Bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mường thu hút du khách trong nước và quốc tế.
(HBĐT) - Nhắc đến du lịch Cao Phong hẳn du khách đều ấn tượng với bản Mường Giang Mỗ thuộc xã Bình Thanh. Bản cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12 km, nằm dưới chân núi Mỗ cảnh sắc tươi đẹp với hơn 100 nóc nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ hình dáng nhà cửa đến nếp sinh hoạt, ăn ở.
Từ lâu, theo thói quen, du khách thường gọi là bản Giang Mỗ nhưng chính thức đây là 2 xóm Mỗ 2 và xóm Giang nhưng du khách trong và ngoài nước chủ yếu đến thăm quan xóm Mỗ 2. Đến đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành với dòng suối nên thơ chảy róc rách ngày đêm qua bản. Ngay từ đầu bản, phóng tầm mắt bao quát, du khách đã thấy được những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện lưng chừng núi, bên dưới là những thửa ruộng bậc thang tầng lớp tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên hài hoà. Đặc biệt, dù đi trên đường hay ghé thăm bất cứ vào ngôi nhà sàn nào trong bản, du khách cũng được người dân nơi đây chào đón bằng tình cảm nồng hậu và có thể tìm hiểu văn hóa Mường qua câu chuyện với chủ nhà. Nếu dừng chân nghỉ qua đêm, du khách còn được chủ nhà mời uống đặc sản rượu chuối, rượu cần và thưởng thức các món ăn dân tộc như xôi nếp nương, cá đồ, thịt lợn bày cỗ lá. Nếu có nhu cầu, đội văn nghệ của bản sẽ biểu diễn những bài hát, điệu múa đặc sắc của dân tộc Mường như xéc bùa, múa quạt, hát mời trầu trong tiếng trống, chiêng, sáo ôi. Qua đó cảm nhận được cách ứng xử mang đậm nét văn hóa và phong, tục tập quán đặc sắc của người Mường nơi đây...
Đưa chúng tôi đi thăm bản, chị Bùi Yến Minh, cán bộ phụ trách lĩnh vực du lịch, Phòng VH-TT huyện Cao Phong khẳng định: Du lịch cộng đồng bản Mường Giang Mỗ thu hút du khách chính từ việc gắn với bảo tồn các giá trị đặc sắc của văn hoá Mường truyền thống. Cao Phong là vùng đất có lịch sử lâu đời, có bề dầy về văn hoá truyền thống. Là trung tâm của Mường Thàng - 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh. Huyện có nhiều di tích văn hoá khảo cổ, hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, đền, chùa, miếu có mặt ở hầu khắp các xóm, xã. Đây là một trong những tiềm năng lớn để quy hoạch phát triển du lịch. Trong những năm qua, các hoạt động văn hoá, du lịch trên địa bàn huyện được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng; các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc từng bước được bảo tồn, phát huy tác dụng và phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hoá cộng đồng làm phong phú nền văn hòa của huyện, thoả mãn nhu cầu văn hóa tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Qua đó đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh của huyện. Trên địa bàn, ngoài bản Mường Giang Mỗ còn nhiều bản làng vẫn còn lưu giữ được nếp nhà sàn, nếp ăn ở, sinh hoạt, văn hoá đặc trưng của dân tộc với phong cảnh hữu tình như các xóm Khánh, Rớm, Bó Vua, xã Yên Thượng. Hàng năm, lễ hội khai mùa đầu xuân được tổ chức ở các xã Dũng Phong, Xuân Phong thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách đến tham gia. Lễ hội khai mùa đầu năm cũng là nét đẹp truyền thống của dân tộc Mường được tổ chức với hai phần lễ và hội với các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống như đánh mảng, tung còn... Bên cạnh đó, lễ hội đền Bờ, chùa Khánh, chùa Quèn Ang từ lâu đã là điểm đến đầu xuân của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Trong các lễ hội của huyện Cao Phong, điểm đặc biệt là không thể thiếu được tiếng cồng chiêng. Hiện nay, toàn huyện còn lưu giữ được khoảng 2.000 chiếc chiêng. Dàn chiêng “khổng lồ” của huyện đã từng tham gia vào nhiều lễ hội lớn do tỉnh tổ chức...
Theo chị Bùi Yến Minh, từ các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hoá truyền thống, hiện nay, huyện đang đầu tư xây dựng thành các tour du lịch như: tuyến Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà với các điểm du lịch làng cổ dân tộc (Mường, Dao) với các làng nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, thăm quan khu di tích lịch sử Cù Chính Lan, đền Bờ, lòng hồ. Tuyến Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng thăm di tích lịch sử văn hoá chùa Quèn Ang, “vườn hoa núi Cối”, chùa Khánh, bản Mường Yên Lập, Yên Thượng. Tuyến thị trấn - Xuân Phong gồm du lịch sinh thái miệt vườn, hồ Cạn Thượng, làng dân tộc Mường các xóm Cạn, Mừng, xã Xuân Phong...
Hương Lan
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã cấp mới được 242 thẻ bạn đọc, duy trì nề nếp mở cửa phục vụ bạn đọc. Hết tháng 7/2014, Thư viện tỉnh đã phục vụ được gần 11.000 lượt bạn đọc với 49.900 lượt sách, báo luân chuyển.
(HBĐT) - Như tin đã đưa, trong 2 ngày 12 – 13/8 tại Cung Văn hóa tỉnh, Sở VH,TT&DL đã tổ chức hội thi tuyên truyền cổ động tỉnh năm 2014.
(HBĐT) - Nhìn vào kết quả thực thi công vụ của đội ngũ CBCCVC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện Kim Bôi thẳng thắn nhận định: Vẫn còn một bộ phận không nhỏ CBCCVC chưa đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Ý thức lao động kém vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như: làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi game, uống rượu, bia trong giờ làm việc, hút thuốc lá không đúng nơi quy định... đã ảnh hưởng đến uy tín của CBCCVC. Ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này là việc làm cấp thiết.
(HBĐT) - Tối ngày 12/8, tại Cung văn hóa tỉnh, Sở VH,TT&DL đã tổ chức khai mạc hội thi tuyên truyền cổ động tỉnh năm 2014. Đến dự có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; đại diện Cục văn hóa cơ sở - Bộ VH,TT&DL; lãnh đạo đại diện UBND các huyện, thành phố và đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố đến xem và cổ vũ.
Họa sĩ vẽ bằng ngón tay Võ Trịnh Biện đang giới thiệu đến công chúng 23 tác phẩm hội họa, với chủ đề “Đà Lạt và tôi”, tại Trung tâm triển lãm Hòa Bình, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tháng Tám về, ông Chương tuổi ngoài 80 lại nhớ mùa thu cách mạng cách đây gần 70 năm. Thời ấy, ông mới 12 tuổi, cách mạng về xóm làng bừng dậy. Đêm về, những bước chân người nông dân quê mùa nghèo đói, lam lũ nghe theo tiếng gọi của Việt minh rộn ràng bước vội trong sự thôi thúc của tiếng mõ, chiêng cồng, tù và và lao xao tiếng nói cách mạng đã về, dân nghèo thoát khỏi cảnh áp bức của nhà lang.