Việc lực lượng quân đội Iraq giành lại Mosul, nơi được coi là một trong những thủ đô của cái gọi là "Đế chế Hồi giáo” của IS ở Iraq, có tầm quan trọng rất lớn bởi thành phố này đã trở thành chỉ huy sở của nhóm khủng bố kể từ khi thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập Đế chế Hồi giáo ba năm trước đây. Sự sụp đổ của Mosul được xem như biểu tượng cho sự sụp đổ hoàn toàn của IS ở Iraq.
Kể từ năm 2014, IS đã lan tràn như một đại dịch ra khắp các khu vực miền bắc Iraq và Syria, nơi chúng chiếm đóng những vùng đất rộng lớn. Sự dã man, tàn bạo của chúng, được minh họa bởi những hành động hung ác như chặt đầu người dân vô tội và các nhà báo, phá hủy các di tích lịch sử mang tính biểu tượng, bắt phụ nữ theo các tôn giáo khác làm nô lệ, đã khiến cả thế giới bị sốc.
Binh lính Iraq mừng chiến thắng ở Mosul.
Tuy nhiên, chiến thắng của quân đội Iraq ở Mosul, mặc dù là bước ngoặt đáng nhớ, những nó cũng đồng thời tạo ra hàng loạt những thách thức to lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, cả ở Iraq, Syria lẫn ở các nơi khác trên thế giới.
Mặc dù đã mất Mosul, nhưng IS hiện vẫn đang chiếm giữ Raqqa, một thành phố có vai trò quan trọng không kém Mosul đối với IS ở Syria, và nhiều vùng lãnh thổ khác bao gồm cả các khu vực vùng sâu, vùng xa ở Iraq.
Sau trận chiến ở Mosul, những tay súng còn sống sót đã tháo chạy về Tal Afar, một thị trấn cách Mosul thành phố này 65km về phía tây. Với diện tích bằng một phần tám Mosul, từ lâu Tal Afar đã là một thành trì vững chắc của IS và sẽ phải mất nhiều tháng để quân đội IS có thể giải phóng thị trấn này.
Còn ở cách Mosul 290km về phía tây nam, một loạt các thị trấn thuộc tỉnh Anbar, nằm trong phần lãnh thổ của Iraq chạy dọc con sông Euphrates, cũng đang nằm trong tay IS. Được gọi chung là al-Qaim, những thị trấn này được kết nối chặt chẽ với những thành trì của IS trong thung lũng Euphrates thuộc lãnh thổ Syria, thí dụ như Raqqa hay Deir al-Zour. Trừ khi IS phải hứng chịu những thất bại mang tính hủy diệt, thì các cuộc chiến ở Tal Afar và al-Qaim vẫn có thể kéo dài đến hết năm 2017.
Việc giải phóng Raqqa còn có thể sẽ phải mất nhiều thời gian hơn bởi tình hình ở Syria phức tạp hơn rất nhiều với sự các cuộc giao tranh của cả ba phe tham chiến gồm cả quân đội chính phủ Syria, lực lượng phiến quân do Mỹ và phương Tây hỗ trợ lẫn các tay súng IS.
Thậm chí ngay cả khi mất quyền kiểm soát ở Mosul và Raqqa, IS vẫn chưa thể bị xóa khỏi danh sách những tổ chức khủng bố. Những tàn dư của IS có thể sẽ rút vào hoạt động bí mật, tổ chức các vụ tấn công khủng bố reo rắc sợ hãi, tìm cách tập hợp lại sau một khoảng thời gian để chờ thời cơ trỗi dậy.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, những thất bại trên các mặt trận ở Trung Đông đã thúc đẩy IS phát động một làn sóng các cuộc tấn công khủng bố mới để khẳng định sự hiện hữu của tổ chức này. Các nước phương Tây đã và sẽ trở thành những mục tiêu dễ tấn công nếu IS muốn trả thù cho thất bại mất mặt của chúng.
Ở thời đỉnh cao, IS đã từng thu hút được một số lượng lớn những kẻ cuồng tín từ khắp nơi trên thế giới tới Trung Đông để kề vai chiến đấu với các tay súng của chúng. Giờ đây, rất nhiều kẻ đã quay trở lại quê hương của chúng và tạo ra một mối đe dọa lớn về an ninh.
Suốt những năm qua, IS đã tiến hành hàng loạt các đợt tấn công khủng bố quy mô lớn ở thủ đô các nước châu Âu khiến hàng trăm dân thường chết và bị thương. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều vụ tấn công khủng bố khác cũng đã liên tiếp xảy ra tại các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia. Hầu hết các vụ tấn công này đều có sự dính líu của mạng lưới khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong trận chiến giành lại thị trấn Marawi trên đảo Mindanao của quân đội Philippins trong suốt hai tháng qua, họ đã phát hiện hàng chục tay súng người nước ngoài, phần lớn là từ các quốc gia láng giềng như Indonesia và Malaysia trong số các tay súng IS tham gia cuộc chiến. Kẻ cầm đầu nhóm phiến quân ở Marawi là Isnilon Hapilon, một tay súng IS đã từng chiến đấu ở Trung Đông.
Thậm chí, ngay chính tại Mosul, thay vì các cuộc đụng độ chính diện với quân chính phủ, IS cũng đã có sự thay đổi chiến thuật để thích ứng với tình hình mới. Vào các ngày 23 và 24-6, đúng thời điểm bắt đầu lễ hội Eid al-Fitr, IS đã thực hiện liên tiếp các vụ đánh bom tự sát nhắm vào các đám đông dân thường. Hoặc chúng có thể sẽ tiến hành đánh bom vào một đám đông người Shia hành hương gần Baghdad trong các dịp lễ hội tôn giáo cuối năm nay, đề bù đắp những thất bại mà chúng phải hứng chịu trên chiến trường.
Cuộc chiến chống IS có thể sẽ chuyển từ các chiến trường mở thành các vụ vây ráp chống khủng bố trong các thành phố, sa mạc và khu vực biên giới.
Sau khi Mosul được giải phóng, một nhu cầu cấp thiết này sinh về việc tạo ổn định, an ninh, quản lý và tái thiết thành phố vừa được giải phóng này để người dân có thể quay trở lại nhà cửa một cách an toàn.
Ba năm cai trị của các tay súng Hồi giáo cực đoan và những trận giao tranh ác liệt với quân đội chính phủ, đã khiến phần lớn diện tích của Mosul hiện đang chìm trong đổ nát, hàng nghìn dân thường bị giết hại và gần một triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Theo ước tính của Liên hợp quốc, sẽ phải mất khoảng hơn một tỷ USD để sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng ở Mosul. Tại một số khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất, gần như không còn tòa nhà nào còn nguyên vẹn. Đồng thời, các quan chức LHQ cũng cho rằng mật độ xây dựng dày đặc của Mosul cũng khiến cho việc đánh giá thiệt hại có thể thiếu chính xác.
Tuy nhiên, triển khai các kế hoạch tái thiết có thể sẽ trở nên rất khó khăn khi các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn còn tiếp diễn. Có thể nhìn thấy rõ nguy cơ này ở thành phố Tabqa, một cửa ngõ nối tới Raqqa. Mặc dù thành phố này đã được giải phóng khỏi tay IS từ hai tháng trước đây nhưng việc khôi phục đời sống người dân ở đây vô cùng chậm chạp.
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 7-8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rết đã kêu gọi mọi người dân Vê-nê-xu-ê-la nỗ lực giảm căng thẳng và tiến hành đối thoại chính trị nhằm giải quyết những bất đồng trong xã hội ở nước này.