chuyện được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác mà nghe mãi vẫn thấy mới như câu chuyện về “Dòng họ nuôi rồng”. Câu chuyện về ngọc Vó Rác, nghĩa là một hẻm núi có cái giếng với nguồn nước dồi dào. Với Mường Nghĩa, đây là một giếng thiêng, không bao giờ cạn nước, mỗi lần muốn tát nước giếng hoặc sửa sang, dọn dẹp cho giếng sạch sẽ phải cúng xong mới được làm. Các cụ thường kể rằng, trước đây, cứ mỗi lần trong làng bị mất trâu, bò mà lâu ngày không tìm thấy chỉ cần mang một cái mõ đến bên giếng nước vừa gõ vừa gọi trâu về, thế là trong một, hai ngày tới con vật sẽ tự về nhà hoặc là sẽ có người tìm thấy. Đó là câu chuyện của ngày xưa, bây giờ không ai có thể được chứng kiến chuyện nhiệm màu đó xảy ra. Bên cạnh giếng có một cái ao lớn mà người Mường Nghĩa gọi là đầm Rung. Là nơi ghi lại biến cố trong lịch sử của mường khi dịch bệnh hoành hành làm cho nhiều người bị chết, nhiều gia đình phải chạy đi khỏi Mường. Dịch bệnh đã làm cho làng mường bị một phen tiêu điều, xơ xác. Khi dịch bệnh qua đi, những người Mường Nghĩa còn sống sót lại tiếp tục khai hoang phục hóa để chăn nuôi, sản xuất và di cư phát triển dần như ngày này.
Trải qua hàng trăm năm dựng đất, lập làng với những thăng trầm, biến cố của lịch sử, Mường Nghĩa vẫn đứng vững trên chính mảnh đất họ khai phá nên. Nhiều người con ưu tú của Mường Nghĩa đã học tập, công tác và trưởng thành với nhiều vị trí, cương vị khác nhau, giữ vai trò quan trọng trong Đảng, chính quyền các cấp. Ngày nay, Mường Nghĩa đã có chi hội khuyến học, dòng họ, gia đình hiếu học. Phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng được mọi người quan tâm. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, lớp, số em đạt học sinh khá, giỏi chiếm trên 20% mỗi năm.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Tính đến nay, Mường Nghĩa có trên 60% số hộ khá, giàu và là một trong số rất ít các làng mường ở huyện Lạc Sơn không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn văn hóa hàng năm chiếm từ 80 - 95%. Năm 2013, Mường Nghĩa đã được công nhận 15 năm đạt làng văn hóa. Đặc biệt vừa qua, Mường Nghĩa đã được huyện thí điểm chọn để trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao, đem lại giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích gấp nhiều lần so với lúa. Ngoài trồng hoa, hiện nay, một số hộ ở Mường Nghĩa cũng đã trồng thí điểm các loại cây ăn quả như ổi găng Đông Dư, chuối tiêu hồng, nhãn trái mùa...
Mặc dù không phải là một địa danh nổi tiếng nhưng Mường Nghĩa là một mảnh đất giàu có về giá trị văn hóa. Danh hiệu 15 năm làng văn hóa như một minh chứng khẳng định những giá trị vật thể, phi vật thể tại nơi đây vẫn đang tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Mường Nghĩa trong xu thế giao lưu, hội nhập nhưng bản sắc văn hóa dân tộc vẫn không hề bị phai nhạt, tình đất, tình người luôn mở rộng như tính cách phóng khoáng, nhiệt tình của con người nơi đây.
Bùi Công Nhắn
(Đài TT-TH Lạc Sơn)
(HBĐT) - Ngày 30/7, Sở VH, TT & DL đã phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú và nghiệp vụ du lịch năm 2013 cho 55 học viên đến từ các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Trong 3 ngày, 24- 26/7, tại Cung thiếu nhi Hà Nội, Hội đồng Đội T.Ư đã tổ chức Liên hoan Đội nghệ thuật măng non các tỉnh phía Bắc năm 2013 với chủ đề "Bay cao tiếng hát ước mơ". Liên hoan có sự góp mặt của hơn 1.500 em thiếu nhi đến từ 26 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động TTN. Đội nghệ thuật măng non Nhà thiếu nhi là đại diện duy nhất của tỉnh tham dự liên hoan.
(HBĐT) - Báo Hòa Bình nhận được đơn của ông Xa Đức Quý ở huyện Đà Bắc hỏi: Lễ hội Đền Bờ được tỉnh cho chủ trương khai hội đã 5 năm nay và bia Lê Lợi đã có chủ trương đưa đưa về Đền Bờ nhưng đến nay chưa thực hiện, vì sao? Vấn đề ông Xa Đức Quý hỏi, Sở VH - TT&DL trả lời như sau:
(HBĐT) - Chiều ngày 26/7, Đoàn phường Tân Hoà đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh của phường tổ chức Giao lưu “Nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ”.
(HBĐT) - Đề án xây dựng quy hoạch mạng lưới phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 được triển khai từ tháng 3/2012 với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cụ thể: doanh thu từ du lịch đạt trên 12 tỷ đồng/năm, lượng khách du lịch đạt trên 22.000 lượt người/năm, xây dựng 1 xã, 18 xóm, bản thành điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới…
(HBĐT) - Triển khai chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống gồm: làng nghề dệt kết hợp làm du lịch xã Chiềng Châu (Mai Châu), làng nghề dệt xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).