Ta lại đi về dưới những cơn mưa. Mưa ngâu không dữ dội như những cơn mưa mùa hạ mà cứ dai dẳng, day dứt khôn nguôi. Có phải vì mối tình trái ngang của Ngưu Lang - Chức Nữ ngàn năm còn đó, những buồn đau thế nên trời cứ làm mưa như an ủi, vỗ về. Cũng bởi vậy nên lòng người cứ man mác, bâng khuâng mỗi mùa mưa ngâu. Còn biết bao lứa đôi chia cách như thế để bây giờ mưa cứ rơi mãi không thôi.

 

Mưa ngâu giống như cây cầu đi từ mùa hạ sang mùa thu. Cây cầu mưa ấy trĩu nặng bao nỗi niềm. Ta đang bước đi qua cây cầu mưa ấy, chợt xao lòng thương nhớ những ngày xưa. Cây cầu mưa không thể đưa ta ngược về quá khứ nhưng màu mưa này đã nhòa nhạt ấu thơ ta. Còn nhớ những mùa mưa ngâu thuở bé, cha không thể lên núi kiếm củi. Ta sụt sùi bên bếp lửa ngày mưa, nhen mãi lửa không bén những cành củi chưa khô hẳn mà còn dính nước. Mẹ đi làm đồng về run run vì mưa ướt lạnh, vào bếp hơ tay cũng chỉ toàn là khói. Bữa cơm ngày mưa lặng lẽ, mùi khói nồng nồng trong từng miếng cơm. Nghĩ đến bữa cơm thơm mùi nắng mà thấy thật xa xỉ khi mà ngoài kia mưa ngâu vẫn rơi rả rích, chưa có dấu hiệu ngừng. Những mùa mưa ngâu khi ta đã lớn nghĩ lại còn thấy sống mũi cay cay mùi khói.

Mùa mưa ngâu, con đường đất đỏ trơn trượt, bao đứa trẻ đến trường quần áo, sách vở lấm lem bùn đất, vẫn hồn nhiên say mê ê a đọc bài. Có đứa lên bảng chân quần còn xắn chưa kịp buông nhưng không ai để ý vì đứa nào cũng giống nhau. Cô giáo thu vở chấm bài, lặng đi giây lát vì vở đứa nào cũng ướt nhèm nước mưa. Thế rồi cũng qua mau những ngày hồn nhiên, ngây thơ ấy. Những lấm lem, ướt nhòe ngày mưa chẳng thể ngăn cản ước mơ của chúng ta. Những ngày u ám như chính tiết trời ngày ngâu ấy lại ấp ủ những dự định tươi sáng ngày sau. Những mùa ngâu chúng ta dần lớn lên, dường như đôi mắt ai cũng vương màu mưa, xa xăm và trắc ẩn. áo trắng thiếu nữ ướt mưa để đôi mắt nào bối rối quay đi, ta đỏ mặt nhận ra mình đã lớn. Mùa ngâu ấy đã trở thành dấu ấn khi ta nhìn mọi thứ với đôi mắt màu mưa. Làn tóc rối ướt mưa ngày ấy như vắt ngang nỗi nhớ để bây giờ mỗi cơn mưa qua ta còn thoáng thấy dáng ai vội vã lướt qua, sách vở ôm chặt tay chẳng đưa lên che đầu.

Nhiều năm trôi đi, ta đã bước qua biết bao cây cầu mưa mà những nhịp cầu thì cứ chênh chao thương nhớ để mỗi bước chân cũng ngập ngừng không thể đi nhanh. Những giọt mưa ngâu rơi nghiêng năm tháng như nhắc nhở hay đợi chờ rồi Ngưu Lang - Chức Nữ cũng chẳng thể trọn đời bên nhau mà chỉ có một ngày hội ngộ vào mùa mưa ngâu. Ta cũng đâu thể nhờ những nhịp cầu mưa mà trở về quá khứ. Khói bếp ngày xưa giờ cũng mang màu mưa, nhạt nhòa hư ảnh vì bây giờ còn ai nhen bếp bằng củi ướt bếp xưa. Cha mẹ đã già, bếp xưa đã được thay bằng bếp điện. Đôi lúc có phải nhớ mùi cơm khói mà cha mẹ lại nhóm bếp củi, nhắc lại cho nhau nghe về thuở trước con nhóm bếp sụt sùi. Bây giờ ta đã đi xa, những vinh hoa nhiều khi không có cha mẹ hưởng cùng mà ngày bên cha mẹ thì cuộc sống còn nhiều khốn khó.

Ta lại đi về dưới những cơn mưa. Trên phố người xe vẫn qua lại hối hả. Thành phố qua màn mưa cũng như buồn hơn, trầm mặc hơn. Đó đây thấp thoáng những mái ô che nghiêng đôi lứa. Trong mưa nhạt nhòa ta thấy hiện ra con đường đất đỏ trơn trượt, một làn tóc rối thoáng qua và áo trắng ai ướt nhòe, nhưng nhức kỷ niệm.

 

 

 

                                                        N.T.K.N

                 (Khu 9, xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ)

 

 

Các tin khác

Đông đảo đại biểu, tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh tham dự Đại lễ tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn).
Đoàn Hoà Bình đạt được thành tích tốt với 17 huy chương tại Hội thi văn hóa - thể thao các trường PT DTNT toàn quốc năm 2014.
Trao chứng chỉ cho các học viên tham gia khoá học.
Một tiết mục dự thi của xã Hòa Sơn (Lương Sơn).

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 27 “Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Kim Bôi đã triển khai nghiêm túc, kịp thời các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Sôi nổi phong trào xây dựng làng văn hoá

(HBĐT) - Phong trào xây dựng làng văn hoá trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Không khí dân chủ được mở rộng, nhân dân phấn khởi hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, VH-XH, QP-AN; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Hội thảo về lịch sử phong trào CNVCLĐ và Công đoàn tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Chiều 25/7, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội thảo về lịch sử phong trào CNVCLĐ và Công đoàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 1998 – 2013. Dự hội thảo có đại diện Hội sử học tỉnh; nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo thường trực LĐLĐ tỉnh, Ủy viên BTV LĐLĐ tỉnh.

Công an tỉnh: Tổ chức hội thi “Cán bộ Hội phụ nữ cơ sở giỏi”

(HBĐT) - Trong 2 ngày (22 và 23/7), Công an tỉnh tổ chức Hội thi “Cán bộ Hội phụ nữ cơ sở giỏi” năm 2014. Tới dự có lãnh đạo Công an tỉnh và Hội LHPN tỉnh.

Tập huấn tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam 

(HBĐT) - Sáng 22/7, Sở TT&TT tổ chức khai giảng lớp tập huấn tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước cho 44 cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh.

Tích cực thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa

(HBĐT) - Với tổng số 11.378 hội viên, chiếm 97,6% NCT trong toàn huyện, sinh hoạt tại 29 tổ chức cơ sở Hội và với kinh nghiệm, uy tín của mình, các cấp Hội NCT huyện Lạc Sơn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục