Tình hình tại Xy-ri đang vô cùng phức tạp. Máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục oanh kích vào các căn cứ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khu vực phía Bắc Xy-ri, trong khuôn khổ chiến dịch "Lá chắn Euphrates", cho dù Xy-ri không đồng ý. Trong khi đó, Nga tuyên bố tiến hành hoạt động bay giám sát trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ theo Hiệp ước Bầu trời mở. Những mâu thuẫn của các nước có liên quan tới chiến trường Xy-ri đang hiện hữu khiến cuộc chiến ở đây leo thang.
Quân đội Xy-ri đang kiểm soát khu vực ngoại ô A-lép-pô. Ảnh: Sputnik International
Bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở
Trong ngày 21-11, một nhóm thanh sát viên của Nga sẽ tiến hành hoạt động bay giám sát trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ông Xéc-gây Rư-scốp (Sergey Ryzhkov), người đứng đầu Trung tâm giảm thiểu rủi ro hạt nhân thuộc Bộ Quốc phòng Nga, đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết hoạt động này sẽ kéo dài đến hết ngày 25-11.
Theo ông Xéc-gây Rư-scốp, máy bay An-30B của Nga sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát này, chở theo đoàn thanh sát viên của Nga và các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ theo lộ trình đã được nhất trí giữa hai bên để giám sát việc tuân thủ hiệp định. Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào tháng 3-1992 và có hiệu lực vào tháng 1-2002; có 34 thành viên, bao gồm Nga và phần lớn các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Hoạt động bay giám sát là một phần trong những giải pháp xây dựng niềm tin tại châu Âu sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh bằng Hiệp ước Bầu trời mở, theo đó các nước thành viên sẽ thực hiện các hoạt động bay phi vũ trang nhằm giám sát không phận của nhau.
Trong khi đó, Hãng thông tấn quốc gia Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20-11 đưa tin các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đang oanh kích vào các căn cứ của IS ở khu vực phía Bắc Xy-ri. Các cuộc không kích nhằm vào ít nhất 2 căn cứ của IS trong khu vực An Báp (Al-Bad) phía Bắc Xy-ri và phá hủy 17 mục tiêu của IS. Chiến dịch "Lá chắn Euphrates" do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp cùng lực lượng quân đội Xy-ri tự do (FSA). Theo các chuyên gia, chiến dịch này không hẳn nhằm trực tiếp vào IS mà là để ngăn chặn bước tiến của lực lượng người Cuốc (Kurd) tại Xy-ri, vốn đang kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn dọc biên giới Xy-ri - Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch quân sự này bị chính quyền Xy-ri phản đối mạnh mẽ vì xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước này.
Vũ khí hóa học đã được sử dụng ở A-lép-pô?
Cũng trong ngày 21-11, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga I-go Cô-na-sen-cốp (Igor Konashenkov) cho biết, các chuyên gia nước này đã chứng minh được phiến quân ở A-lép-pô (Aleppo) tại Xy-ri tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Theo ông Cô-na-sen-cốp, các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã phân tích nhanh 9 mẫu thử thu thập được gồm các mảnh mìn đã nổ và đất nơi mìn phát nổ tại khu phố 1070 ở phía tây nam A-lép-pô. Kết quả cho thấy, các quả đạn pháo đã được bắn ra chứa đầy chất clo và phốt-pho trắng. Việc phiến quân sử dụng vũ khí hóa học đã khiến 4 người dân Xy-ri bị nhiễm độc. Các chuyên gia sẽ đưa các mẫu thử về Nga để tiến hành phân tích sâu tại phòng thí nghiệm chuyên dụng.
Ông Cô-na-sen-cốp cho biết, các chuyên gia thuộc Trung tâm Khoa học của Binh chủng bảo vệ sinh học và hóa học phóng xạ quân đội Nga đang tiếp tục công tác thu thập những bằng chứng cho thấy các nhóm khủng bố sử dụng vũ khí hóa học tại A-lép-pô. Ông Cô-na-sen-cốp cũng nhấn mạnh rằng, dù được mời đến làm việc chung, song Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đến nay vẫn chưa cử chuyên gia đến Cô-na-sen-cốp. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần cho biết các phiến quân ở phía đông thành phố A-lép-pô sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào quân đội Xy-ri và dân thường khiến hàng chục binh sĩ bị nhiễm độc. Các chuyên gia Liên hợp quốc đã cảnh báo, nếu các bên không chú trọng tới tình hình nhân đạo, sẽ có thêm hàng trăm nghìn nạn nhân ở quanh khu vực A-lép-pô phải gánh chịu hậu quả do các cuộc tấn công tranh giành địa bàn chiến lược này.
TheoQĐND
Một ngày sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Đô-nan Trăm (Donald Trump) giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Dân chủ gạt nỗi thất vọng sang một bên, đồng thời cùng nỗ lực cho một tiến trình chuyển giao quyền lực một cách êm thấm...
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump đã bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực kéo dài 73 ngày ngay trong ngày 9-11. Trong khi đó, đối thủ của ông bà Hillary Clinton cam kết sẽ hợp tác với ông để đoàn kết đất nước.
Ông Donald Trump sớm ngày 9-11 đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và kêu gọi người dân Mỹ “đoàn kết như một”. Trong khi đó, bà Hillary Clinton đã thừa nhận thất bại vào sớm cùng ngày
Kết quả kiểm phiếu từ các bang quan trọng liên tục cập nhật cho thấy khoảng cách giữa hai ứng cử viên có sự nới rộng, với sự vượt lên dẫn đầu liên tục của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump.
Tối 8-11 theo giờ địa phương, tức sáng 9-11 theo giờ Việt Nam, một số điểm bầu cử đầu tiên tại những khu vực theo giờ miền Đông tại các bang Indiana, Kentucky và Vermont Mỹ đã bắt đầu đóng cửa.
Hôm nay 7-11, tại Nga diễn ra hoạt động tuần hành, mít tinh kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và Cuộc diễu binh lịch sử năm 1941. Trước thềm diễn ra các hoạt động kỷ niệm, đảng Cộng sản Liên bang Nga đã thông qua nghị quyết yêu cầu các đảng viên nỗ lực chống lại những tư tưởng xuyên tạc giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.