Cây hoa ban được nhiều hộ kinh doanh du lịch ở thị trấn Mai Châu và xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu) trồng trong khuôn viên đã tạo được điểm nhấn trong lòng du khách.
(HBĐT) - Xe vừa đến Tòng Đậu, huyện Mai Châu, một nữ đồng nghiệp đã ồ lên: Kìa... hoa ban. Đúng, hoa ban đã nở trắng những sườn núi phía sau các bản làng của người Thái nơi đây. Ngay phía lề đường gần một trường học của xã, một cây hoa ban xum xuê vươn cao, hoa nở trắng trời mê hoặc lòng người. Tháng 4 này, hoa ban đang là một trong những “đặc sản” làm nên hương vị đặc biệt cho du lịch văn hóa nơi vùng cao này.
Thật may mắn làm sao khi lên Mai Châu đúng mùa hoa ban nở rộ. Gặp nhiều du khách ở khu vực hồ Mó Luông, bản Lác, họ đều có chung cảm nhận: Thật vui và dễ chịu vô cùng khi được nhìn ngắm hàng ban trắng đang nở rộ ở khuôn viên khách sạn K.T gần hồ. Nhiều người đang tìm góc chụp những bức ảnh để về lưu giữ và khoe với bạn bè. Những cánh hoa mỏng, trắng quyến rũ lòng người. Dù chưa phải là đậm đặc nhưng những cây ban nở trắng khuôn viên ở trụ sở Huyện ủy, UBND huyện hay điểm xuyết dọc những con đường thị trấn dẫn về các nhà nghỉ cộng đồng, khách sạn...đã góp phần làm nên hương vị cho chuyến thăm quan du lịch nơi vùng cao này.
Hoa ban không hề mới đối với Tây Bắc nói chung và Mai Châu nói riêng. Nhưng như là điều mặc định, đã nói đến hoa ban đều khiến du khách nghĩ ngay tới hình ảnh cuộc sống, vẻ đẹp của đồng bào dân tộc Thái, những người phụ nữ, cô gái Thái nơi vùng cao. Một biểu tượng mà không phải cộng đồng dân cư nào cũng có nét riêng này. Loài hoa là biểu tượng của vùng cao Tây Bắc, biểu tượng của tình yêu trong sáng và thủy chung còn từng “xuống phố” an nhiên, tưng bừng khoe hương sắc ở Thủ đô Hà Nội, trung tâm thành phố Hòa Bình. Nhưng dù thế nào, điều khao khát mỗi lần đến Mai Châu vẫn là được cảm nhận, ngắm nhìn hoa ban tại chính quê hương xứ sở của loài hoa nổi tiếng này. Đem “câu chuyện hoa ban” trò chuyện với anh Hà Văn Tiệp (dân tộc Thái ở xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu), anh tâm đắc: Chiềng Châu nói riêng và Mai Châu nói chung đang phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, bên cạnh bản sắc dân tộc Thái (nhà sàn, trang phục dân tộc, thổ cẩm, ẩm thực, dân ca, dân vũ, nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần người bản địa...), có thể chính hoa ban cũng là một nét, điểm nhấn làm du khách muốn đến Mai Châu. ở Chiềng Châu, nhiều nơi đã được trồng hoa ban (như khuôn viên các nhà văn hóa, UBND xã, đài tưởng niệm liệt sĩ...). Riêng xóm Nà Sài còn phát động phong trào trồng dọc con đường dẫn vào xóm. Nhiều xóm, hộ dân còn cất công vào tận xã Nà Mèo lấy cây giống về trồng. Tuổi trẻ nơi đây còn ấp ủ một số hoạt động liên quan đến phát triển cây hoa ban trong cộng đồng. Trong ký ức của mình, anh Đinh Công Muôn (Đài TT-TH huyện) vẫn còn hình ảnh những cây hoa ban trắng bên dòng suối Tù (của xã Bao La, Piềng Vế) năm nào. Là con em vùng cao, anh thấy hoa ban là một phần đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Mai Châu. Vào tháng 3, tháng 4, mỗi ngày đi làm, nhìn về phía núi Pù Tọc hay các cánh rừng phía Tòng Đậu, hoa ban nở như níu kéo những tháng ngày mùa xuân ở lại. Anh chia sẻ: Tôi mong rằng, nếu huyện có chủ trương phát triển trồng hoa ban dọc con đường 15, nhất là đoạn đường từ xã Tòng Đậu vào thị trấn Mai Châu, vào mùa ban nở sẽ tạo được một không gian mà không phải điểm du lịch nào cũng có được. Thị trấn hoa ban, con đường hoa ban, phố hoa ban...vẫn có thể hình thành và hút hồn du khách nếu có ý tưởng, sự đầu tư chăm sóc từ hôm nay...
Nếu đồng bào dân tộc Mường có hoa bông trăng (bông clăng), đồng bào Mông có mùa hoa tam giác mạch mê hoặc du khách thì đồng bào dân tộc Thái Mai Châu cũng đang có những mùa hoa ban mà mỗi lần đi xa họ vẫn không quên. Vấn đề là gây dựng, phát triển loài hoa mộc mạc, dân dã này ở đâu, quy mô thế nào lại vẫn đang là điều cần phải suy tính.
Bùi Văn
(HBĐT) - Tối 29/4, Festival Huế 2016 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế" đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội, Huế.
Đến thời điểm hiện tại, Festival Huế 2016 đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho giờ khai cuộc.
(HBĐT) - Tối 28/8, Hội LHPN huyện Tân Lạc, phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT huyện và UBND xã Do Nhân tổ chức giao lưu văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
(HBĐT) - Thiết thực chào mừng kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2016) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tối 27/4, tại trường THPT 19/5, Huyện đoàn Kim Bôi đã phối hợp với Trung tâm hoạt động TTN tỉnh tổ chức liên hoan đội ca khúc cách mạng khối học sinh THPT và TTGDTX huyện Kim Bôi năm 2016..
Tối 27-4, tại Quảng trường trung tâm thành phố Lai Châu đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2016. Buổi lễ đã thu hút đông đảo đồng bào nhân dân các dân tộc Lai Châu và du khách thập phương tham dự.
(HBĐT) - Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với 8 huyện, thành phố (108 xã, phường, thị trấn), trên 265 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về QP-AN của đất nước. Ngoài ra, địa phương có vai trò quan trọng khi có hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, trung tâm công nghiệp thủy điện với tổng công suất trên 2.500 MW, cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và cung cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng về mùa khô, chống lũ về mùa mưa.