Theo truyền thông Pháp và AFP, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, Pháp "sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao hướng tới mục tiêu đàm phán theo các tiêu chuẩn hòa bình được cộng đồng quốc tế công nhận". Ông Macron nói: "Tôi hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán để hướng về phía trước". Theo ông Macron nói rằng, người dân Israel và Palestine có thể "sống cùng nhau bên trong đường biên giới an toàn và được công nhận với thủ đô là Jerusalem".
Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông Macron nhấn mạnh, luật pháp quốc tế cần phải được "tất cả các bên tôn trọng". Trước đây, Pháp đã phản đối việc Israel tiến hành xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian hòa giải đã bị đình trệ từ năm 2014. Về phía mình, ông Netanyahu nói rằng, Israel chia sẻ mong muốn chung về một Trung Đông hòa bình. Ông Benjamin Netanyahu bày tỏ sự "lo ngại" về thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc phương Tây đạt được với Iran, cho rằng cần phải thực thi và giám sát thỏa thuận. Hai bên cũng đã thảo luận về cuộc chiến hiện nay tại Syria và những nơi khác, bàn về việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tham dự lễ kỷ 75 năm Sự kiện Velodrome d'Hiver. Trong hai ngày 16 và 17-7-1942, theo lệnh của phát-xít Đức, khoảng 7.000 cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 13 nghìn người Do Thái, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đưa về tập trung tại Velodrome d'Hiver, vốn là một cung thể thao được xây dựng năm 1909, thuộc phố Nélaton, quận 15, Paris và ở Drancy, sau đó họ bị chuyển đến các trại tập trung của phát-xít Đức, đa số được đưa đến trại Auschwitz. Ông Manuel Macron thừa nhận "Pháp thực sự thực hiện vụ bắt giữ" này. Ông Macron là vị tổng thống thứ tư của Pháp thừa nhận trách nhiệm của Pháp liên quan đến vụ Velodrome d'Hiver. Ngày 16-7-1995, Tổng thống Jacques Chirac lần đầu nhận trách nhiệm và xin lỗi về sự tham gia của Pháp vây bắt người Do Thái tháng 7-1942. |
Theo Nhandan